Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Phân tích ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam và đề xuất một số khuyến nghị

05/10/2022

    Sự cần thiết của việc nghiên cứu ô nhiễm rác thải nhựa (RTN)

Tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh và lối sống thay đổi ở Việt Nam đã gây ra khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên phạm vi cả nước. Kể từ năm 1990, đã có sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng nhựa ở Việt Nam, từ 3,8 kg/người vào năm 1990 [1] lên 81 kg/người vào năm 2019 [2]. Chỉ có khoảng 15% RTN trong nước được tái chế và khoảng hơn một nửa lượng RTN -  tương đương 3,6 triệu tấn/năm - chưa được xử lý tốt [2]. Phần RTN còn lại tại Việt Nam, nếu không được chôn lấp tại các bãi rác thì sẽ chôn tại các bãi chôn lấp chất thải tự phát, đốt lộ thiên, hoặc vứt xuống ao, hồ, sông, suối. Do vậy, theo ước tính Việt Nam là một trong năm nước gây ô nhiễm đại dương hàng đầu trên thế giới [3].

    Việt Nam cam kết giải quyết các thách thức về ô nhiễm chất thải nhựa. Tháng 10/2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 22/10/2018) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu về “ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường biển” và “trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực trong giảm thiểu RTN đại dương”. Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra mục tiêu giảm 50% RTN đại dương vào năm 2025, 75% vào năm 2030, và loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030. Theo đó, Bộ TN&MT đang nỗ lực nâng cao hiểu biết về vấn đề RTN để xây dựng các chính sách và chương trình đầu tư về quản lý nhựa. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra các chính sách “người dùng phải trả tiền”, yêu cầu phân loại chất thải, và tạo cơ sở pháp lý cho các chương trình về trách nhiệm mở rộng của người sản xuất (EPR).

    Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức trong việc xây dựng các chính sách để loại bỏ dần việc sử dụng nhựa dùng một lần và khuyến khích các biện pháp kinh tế tuần hoàn ở cả phía cung và cầu. Thêm vào đó một trở ngại lớn cản trở việc thực hiện các cam kết là hiện vẫn còn thiếu các nghiên cứu phân tích và dữ liệu về số lượng và chủng loại nhựa trên các sông, lưu vực sông và biển. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện nghiên cứu Phân tích về ô nhiễm RTN ở Việt Nam. Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021 nhằm tăng cường hiểu biết về các loại chất thải nhựa bị rò rỉ ra sông ngòi và đại dương ở Việt Nam, đồng thời xác định các lựa chọn thay thế tiềm năng trên thị trường. Nghiên cứu đã áp dụng hai phương pháp tiếp cận:

    Khảo sát thực địa: Nghiên cứu thực hiện các cuộc khảo sát đã được chuẩn hóa tại các địa điểm ven sông và ven biển nhằm xác định thành phần của 10 loại chất thải nhựa phổ biến nhất. Đối với các địa điểm ven biển, tính toán điểm số về tiêu chuẩn ô nhiễm - Chỉ số Bờ biển Sạch (CCI).  Nghiên cứu đã khảo sát thực địa tại 38 vị trí gồm 14 vị trí ven biển tại 8 địa điểm, và 24 vị trí ven sông tại 10 địa điểm, thuộc các tỉnh Lào Cai và thành phố Hải Phòng ở phía Bắc; Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Khánh Hòa ở miền Trung; Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Kiên Giang (đảo Phú Quốc) ở phía Nam.

    Viễn thám: Khảo sát bằng máy bay không người lái (Sử dụng máy ảnh gắn trên máy bay không người lái để chụp ảnh các khu vực có phạm vi rộng. Những hình ảnh này được phân tích tự động để phát hiện và phân loại các mặt hàng nhựa); Khảo sát tại cầu (Máy ảnh được gắn trên cầu bắc qua sông. Các video được phân tích tự động để phát hiện và phân loại RTN nổi trên mặt nước trong một khoảng thời gian nhất định); Khảo sát bằng lưới kéo (Lưới kéo để thu gom RTN ở các độ sâu khác nhau của cột nước nhằm hiểu rõ hơn về các loại nhựa chìm dưới nước. Tiến hành đo đạc việc vận chuyển nhựa ở các vị trí thẳng đứng khác nhau trên một mặt cắt ngang và trên toàn bộ cột nước).

