Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn với quản lý bền vững rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long

02/10/2024

    Việt Nam có rừng ngập mặn (RNM) phát triển dọc theo 3.260 km bờ biển, từ Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (Hong & San, 1993; Sam et al., 2005). RNM đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái (HST) như bảo vệ bờ biển khỏi bão, lũ lụt và xói mòn, là môi trường sống cho các loài thủy sinh và trên cạn và hấp thụ các-bon… (Rönnbäck, 1999; Hawkins et al., 2010; Tuân & Kuenzer, 2012). Hầu hết, người dân địa phương ở các tỉnh ven biển Việt Nam đều dựa vào các dịch vụ HST RNM (Hawkins et al., 2010; Hải et al., 2020) để sinh sống. Tuy nhiên, diện tích RNM hiện nay ở Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác chặt phá rừng bừa bãi. Ngoài ra, tác động về biến đổi khí hậu (BĐKH) và diễn biến bất thường của thời tiết như bão, gió, sóng biển to cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích RNM. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến RNM. Bài viết phân tích thực trạng, những khó khăn, thách thức trong quản lý RNM ở vùng ĐBSCL; khung chính sách quản lý RNM ở Việt Nam, từ đó đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với quản lý bền vững RNM ở vùng ĐBSCL.

1.Thực trạng và những khó khăn thách, thức trong quản lý rừng ngập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

    RNM của Việt Nam có diện tích 408.500 ha vào năm 1943, nhưng 40% trong số đó đã bị phá hủy trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (Hong & San, 1993) từ năm 1955 - 1975. Từ năm 1977 - 1995, 23% diện tích RNM chuyển đổi sang trang trại nuôi tôm (De Graaf & Xuân 1998). Trong giai đoạn 1995 - 2010, diện tích RNM giảm 24.966 ha nhưng lại tăng 11.705 ha trong giai đoạn 2010 - 2019. Về mặt không gian, diện tích RNM giảm ở khu vực phía Nam nhưng lại tăng ở khu vực phía Bắc và miền Trung (Pham Hồng Tĩnh at all 2019). Theo thống kê mới nhất năm 2023, tổng diện tích RNM ở Việt Nam là 200.000 ha (Bộ NN & PTNT, 2023), trong đó vùng ĐBSCL có diện tích RNM lớn nhất, với 73.372,04 ha, chiếm 50,5% diện tích RNM cả nước.

    Các thách thức chủ yếu đối với quản lý RNM là do RNM tiếp tục bị chuyển đổi sang mục đích phát triển nông nghiệp và thủy sản và bị suy thoái do khai thác quá mức, gây ô nhiễm môi trường (Đỗ Đình Sam et al., 2005. Diện tích mở rộng nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp là nguyên nhân chính chiếm lần lượt 43,4% và 24,8% tổng diện tích RNM bị mất (Pham Hồng Tính at all, 2019).

    Ngoài ra, BĐKH tạo ra một số yếu tố tác động mới vào quá trình suy giảm RNM. Sự thay đổi về khí hậu làm tăng tốc độ mất RNM, trong khi cần những vành đai RNM ven biển khỏe mạnh để chống lại sự gia tăng về tần xuất và quy mô của những cơn gió, bão. Bên cạnh đó, các nguồn tài chính nhằm bảo tồn, phục hồi RNM rất hạn chế. Nguyên nhân là do việc đánh giá chưa đầy đủ các giá trị HST của RNM, thực tế là các địa phượng hiện đang phải sử dụng nguồn tài chính hạn chế để thực hiện mục tiêu bảo tồn RNM (Macintosh & Ashton, 2002).

