Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nỗ lực bảo tồn Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và các loài động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Vũ Quang - Hà Tĩnh

09/06/2022

    Sao la có tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis, được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á”, là một trong những loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào, được xếp hạng mức nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ của Việt Nam.

 

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam trao tặng hình ảnh Sao la cho Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

    Loài vật này được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5-1992 trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một hộp sọ với cặp sừng dài và thẳng bất thường trong nhà của một thợ săn và biết rằng đó là một điều gì đó phi thường. Cho đến nay chưa có nhà sinh vật học nào từng nhìn thấy Sao la ngoài tự nhiên bằng mắt thường. Tuy nhiên, những hình ảnh hoang dã hiếm hoi của loài này có được là nhờ vào hệ thống bẫy ảnh do các nhà bảo tồn thiết lập trong các khu rừng tại Lào và Việt Nam.

    Việc khám phá ra loài sao la ở Hà Tĩnh vào năm 1992 đã gây chấn động thế giới, là một trong những khám phá động vật học ngoạn mục nhất của thế kỷ 20 vì giới khoa học cho rằng, việc tìm thấy loài thú lớn vào thời điểm này là "khó có thể xảy ra".

    Sao la có chiều dài khoảng từ 1,3m đến 1,5 m; cao 0,9 m và nặng khoảng 100 kg. Nó có bộ lông màu nâu sẫm, sừng sao la dài và mảnh dẻ, hướng thẳng về phía sau và có thể dài đến 51 cm. Giới khoa học đánh giá, sao la là một trong những loài chỉ thị của cánh rừng nguyên sinh, chưa bị con người tác động. Do chúng rất nhạy cảm, cặp sừng dài dễ bị đe dọa nên không thể sống ở khu rừng bị xâm hại.

    Tháng 11/2020, tác phẩm Sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi được lựa chọn là linh vật của SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết, sở dĩ ông chọn loài vật này làm biểu tượng, bởi Sao la không chỉ là linh hồn của dãy Trường Sơn, là loài thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, mà hình tượng Sao la còn mang ý nghĩa thân thiện, nhanh nhẹn và hoạt bát, vừa phù hợp với tính chất của thể thao, vừa mang đặc trưng của đất Việt. Thông qua việc lựa chọn Sao la làm linh vật SEA Games 31, bạn bè trong khu vực và quốc tế có cơ hội biết thêm những giá trị rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam.

Hình ảnh về 2 con Sao la được phát hiện trong khoảng từ năm 1992 - 1997 tại VQG Vũ Quang

    Chính vì sự quý hiếm và bí ẩn của Sao la mà ít người biết được tính cấp thiết của việc bảo vệ những cá thể Sao la cuối cùng, cũng như sự quan trọng của việc dành nguồn lực cho công tác bảo tồn trước khi loài này hoàn toàn biến mất. Khi đó Việt Nam sẽ mất đi một trong những biểu tượng đa dạng sinh học của mình.

    ​“Sao la tượng trưng cho tất cả những điều quan trọng hiện đang bị đe doạ. Nếu chúng ta có thể cứu Sao la, chúng ta sẽ cứu được cảnh quan rừng, đa dạng sinh học và những lợi ích hệ sinh thái mang đến, như nguồn nước ngọt mà chúng ta đang phải phụ thuộc vào. Do đó, đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến nhằm bảo vệ một loài động vật trong tình trạng nguy cấp. Đây là cuộc chiến nhằm cứu lấy thiên nhiên, các lợi ích sinh thái, sinh kế cộng đồng, và tất cả những gì mà loài sao la đại diện”. - TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam.

    Trong những năm gần đây, Vườn Quốc gia Vũ Quang - nơi đã phát hiện ra loài Sao La đầu tiên trên thế giới đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn đa dạng sinh học như: Tuần tra rừng tận gốc, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai hoạt động phòng chống khai thác, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã do các tổ chức và cá nhân bàn giao để cứu hộ và phục hồi bản năng tự nhiên nhằm tái thả chúng trở lại với thiên nhiên. Cùng với đó là việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng - bảo tồn đa dạng sinh học như: Tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các thôn xóm cho người dân; tổ chức hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh các trường thuộc vùng đệm và các khu dân cư lân cận. Ngoài ra, Phòng nghiên cứu khoa học của Vườn đã phối hợp với các tổ chức, các viện nghiên cứu nhằm triển khai một số hoạt động điều tra, khảo sát các loài như bò sát, lưỡng cư, linh trưởng, …lập ô tiêu chuẩn theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Công tác phối hợp giữa Vườn Quốc gia Vũ Quang với các cơ quan chức năng, đơn vị giáp ranh và chính quyền địa phương của ba huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang được thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Ngoài ra, Vườn cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Khu bảo tồn Nakai Nam Theun của Lào nhằm trao đổi thông tin, thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới và phát triển, mở rộng vùng phụ cận.

Trạm nghiên cứu, bảo tồn Sao la trong VQG Vũ Quang

    Tuy vậy, còn nhiều hoạt động của Vườn cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các Tổ chức xã hội nhằm bảo vệ nguyên trạng Vườn Quốc gia Vũ Quang như thực hiện các hoạt động điều tra giám sát các loài động thực vật qúy hiếm gồm các loài thú móng guốc như Sao la, Mang lớn,…; các loài linh trưởng như vượn đen má trắng, vượn Siki, Chà vá chân nâu…, khảo sát đàn voi Châu Á ở Vườn Quốc gia Vũ Quang và đề xuất các phương án bảo tồn tại khu vực.

     Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2021 (SEA Games 31) do Việt Nam đăng cai từ ngày 12 - 23/5/2022 chọn Sao la là linh vật do họa sĩ Ngô Xuân Khôi sáng tác.

     Sao la được mệnh danh là “Kỳ lân của châu Á” bởi sở hữu vẻ đẹp bí ẩn cùng với độ quý hiếm không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn là ở những quốc gia khác tại châu Á.

     Không chỉ mang biểu tượng của sự độc nhất, cặp sừng chữ V của Sao la còn chỉ ra hai ý nghĩa to lớn nữa, đó là từ "Việt Nam" và từ “Victory” tức là chiến thắng. Sao la cũng được biết đến là loài vật sở hữu sự dẻo dai và bền bỉ. Thân hình cân đối, cơ bắp chắc nịch cũng là những đặc điểm khiến cho loài vật này trở nên vô cùng ấn tượng. Đây cũng được xem là lời nhắc nhở về đoàn thể thao Việt Nam đầy khát khao chiến thắng đã sẵn sàng cạnh tranh huy chương vàng trước các đối thủ khu vực.

     Sao la đang được xếp vào mức “Cực kỳ nguy cấp” trong Sách đỏ thế giới, tức là mức cuối cùng trước khi được liệt vào danh sách “Bị tuyệt chủng”.

     Hơn cả một linh vật, hình tượng Sao la tại SEA Games 31 chính là lời kêu gọi ý thức BVMT, lên án nạn phá rừng, bẫy thú trái phép và kêu gọi sự đầu tư nhiều hơn nữa để bảo vệ những cá thể sao la cuối cùng còn sót lại trên Trái đất.

ThS. Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc

Vườn Quốc gia Vũ Quang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam trao tặng hình ảnh Sao la cho Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

 

Ý kiến của bạn