    2. Các phát hiện chính của nghiên cứu

    Ước tính về mức độ ô nhiễm nhựa ở một số khu vực bờ sông và ven biển của Việt Nam

    Mức độ ô nhiễm bờ sông (dựa trên khảo sát thực địa): Tại 24 vị trí bờ sông được khảo sát, tổng số thu gom được 2.707 mảnh chất thải rắn, trung bình 22,5 mảnh/ đơn vị. Chất thải nhựa chiếm 79,7% về số lượng và 57,2% về trọng lượng. Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 72% tổng lượng RTN. Tại các tiểu vùng thuộc miền Bắc, miền Trung và miền Nam, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào về tổng số RTN. Tuy nhiên, số lượng RTN trung bình ở các vị trí bờ song thuộc khu vực đô thị (21,4 mảnh/đơn vị) cao hơn gần gấp hai lần so với số lượng trung bình ở các vị trí bờ sông thuộc khu vực nông thôn (12,1 mảnh/đơn vị). Cụ thể, số lượng các mảnh nhựa ven sông tại Cần Thơ (34,5 mảnh/đơn vị), thành phố Hồ Chí Minh (33,4 mảnh/đơn vị), và Lào Cai (30,1 mảnh/đơn vị) cao hơn so với các địa điểm khác; trong khi số lượng các mảnh nhựa trên các bãi sông ở tỉnh Sóc Trăng là thấp nhất (4,3 mảnh/đơn vị).

    Mức độ ô nhiễm bờ biển (dựa trên khảo sát thực địa): RTN chiếm 95,4% tổng lượng chất thải rắn, trung bình 81 mảnh trên mỗi mét bờ biển. Các phân tích cho thấy mật độ ô nhiễm chung ở Thừa Thiên - Huế (141,1 mảnh trên mỗi mét bờ biển), thành phố Hồ Chí Minh (135,6 mảnh trên mỗi mét bờ biển) và Quảng Nam (133,7 mảnh trên mỗi mét bờ biển) cao hơn đáng kể so với ở các địa điểm khác. Mật độ đồ nhựa thấp hơn đáng kể ở Hải Phòng (36,23 mảnh trên mỗi mét bờ biển) và Đà Nẵng (27,9 mảnh trên mỗi mét bờ biển). Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 52% tổng lượng chất thải nhựa tìm thấy tại các vị trí khảo sát ven biển. Kết quả đo lường Chỉ số Bờ biển sạch (CCI) cho thấy, 10 vị trí (chiếm 71,4% tổng số) là cực kỳ bẩn (chỉ số CCI trên 20), hai vị trí ở mức bẩn (chỉ số CCI từ 10 đến 20), và hai vị trí khác ở mức trung bình (chỉ số CCI từ 5 đến 10). Chỉ số CCI cao nhất được ghi nhận tại bãi biển Bình Lập (379) và Mỹ Ca (192) ở Khánh Hòa, bãi biển Lai Hòa ở Sóc Trăng (176), Bãi Trường trên Đảo Phú Quốc (163) và bãi biển Bến phà Gót ở Hải Phòng (73).

    Mức độ ô nhiễm trên sông và dọc sông (dựa trên khảo sát viễn thám và lưới kéo): Khảo sát được thực hiện bằng máy bay không người lái ở tầm cao cho phép xác định các điểm nóng ô nhiễm tại các vị trí khảo sát. Tiếp đó, hình ảnh với độ phân giải cao chụp ở tầm thấp giúp phân tích các điểm nóng rất hiệu quả. Cách tiếp cận này đã thành công trong việc phân tích trên diện rộng về số lượng rác thải trên sông, cùng với các đánh giá về diện tích và khối lượng chất thải. Tình trạng rác thải là đáng báo động ở tất cả các vị trí được điều tra; ở những vị trí không có nhiều rác tích tụ, nhựa thường bị mắc kẹt trong thảm thực vật trên bờ hoặc trôi nổi trên sông.

