Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nghiên cứu khảo sát hiện trạng thu gom chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

19/10/2022

TÓM TẮT

    Hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh đều gắn với nguy cơ phát sinh các loại chất thải. Chất thải y tế nói chung khi phát thải ra môi trường thiếu kiểm soát thì có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Chất thải y tế nguy hại  (CTYTNH) có tính lây nhiễm và độc hại cao là một đối tượng được quan tâm đặc biệt trong việc kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực. Tại Hưng Yên, với gần hai trăm cơ sở khám chữa bệnh với 3.370 giường trên địa bàn toàn tỉnh, ước tính lượng CTYTNH phát sinh trên địa bàn Hưng Yên là 800 tấn, tuy nhiên hiện mới chỉ 17,3% khối lượng được thu gom và vận chuyển đến cơ sở xử lý. Dự kiến, đến năm 2030, khối lượng CTYTNH phát sinh gần gấp đôi, đạt 1.569,5 tấn/năm. Nguyên nhân là do kinh phí dành cho hoạt động thu gom CTYTNH khá hạn chế với các cơ sở y tế, nhất là các trạm y tế xã. Để khắc phục vấn đề này cần tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế cơ sở thông qua việc đầu tư các khu vực lưu giữ CTYTNH đảm bảo yêu cầu quy định kỹ thuật, bên cạnh đó cần có quy hoạch vị trí công việc cho cán bộ chuyên trách về môi trường y tế cho các khu vực xã, xây dựng các phương án thu gom riêng cho các cơ sở y tế có lượng phát sinh CTYTNH thấp phù hợp với quy mô phát thải của cơ sở với kinh phí thu gom do ngân sách hỗ trợ. Bên cạnh đó cần đặc biệt tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; cán bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về việc quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.

Từ khóa: CTR, chất thải rắn y tế nguy hại, thu gom chất thải.

Nhận bài: 15/7/2022; Sửa bài: 28/7/2022; Duyệt đăng: 5/8/2022.

1. Đặt vấn đề

    Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh), nằm gần các trung tâm công nghiệp, thời gian qua Hưng Yên đã  đón nhận và tận dụng những cơ hội phát triển của vùng để chuyển mình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, quốc lộ 5 đoạn chạy qua lãnh thổ Hưng Yên mở ra cơ hội cho việc hình thành các khu công nghiệp tập trung, tạo động lực lớn thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của thành phố Hưng Yên đạt 8,1%; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản (tăng 3,2%); giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (tăng gần 11,4%), giá trị thương mại - dịch vụ (tăng 5,5%). Công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm 94,5% tổng cơ cấu kinh tế. Bên cạnh sự phát triển của công nghiệp dịch vụ, nhu cầu phát triển mở rộng các đô thị là một xu thế tất yếu ở địa phương.

Hình 1. Sơ đồ quy hoạch vùng Hưng Yên

    Tỉnh Hưng yên đã đề ra nhiều chính sách để phát triển mở rộng các đô thị nhằm đạt mục tiêu phát triển đô thị toàn tỉnh đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 55-56% với 32 đô thị và năm 2021 tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 49,5%. Việc phát triển mở rộng đô thị đã làm gia tăng dân số tại các khu vực, điều này lại tạo sức ép cản trở mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững trở thành tỉnh có trình độ phát triển ở mức khá của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; theo hướng trở thành một đô thị thông minh, xanh, môi trường sống tốt; có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội từng bước hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; đời sống nhân dân được nâng cao; bản sắc văn hoá được bảo tồn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường. Về công tác y tế, tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư cho hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe và đã đạt được một số thành tựu ở Bảng 1.

Bảng 1. Các chỉ tiêu về cơ sở vật chất ngành y tế từ 2010-2020

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Năm

2010

2015

2020

1

Số giường bệnh/ 1 vạn dân

Giường bệnh

24,38

28,58

30

2

Cơ sở y tế

Cơ sở

180

181

176

Bệnh viện

Cơ sở

18

19

21

Trạm y tế xã phường

Cơ sở

162

162

155

    Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống y tế cũng tạo ra sức ép cho việc đảm bảo phát triển bền vững, một trong những cản trở đó là việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh từ các hoạt động trên địa bàn tỉnh và đặc biệt trong số các loại chất thải được đặc biệt lưu ý là chất thải nguy hại (CTNH) từ hoạt động y tế. Với nỗ lực đảm bảo 100% số lượng xã, phường đều đạt chuẩn quốc gia về y tế thì số lượng cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh là khá lớn, vì vậy, khối lượng CTYTNH cũng gia tăng và phân bố tại các khu vực khác nhau. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát và đánh giá hiện trạng quản lý CTNH từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý CTNH nói chung và CTYTNH nói riêng.

