Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Phát triển Hydrogen xanh để xây dựng nền kinh tế các bon thấp và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam

20/10/2022

    Ngày 18/10/2022, Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã tổ chức Tọa đàm “Triển vọng Hydrogen xanh trong nền kinh tế các bon thấp của Việt Nam”, nhằm thảo luận về lợi thế và thách thức xoay quanh vấn đề xây dựng nguồn nguyên liệu hydrogen xanh.

    Hiện nay, Hydrogen xanh được đánh giá là nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải và phát triển kinh tế. Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá hydrogen xanh dự kiến sẽ được sử dụng trong các ngành công nghiệp vốn sử dụng nhiên liệu hydrogen xám hoặc lam như: Dầu khí, hóa chất, công nghiệp sản xuất thép và đặc biệt là trong giao thông vận tải. Hydro là một chất có thể lưu trữ năng lượng, được so sánh với pin lithium lưu trữ điện, thay vì nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên.

    Tại Việt Nam, hydrogen hiện được sử dụng như nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ở các ngành công nghiệp và nhiều nhất là lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm, gang thép. Năm 2020, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Dầu khí, các nhà máy sản xuất phân đạm trên cả nước sử dụng khoảng 316.000 tấn hydrogen; nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39.000 tấn và 139.000 tấn/năm. Trên thế giới, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã công bố chiến lược phát triển hydrogen xanh với mục tiêu cụ thể trong trung, dài hạn như một giải pháp hướng tới mục tiêu giảm phát thải, hạn chế tác động tới hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

    Phát biểu tại Tọa đàm, GS.David Cebon - Đại học Cambridge (Anh) nhận định, Việt Nam có nguồn năng lượng phong phú như năng lượng mặt trời, gió (trên bờ và ngoài khơi), thủy điện để sản xuất điện tái tạo. Cơ cấu nguồn phát tốt nhất của Việt Nam trong tương lai là năng lượng tái tạo chiếm vai trò chủ đạo, có thể tự chủ năng lượng, điều này cũng thúc đẩy chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh nhất, rẻ nhất và ít phát thải CO2 nhất. Tuy  nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam vẫn có đủ nguồn khí tự nhiên để sản xuất hydrogen xám và lam nhưng trong dài hạn thì sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn cung. Theo tiến trình khai thác, sản lượng khí từ các mỏ trên giảm dần, dự kiến sẽ suy kiệt sau năm 2035, dù có thể bổ sung nguồn hydrogen lam khi các dự án LNG đi vào hoạt động. Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế các bon thấp để thực hiện mục tiêu Netzero vào năm 2050, vì vậy sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng.

    Theo các chuyên gia từ VIETSE, Việt Nam có tiềm năng phát triển hydrogen xanh từ nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Hydrogen xanh là năng lượng sạch, có thể thay thế nguồn nhiên/nguyên liệu hóa thạch đang được sử dụng trong một số ngành sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải, góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Phát triển công nghiệp hydrogen xanh trong tương lai không chỉ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế các bon thấp. Theo đó vào năm 2050, mỗi năm Việt Nam sẽ có nhu cầu tương ứng 58,3 triệu tấn hydrogen sạch (kịch bản chính sách hiện hành); 4,4 triệu tấn hydrogen sạch (kịch bản độ trễ công nghệ) và 9,17 triệu tấn hydrogen sạch (kịch bản tăng tốc). Các chuyên gia tham dự tọa đàm chỉ ra rằng nhu cầu hydrogen trong kịch bản chính sách hiện hành cao hơn khả năng cung ứng được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia. Với Việt Nam, hydrogen xanh nên được ưu tiên sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp (phân đạm, lọc dầu, thép, xi măng), giao thông (xe tải đường dài, xe khách, vận tải biển và hàng không), năng lượng (nguồn phát linh hoạt), và để xuất khẩu.

    Để hiện thúc đẩy phát triển hydrogen xanh đến năm 2030, theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng chính sách, quy định, hướng dẫn cho phát triển hydrogen xanh; thực hiện các dự án thí điểm. Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng hydrogen xanh; phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về an toàn trong sản xuất, lưu trữ, vận chuyển hydrogen.

Trần Tân

Ý kiến của bạn