Hình minh họa về các điểm nóng ô nhiễm cao ở Hải Dương (tích tụ nhiều rác thải)

và tại các vị trí ở Hải Phòng (chủ yếu là RTN mắc kẹt trong thảm thực vật)

    Các cuộc khảo sát quan trắc sông với camera gắn trên cầu để chụp ảnh trong những khoảng thời gian xác định cho kết quả về rác nhựa trôi nổi. Ví dụ, khảo sát tại cầu Suối Cát (Cầu Lao Chải) ở Sa Pa đã xác định được số lượng lớn (360) các vật thể trôi nổi vào ngày khảo sát, và có sự vận chuyển đáng kể với ước tính có hơn 10 loại RTN di chuyển trong vòng nửa giờ trong một khoảng thời gian dài của ngày khảo sát.

    Việc lấy mẫu lưới kéo ở một số độ sâu khác nhau bằng cách sử dụng lưới di động cũng mang lại hiệu quả trong việc xác định sự dịch chuyển của RTN tại một mặt cắt ngang. Theo đó, tất cả các kích thước nhỏ (ngay cả các vật thể nhỏ) đều được thu gom, và có thể xác định sự tập trung của RTN dựa trên các phép đo vận tốc dòng chảy. Ví dụ, tại nhánh sông Chanh Dương 2 ở Hải Phòng, sự tập trung của RTN thay đổi trong khoảng từ 3 đến 18 mảnh nhựa trên 1.000 m³ nước. Khi ngoại suy cho tổng các mảnh nhựanhựa, kết quả là mỗi giờ có khoảng 440 miếng nhựa dịch chuyển theo dòng nước, tương đương khoảng 4kg nhựa. So sánh giữa khả năng phát hiện của máy ảnh và kết quả đo của lưới kéo cho thấy số lượng các mảnh nhựa được ghi nhận trên tổng độ sâu của cột nước cao gấp đôi so với số lượng được máy ảnh phát hiện ở lớp nước trên cùng.

    10 loại RTN gây ô nhiễm phổ biến nhất trên sông và biển Việt Nam

    Tại bờ sông, về mật độ, 10 loại RTN phổ biến nhất chiếm từ 81,5% (sông Mê Kông) đến 93,4% (sông Hồng) tổng lượng RTN. Tại các vị trí ven sông ở cả nông thôn và thành thị, túi ni lông cỡ 1 (0 - 5 kg) là vật dụng thường gặp nhất (chiếm 20,6% và 22%, về số lượng, tương ứng tại nông thôn và thành thị). Do đó, kết quả trung bình chung của các cuộc khảo sát tại các khu vực sông cho thấy 21,9% tổng lượng RTN là túi nhựa, loại từ 0 - 5 kg, tiếp theo là hộp xốp đựng thực phẩm mảnh nhựa mềm (chủ yếu bao gồm mảnh nhựa của túi ni lông).

    Tại các vị trí ven biển, 10 loại RTN hàng đầu chiếm 84% tổng lượng RTN. Trong số đó, rác thải liên quan đến nghề cá là phổ biến nhất (32,5%),3 tiếp theo là mảnh nhựa mềm (18,1%), túi nhựa cỡ 1 (0 - 5 kg) (7,1%) và hộp xốp đựng thực phẩm (6,8%) (xem Hình 3). Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 52%.

    Các loại RTN phổ biến nhất được xác định thông qua khảo sát viễn thám và lưới kéo: Các cuộc khảo sát bằng máy bay không người lái có hiệu quả trong việc phát hiện rác thải. Tại các địa điểm khảo sát, các vật nhựa sau được tìm thấy nhiều nhất (từ nhiều nhất đến ít nhất): Polystyrene, bao gồm hộp đựng thực phẩm (40%), nắp cốc, nắp và nhựa nhỏ (19%), túi LDPE, Bao bì và chai PET (18%). Thí điểm lưới kéo cũng có hiệu quả trong việc phân tích số lượng và trọng lượng của các loại chất thải khác nhau. Ví dụ, tại nhánh sông Chanh Dương 2 ở Hải Phòng, trong vòng hơn sáu giờ, tổng lượng rác thu gom là 121 mảnh, trong đó nhiều nhất là bao bì và bao bì khác (41,3%), và xếp thứ hai là túi nhựa (30,6%).