    Ngoài ra, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, việc mất rừng và suy thoái rừng diễn ra nhiều nhất ở vùng Bắc Trung bộ, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Bắc Việt Nam (Khúc et al., 2018; Chính phủ Việt Nam, 2016). Tuy nhiên cho đến nay, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) chủ yếu tập trung và phân bổ ở Tây Bắc và Tây Nguyên (tương ứng là 37% và 35%) do hai vùng này có tổng diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất (80% và 60%), trong khi nguồn thu (phân phối) ở Bắc Trung bộ và Đông Bắc còn hạn chế (tương ứng là 6% và 11%). Điều này cho thấy, các khu vực có RNM gắn với nuôi trồng thủy sản chưa có nhiều chương trình chi trả DVMTR được thực hiện do việc chi trả DVMT RNM còn gặp nhiều khó khăn bởi các lý do: (i) Nhiều nơi, chủ rừng trực tiếp kinh doanh với mô hình kinh doanh du lịch sinh thái nhỏ lẻ, tự phát, doanh thu không đáng kể hoặc không có cơ sở xác định doanh thu; (ii) Trong mô hình nuôi trồng thủy sản dựa vào RNM thông thường, đa số chủ rừng trực tiếp nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong diện tích rừng được giao quản lý, sử dụng; số lượng người hưởng lợi lớn trong khi hoạt động NTTS được thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, doanh thu thấp, nhiều rủi ro. Riêng mô hình nuôi tôm sinh thái, quy định chi trả trực tiếp không có lợi cho chủ rừng kiêm người nuôi tôm (do không thể tham gia đàm phán về mức chi trả và hình thức chi trả), chi phí giao dịch cao (do số lượng chủ rừng lớn); (iii) Việt Nam cũng chưa hoàn thiện khung pháp lý cho việc thiết lập thị trường các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và cho RNM nói riêng; thông tin, dữ liệu về RNM và trữ lượng các-bon của các loại RNM chưa đồng bộ, thống nhất trong khi yêu cầu kỹ thuật trong đo lường, kiểm định phức tạp. Đây là những vấn đề cần được đưa ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 về hướng dẫn Luật Lâm nghiệp, đặc biệt về đối tượng phải chi trả cho dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon nhằm phát huy tối đa nguồn lực mới này trong thời gian tới.

2. Khung chính sách quản lý rừng ngập mặn ở Việt Nam

    Những năm gần đây, nhiều chính sách quan trọng thúc đẩy việc quản lý và phát triển RNM đã được xây dựng và ban hành. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh tham gia quản lý RNM và các vấn đề liên quan, dẫn đến chồng chéo về nhiệm vụ và trách nhiệm. Cụ thể, Bộ NN&PTNT được giao quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, bao gồm RNM, quản lý nước mặt vì liên quan đến thủy lợi, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Bộ TN&MT quản lý đa dạng sinh học trên đất có rừng, bao gồm rừng trên cạn và RNM. Ngoài ra, mỗi cơ quan Trung ương có một cơ quan chuyên ngành ở cấp tỉnh (các Sở NN&PTNT và Sở TN&MT). Vì vậy, việc quy định trách nhiệm quản lý RNM còn nhiều khó khăn và chưa hiệu quả. Một số chính sách và chương trình chủ yếu về quản lý và phục hồi  RNM ở Việt Nam như: Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 523/QD-TTg, 2021); Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon rừng và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 (Quyết định số 419/QĐ-TTg năm 2017); Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 886/QD-TTg ngày 16/6/2017); Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng biển và ven biển Việt Nam vùng vịnh Thái Lan đến năm 2020 (Quyết định số 18/2009/QD-TTg ngày 3/2/2009);  Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và 2050 (Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014)…

    Nhờ các chính sách và chương trình trên, nhiều hoạt động phát triển thủy sản tại các khu vực RNM đã được triển khai, với các hệ sinh thái RNM đa dạng, cung cấp nhiều chức năng và tồn tại bền vững. Trong đó, công tác quản lý, bảo vệ RNM được tăng cường. Ở Việt Nam, tại Điều 4, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 quy định cụ thể về chính sách, phân loại quản lý rừng. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện diện tích cả hai loại rừng là trên 13 triệu ha và được chia thành 3 nhóm: (i) Rừng đặc dụng, chủ yếu là các khu bảo tồn, chiếm khoảng 15% tổng diện tích rừng và mục tiêu quản lý cho nhóm này là bảo tồn các hệ sinh thái và sự đa dạng của các loài động và thực vật; (ii) Rừng phòng hộ, chiếm khoảng 36% tổng diện tích rừng, được quản lý nhằm mục tiêu phòng hộ các lưu vực sông, bảo vệ đất và môi trường; hơn 70 % RNM ở Việt Nam là rừng phòng hộ; (iii) Rừng sản xuất, chiếm 47% tổng diện tích rừng, là nguồn cung cấp gỗ và các loại lâm sản.

3. Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với quản lý bền vững rừng ngập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

    Với diện tích RNM lớn nhất cả nước, tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Long An. Hệ sinh thái dưới tán RNM rất phong phú và đa dạng như cua, cá, các loài nhuyễn thể…, đây là điều kiện phù hợp để nuôi trồng thủy sản. Theo đó, mô hình kinh tế dưới tán rừng như tôm - rừng, tôm - rừng kết hợp thả nuôi cua, sò huyết… đang rất phát triển. Người dân vừa có thu nhập ổn định, vừa tham gia cùng với địa phương bảo vệ diện tích RNM. Hiện toàn vùng ĐBSCL có hơn 90% trang trại nuôi tôm - RNM được ký hợp đồng với Lâm trường Nhà nước hoặc Ban Quản lý Lâm nghiệp (Hà et al., 2014). Các hợp đồng này cung cấp cho nông dân một hợp đồng thuê ngắn hạn tương đối (20 năm) so với nông dân ngoài vành đai RNM và quy định tỷ lệ diện tích rừng trên ao cụ thể, mật độ trồng cây... So với các hệ thống quảng canh không tích hợp, hệ thống nuôi tôm RNM kết hợp cho phép người sản xuất tiếp cận các thị trường thích hợp cụ thể thông qua việc Chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ (Naturland) với mức giá cao hơn trên thị trường xuất khẩu (Ha, 2012a,b). Chứng nhận hữu cơ, sinh thái được áp dụng từ năm 2002, tuy nhiên đến năm 2009, tỉnh Cà Mau là tỉnh đầu tiên trong toàn vùng có 335 trang trại, 2.100 ha diện tích nuôi tôm hữu được chứng nhận. Các tiêu chuẩn hữu cơ cũng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích ao và rừng trên trang trại, từ đó khuyến khích việc duy trì các hệ thống tích hợp. Tiêu chuẩn hữu cơ quy định tỷ lệ ao/diện tích rừng là 50:50, trong khi quy định của Chính phủ yêu cầu tỷ lệ là 40:60 đối với trang trại có diện tích nhỏ hơn 3 ha. Các trang trại tôm được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ được hưởng mức giá ưu đãi 20%. Trên thực tế, kết quả được phân phối dọc theo chuỗi giá trị (nhà chế biến, người thu gom và nông dân) và nông dân chỉ thu được 6% giá trị gia tăng này (Ha et al., 2012a). Hệ thống tiêu chuẩn bền vững về nuôi trồng thủy sản cũng được xây dựng, với tiêu chí BVMT và bảo vệ rừng là một trong những tiêu chí bắt buộc của nuôi tôm rừng bền vững. Ngoài ra, các tiêu chí thực hành nuôi thân thiện với môi trường, không dùng thuốc hoá chất; thu hoạch có chọn lọc không gây ảnh hưởng đến môi trường cũng được đưa vào tiêu chuẩn. Say đây là các tiêu chuẩn nuôi thủy sản gắn với tôm rừng đang được áp dụng hiện nay (Bảng 1).

Bảng 1. Các tiêu chuẩn nuôi thuỷ sản gắn với tôm rừng

Chứng nhận

Thị trường

Cơ hội

ASC

Thị trường chính EU

Cam kết của một số nhà bán lẻ C.Âu (AHOLD, MIGROS, METRO, NORDIC, POPPEN…); Thị trường Nhật AEON….

SELVA

 

Tiêu thụ chính trong hệ thống của Blue You

NATURLAND

Thị trường chính EU

Tiêu thụ chính ở các nước Bắc Âu

Seafood Watch

Thị trường chính là Mỹ

Mỹ và các nước Bắc Mỹ

BAP

Thị trường chính là Mỹ

Nhà bán lẻ, chuỗi nhà hàng và Nhà chế biến thức ăn tại Bắc Mỹ (Wallmart, Norpad)+ UK

BIO SUISSE

Thị trường chính EU

Thị trường chính Thụy Sĩ

Organic aquaculture (EU)

Thị trường chính EU

Chỉ 01 logo cho tất cả các nước EU -> dễ nhận biết cho người tiêu dùng >50%

• Theo yêu cầu từ các nhà bán lẻ và chuỗi nhà hàng tại Bắc EU (Đức, UK, Pháp ,Sweden, DK…)

Nguồn: ICAFIS tổng hợp 2020

    Tại Cà Mau, mô hình quản lý RNM truyền thống ở vùng đệm ven biển được phát triển từ giữa thập niên 1970. Theo đó rừng được quản lý dưới dạng lâm, ngư trường và cho người dân thuê khoán với thời gian 20 năm. Theo mô hình truyền thống: Rừng chiếm 50-70%, mương 30-50%, chủ yếu rừng đước <15 tuổi, tôm được nuôi theo hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, điểm hạn chế của mô hình này là diện tích tán rừng che phủ diện tích mặt nước để nuôi tôm và các loài thủy sản khác: Làm ánh sáng bị che bớt; (ii) lá cây rụng làm tăng lượng mùn bã trong nước; hệ thống rễ cây làm cản trở sự di chuyển của tôm, cá… nên sản lượng nuôi không cao chỉ dao động trong khoảng 200 - 300 kg/ha/năm.