    Trong nghiên cứu này tại Việt Nam, phương pháp tiếp cận mới trên thế giới về quan trắc RTN dựa trên công nghệ viễn thám đã được thử nghiệm thành công. Đây là cơ sở giúp Chính phủ Việt Nam xem xét thực hiện quan trắc RTN trong dài hạn nhằm tăng cường các kiến thức về ô nhiễm nhựa, thiết lập dữ liệu cơ sở và đo lường tác động của các chính sách và chương trình trong các giai đoạn. Các kinh nghiệm trong lần thí điểm đầu tiên này có thể tạo nền tảng cho việc tiến hành quan trắc RTN trên diện rộng ở Việt Nam cũng như các nước khác. Ví dụ, việc ứng dụng đồng thời lưới kéo đã cho thấy tiềm năng liên kết các kết quả này với khảo sát viễn thám và thiết lập các mô hình để ước tính tổng tải trọng chất thải nhựa, bao gồm cả chất thải nhựa chìm dưới nước, dựa trên việc phát hiện tự động chất thải nhựa trên bề mặt.

      Các sản phẩm thay thế đối với 10 loại RTN phổ biến nhất

    Trên thị trường Việt Nam đã có các sản phẩm thay thế cho hầu hết các đồ nhựa dùng một lần (SUPs) được xác định cần ưu tiên như túi nhựa có thể phân hủy, túi PP dệt, túi làm từ giấy bìa ivory, túi vải bố, lưới phân hủy sinh học, phao nổi bằng gỗ, khay bằng lá, khay thép không gỉ, hộp bằng bã mía, hộp bằng giấy xi măng, hộp thủy tinh, ống hút bằng tre, gỗ, ống hút bằng giấy, ống hút bằng cỏ...

    Trong khi các sản phẩm thay thế hiện thường có giá cao hơn sản phẩm nhựa dùng một lần (SUP) tương ứng, hầu hết các sản phẩm thay thế là sản phẩm có thể tái sử dụng. Về nguyên tắc, mục tiêu là không nên thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các đồ dùng một lần không phải bằng nhựa hoặc các đồ dùng nhiều lần bằng nhựa, vì những đồ dùng này cũng có thể gây tác động tiêu cực và có thể không phù hợp với lộ trình hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

    Do đó, trong việc khuyến khích các sản phẩm thay thế, cần tập trung vào khuyến khích các sản phẩm có thể tái sử dụng không phải bằng chất liệu nhựa để giảm thiểu tổng thể việc phát sinh chất thải nhựa. Tuy nhiên, đặc biệt đối với ống hút nhựa, do có sẵn nguồn nguyên liệu thay thế tương đối rẻ, mức độ chấp nhận của người tiêu dùng cao và có nhiều nhà sản xuất sản phẩm thay thế, việc sử dụng các lựa chọn thay thế dùng một lần đối với ống hút nhựa đã tương đối phổ biến. Ngoài ra, các lựa chọn thay thế này cũng đã được tiêu thụ với số lượng tương đương với ống hút nhựa. Việc khuyến khích các sản phẩm thay thế khác thông qua các chính sách và ưu đãi, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình tái sử dụng bằng cách bù đắp cho đơn giá cao hơn, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm hơn nữa các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nguyên nhân gây ra phần lớn ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

    4. Một số khuyến nghị

      Khuyến nghị về phương pháp khảo sát quan trắc nhựa tổng hợp

    Các phân tích được thực hiện trong nghiên cứu này cho thấy tính khả thi của việc thực hiện các cuộc khảo sát thực địa với chi phí thấp sử dụng các phương pháp khác nhau nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách ở cấp trung ương và địa phương một bức tranh tổng thể liên quan đến việc RTN xâm nhập môi trường. Các nghiên cứu tập trung vào khối lượng, chủng loại, nhãn hiệu, lưu lượng và các điểm nóng RTN. Ngoài ra, nghiên cứu này đã thí điểm thành công cách xác định RTN trên sông dựa vào phương pháp viễn thám, kết hợp với phân tích hình ảnh tự động từ camera gắn trên cầu bắc qua sông có thể tự động phát hiện và phân tích các vật dụng bằng nhựa trong thời gian dài hơn. Những kết quả thí điểm khảo sát thực địa và viễn thám giúp Chính phủ Việt Nam xem xét việc thực hiện quan trắc chất thải nhựa trong dài hạn nhằm tăng cường kiến thức về ô nhiễm nhựa, thiết lập dữ liệu cơ sở và đo lường các tác động theo thời gian của các chính sách và giải pháp khác của chính phủ.