    Để nâng cao hiệu quả về sản lượng nuôi tôm rừng tại ĐBSCL, từ năm 2016 ngành thủy sản, lâm nghiệp và các chương trình dự án đã áp dụng giải pháp cải tiến mô hình tôm rừng như: (i) Thay đổi thiết kế rừng nhưng vẫn đảm bảo diện tích lớn 50% và có mặt thoáng cho nuôi tôm và các loài thủy sản khác; (ii) Áp dụng giải pháp chia giai đoạn (2 giai đoạn, 3 giai đoạn) trong nuôi tôm để nâng cao tỷ lệ sống trong mô hình tôm rừng. Qua áp dụng các giải pháp kết hợp sản lượng tôm rừng đã tăng lên một cách đáng kể, nhiều mô hình đạt sản lượng trên 500 kg/ha/năm, mô hình hiện đã nhân rộng ra nhiều tỉnh tại ĐBSCL như Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre. Sau đây là sơ đồ mô hình nuôi tôm rừng truyền thống và cải tiến (Hình 1).

 

Hình 1. Các mô hình tôm rừng truyền thống và cải tiến

    Bên cạnh kết quả đạt được, mô hình nuôi tôm rừng cải tiến vẫn còn thách thức như sản lượng thấp, nhiều rủi ro và  chỉ chú trọng vào lợi ích kinh tế mà chưa bảo vệ rừng.Vì vậy, để đồng nhất trong quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng trên diện tích lớn thì cần có liên kết chuỗi giá trị tôm rừng theo hướng chứng nhận bền vững (có tiêu chí bảo vệ rừng), thông qua liên kết các hộ dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi đạt được hiệu quả như: (i) Thống nhất quy trình nuôi; (ii) Đồng nhất trong tiêu chí quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng gắn với nuôi tôm; (iii) Bán tôm có chứng nhận với gia cao hơn thị trường (cao hơn 20-30% so với tôm thông thường với các chứng nhận EU Organic, Naturland, Bio Suisse, Selva Shrimp) và đây cũng là công cụ đảm bảo để người dân giữ rừng; (iv) Doanh nghiệp thu mua tôm được với lượng lớn, có chất lượng và có chứng nhận quốc tế; (v) Thực hiện chi trả dịch vụ sinh thái rừng một cách hiệu quả thông qua doang nghiệp tham gia liên kết chuỗi, mực hiện tại 500.000 VNĐ/ha/năm.

Bảng 2. Các liên kết tôm rừng theo hướng chứng nhận bền vững tại ĐBSCL

TT

Tên đơn vị

Diện tích nuôi tôm sinh thái

Diện tích (ha)

Số hộ (hộ)

Doanh nghiệp

Chứng nhận

1

Công ty LN Ngọc Hiển

6.165

885

Camimex

Naturland

2

Tam Giang I

1.200

200

Seanamico

Naturland

1.744

312

CASES

EU

3

Năm Căn

416

104

Phương Anh

Naturland/EU

5

Kiến Vàng

2.800

507

Minh Phú

Selva shrimp

6

Đầm Dơi

108

1

CASES

BAP/ASC

7

Nhưng Miên

1.390

240

Seanamico

Naturland

2.902

741

Minh Phú

Naturland

8

2.902

699

Minh Phú

Selva shrimp

9

Đất Mũi

2.000

635

Quốc Việt

Naturland

10

HTX Đồng Tiến, THT Tiền Phong – Bạc Liêu

352

204

Thiên Phú

ASC

11

Ba Tri – Bến Tre

350

217

Cửu Long

Naturland/EU

12

Duyên Hải – Trà Vinh

300

184

Cửu Long

Naturland/EU

 

 

22.629

4.929

 

 

Nguồn: ICAFIS tổng hợp 2020

4. Kết luận

    RNM có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái, tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ RNM còn nhiều thách thức, do các nguồn tài chính nhằm bảo vệ RNM rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đánh giá chưa đầy đủ các giá trị hệ sinh thái của RNM.

    Chi trả DVMTR là chính sách đột phá tại Việt Nam nhằm giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Tuy nhiên, các khu RNM gắn với NTTS chưa có nhiều chương trình chi trả DVMTR được thực hiện.