    Tùy thuộc vào mục tiêu chính sách về quan trắc, có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng cần xây dựng các quy trình thủ tục theo vị trí cụ thể để xác định loại khảo sát và tần suất khảo sát phù hợp. Các phương pháp khác nhau áp dụng trong nghiên cứu này có thể xem xét đưa vào hướng dẫn kỹ thuật của Việt Nam về quan trắc chất thải nhựa, giúp các cơ quan có liên quan ở trung ương và địa phương theo dõi định kỳ việc thực hiện chính sách về RTN. Để hướng dẫn các địa phương quan trắc RTN, đề xuất Bộ TN&MT xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật này.

    Lộ trình chính sách nhằm giải quyết chất thải nhựa có giá trị thấp và sử dụng một lần

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết lượng RTN rò rỉ tại các vị trí khảo sát là từ một số ít sản phẩm nhựa, trong đó phần lớn là sản phẩm chỉ sử dụng một lần và có giá trị thấp. Do đó, cần ưu tiên có các giải pháp chính sách đối với các sản phậm nhựa này. Tuy nhiên, cần xây dựng một lộ trình phát triển chính sách và triển khai thực hiện chính sách ở cấp quốc gia và địa phương. Dựa trên các thông lệ quốc tế tốt, cần đánh giá một loạt các công cụ chính sách nhằm giải quyết các vấn đề về RTN, bao gồm các lệnh cấm; thuế và phí; yêu cầu thiết kế; các chương trình về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); tiêu chuẩn cho các lựa chọn sản phẩm thay thế nhựa; và các lựa chọn về báo cáo, giám sát và thực thi. Cũng cần xây dựng kế hoạch tham gia của các bên liên quan để cung cấp thông tin đối thoại chính sách đối với từng loại sản phẩm nhựa.

    Phân tích và đề xuất các giải pháp về RTN trong hoạt động nghề cá và nuôi trồng thủy sản

    Kết quả khảo sát thực địa cho thấy, ngư cụ bằng nhựa là phổ biến nhất ở các khu vực ven biển. Vì các nghiên cứu phân tích chủ yếu tập trung vào các nguồn ô nhiễm nhựa trên đất liền, cần phải có một đánh giá cơ bản kỹ lưỡng hơn về RTN đại dương từ ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, cùng với đánh giá về các biện pháp giảm thiểu tiềm năng và khuyến nghị chính sách.

    Phát triển các chiến lược truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về 10 loại RTN phổ biến nhất trong môi trường

    Kết quả khảo sát cùng với phân tích thị trường sơ bộ về các lựa chọn thay thế nhựa đã làm nổi bật tầm quan trọng của nhận thức cộng đồng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm RTN. Cần phải tăng cường giáo dục người dân và thanh thiếu niên về giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa và hạn chế xả RTN để giảm nhu cầu về nhựa ít công dụng, hỗ trợ các hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý chất thải hiệu quả hơn về chi phí và giảm thiểu tình trạng xả rác vào sông, biển. Cần xây dựng một chiến lược truyền thông và nâng cao nhận thức song song với thực hiện các phân tích và lộ trình chính sách nhựa.

Lê Thị Hường

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2022)

Tài liệu tham khảo:

    [1] MONRE (Ministry of the Natural Resources and the Environment). 2020. National Environmental Status Report 2019. Hanoi: Ministry of the Natural Resources and the Environment. https://monre.gov.vn/English

    [2] IUCN-EA-QUANTIS. (2020). “National Guidance for plastic pollution hotspotting and shaping action, Country report Vietnam”. Bangkok: International Union for the Conservation of Nature. https://www.iucn.org/  sites/dev/files/content/documents/vietnam_final-re-  port_2020-compressed_.pdf

    [3] Jambeck, J. R., R. Geyer, C. Wilcox, T. R. Siegler, M. Perryman, A. Andrady, R. Narayan and K. L. Law. 2015.“Plastic waste inputs from land into the ocean”. Science 347(6223): 768–771. https://science.sciencemag.org/content/347/6223/768

Ý kiến của bạn