Hộ dân ở ấp Bào, xã Hiệp Thạnh (Trà Vinh) nuôi  tôm, cua, cá dưới tán RNM

    Quản lý bền vững RNM gắn với phát triển NTTS đã được áp dụng tại ĐBSCL từ năm 2002 (tại Cà Mau) thông qua hình thức liên kết chuỗi và hình thức chia sẻ lợi ích công bằng đã góp phần hiệu quả trong bảo tồn và phát triển RNM. Mô hình liên kết nuôi tôm rừng đã góp phần đảm bảo sinh kế của người dân và bảo vệ RNM tốt nhất (duy trì ít nhất 40% diện tích RNM nuôi tôm có rừng). Đồng thời, không phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên với cách thức thu hoạch trọn lọc, với hình thức nuôi thân thiện với môi trường và sinh thái. Đây là mô hình bền vững với môi trường, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Sản phẩm tôm rừng sinh thái được ưu chuộng trên thị trường quốc tế với giá cao. Người dân nhận được nhiều hỗ trợ của các dự án và công ty…

    Về chính sách,  trong thời gian tới để phát triển NTTS gắn với quản lý bền vững RNM, Bộ NN&PTNT cần ban hành chính sách đặc thù trong trong quản lý RNM để thu hút hiệu quả người dân tham gia trong quản lý rừng trong đó cần cụ thể hóa mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên nước gắn với bảo vệ RNM và phát triển thủy sản. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích hài hóa trong chuỗi trồng rừng và NTTS kết hợp…

Đinh Xuân Lập

Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững

Lê Thị Phương Dung, Vũ Quỳnh Anh, Vũ Thị Tuyết Nhung

Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thuỷ sản

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2024)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thu Thủy, Bùi Thị Minh Nguyệt, Phạm Hồng Lượng, Nguyễn Văn Diễn, Đào Thị Linh Chi, Hoàng Tuấn Long, (2028) Vai trò của chi trả DVMTR trong hỗ trợ tài chính cho ngành lâm nghiệp Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR).

2. Khung pháp lý v ề chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM tại Việt Nam (2010) Forest Trends và nhóm Katoomba.

3. Pham Hong Tinh , Richard A. MacKenziE, Tran Dang Hung, Nguyen Thi Hong Hanh, Nguyen Hoang Hanh, Do Quy Manh, Hoang Thi Ha, Mai Sy Tuan (2022) Distribution and drivers of Vietnam mangrove deforestation from 1995 to 2019, Mitig Adapt Strateg Glob Change.

4.Nguyễn Hoàng Hạnh, Đỗ Quý Mạnh, Trần Văn Sáng, Cao Bá Kết  (2018) Thực trạng và một số giải pháp khôi phục, phát triển RNM biển đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Môi trường.

5. Steffen Gebhardt, Lam Dao Nguyen, and Claudia Kuenzer (2014) Mangrove Ecosystems in the Mekong Delta-Overcoming Uncertainties in Inventory Mapping Using Satellite Remote Sensing Data.

6. Olivier M. Joffre , Roel H. Bosma , Arnold K. Bregt , Paul A.M. van Zwieten , Simon R. Bush , Johan A.J. Verreth (2015) What drives the adoption of integrated shrimp mangrove aquaculture in Vietnam? Ocean & Coastal Management 114 (2015) 53e63.

7. Tran Thi Thu Ha, Han van Dijk, Simon R. Bush (2012) Mangrove conservation or shrimp farmer’s livelihood? The devolution of forest management and benefit sharing in the Mekong Delta, Vietnam, Ocean & Coastal Management 69 (2012) 185e193.

8. Đinh Xuân Lập, Lê Thị Vân Huệ (2020), Thúc đẩy phát triển rừng ngập mặn bền vững thông qua chuỗi giá trị tôm rừng, Trung tâm Môi trường và Phát triển nguồn lực cộng đồng (CECAD).

9. Bijeesh KozhikkodanVeettil, Raymond D.Ward, Ngo Xuan Quang, Ngo Thi  Thu Trang, Tran Hoai Giang (2019) Mangroves of Vietnam: historical development, current state of research and future threats, Estuarine Coastal and Shelf science 218 (2019) 212 -236.

10. Pham Thu Thuy, Vien Ngoc Nam, Vo Quoc Tuan, Tang Thi Kim Hong, Nguyen Tan Loi , Tran Ngoc My Hoa,  Nguyen Thi Thuy Anh,  Nguyen Thi Van Anh Nguyen Nhat Quang (2022) Opportunities and challenges for mangrove restoration in the Mekong Delta, Status, policies and stakeholder outlook, Center for International Forestry Research.

11. Thu Vo , Hue Le , Diep Phan , Anh Tran , Yen Nguyen , Ha Nguyen , Tuyet Pham  (2024) Towards sustainable mangrove-shrimp aquaculture through capacity building and partnership in the Mekong River Delta, APN Science Bulletin.

Ý kiến của bạn