2. Hiện trạng phát sinh CTYTNH trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

    Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế Hưng Yên [1], trên địa bàn hiện có 198 đơn vị khám chữa bệnh (không kể các phòng khám quy mô rất nhỏ của cá nhân bác sĩ), số cơ sở y tế công lập do địa phương quản lý là 198 cơ sở với 3.370 giường bệnh, nhân lực y tế là 4.313 người (trong đó: 3.957 người làm việc trong ngành Y, 356 người làm việc trong ngành Dược), số giường bệnh bình quân 27,5 giường/1 vạn dân 6,98 bác sĩ/1 vạn dân. Trong đó, cụ thể gồm 10 bệnh viện, 13 trung tâm y tế và cấp tương đương, 175 trạm y tế xã, phường. Hoạt động của các cơ sở y tế này đã phát sinh ra các loại chất thải y tế thông thường và CTYTNH. CTYTNH gồm các loại chất thải có lẫn phóng xạ, lẫn hóa chất nguy hại, có các chất có khả năng lây nhiễm, các loại chất thải sắc nhọn (Hình 2).

Hình 2. Các loại chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở y tế

    Đặc tính của các nhóm CTYTNH có thể theo các nhóm đặc tính như sau: Chất thải lây nhiễm là loại chất thải chứa các mầm bệnh (vi khuẩn, virus, kí sinh trùng hoặc nấm) có khả năng gây bệnh cho con người. Chất thải lây nhiễm được phân thành 4 loại A, B, C, D. Chất thải sắc nhọn (loại A) là chất thải có thể chọc thủng hoặc gây ra các vết cắt, có thể nhiễm khuẩn, bao gồm: bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác sử dụng trong các hoạt động y tế. Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (loại B) là chất thải bị thấm máu, thấm dịch sinh học của cơ thể và các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách li: Dây truyền máu, dịch cơ thể và chất bài tiết của người bệnh; bông, băng, gạc, dây truyền máu, ống dẫn lưu, ống hút dịch…; găng tay cao su đã qua sử dụng. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (loại C) là chất thải phát sinh trongcác phòng xét nghiệm như bệnh phẩm và dụng cụ đựng, dính bệnh phẩm. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phát sinh từ phòng xét nghiệm và buồng bệnh nhân truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm: Găng tay, lam kính, ống nghiệm; môi trường nuôi cấy và các dụng cụ lưu giữ các tác nhân lây nhiễm ở trong phòng xét nghiệm; các đĩa nuôi cấy bằng nhựa và các dụng cụ sử dụng để cấy chuyển, phân lập,…; bệnh phẩm thừa sau khi sinh thiết/xét nghiệm/nuôi cấy; túi đựng máu, hồng cầu, huyết tương và mọi chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách li. Chất thải giải phẫu (loại D), bao gồm: các mô bệnh phẩm của cơ thể (dù nhiễm khuẩn hay không nhiễm khuẩn); các cơ quan, bộ phận cơ thể người; rau thai, bào thai; các chất thải từ phẫu thuật và khám nghiệm tử thi mà nguyên nhân tử vong do các bệnh truyền nhiễm; các chất thải của động vật, xác súc vật bị nhiễm khuẩn hoặc được tiêm các tác nhân lây nhiễm.

    Chất thải hóa học nguy hại bao gồm chất thải dược phẩm, chất hóa học nguy hại, chất gây độc tế bào và chất chứa kim loại nặng. Bao gồm chất thải dược phẩm, chất hóa học nguy hại, chất gây độc tế bào và chất chứa kim loại nặng.

    Chất thải phóng xạ: Gồm các chất thải phóng xạ rắn, lỏng và khí phát sinh từ các hoạt động liên quan đến bệnh nhân trong quá trình sử dụng hạt nhân, phóng xạ để chẩn đoán và điều trị như các chất bài tiết, nước rửa tay; các đồ dùng cá nhân như cốc giấy, quần áo; các thiết bị thăm khám, điều trị như ống hút, kim tiêm, ống nghiệm, các chai lọ, bình đựng, pha các chất phóng xạ… áp suất là tính trơ, ở điều kiện thường không gây nguy hiểm, nhưng dễ gây cháy, nổ khi thiêu đốt hay bị thủng.

    Theo Báo cáo Tổng hợp xây dựng Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR) [2], dự báo đến 2025 hệ số phát thải của CTR y tế là 2,6 kg/giường.ngày , trong đó lượng CTYTNH ước tính bằng 25% tổng lượng phát sinh. Như vậy, ước tính đến thời điểm hiện tại mỗi năm lượng CTYTNH phát sinh trên địa bàn Hưng Yên là 800 tấn. Tuy nhiên, theo tổng hợp từ các báo cáo của các chủ nguồn thải CTNH trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2020 thì chỉ có 12 cơ sở có báo cáo về khối lượng CTYTNH phát sinh với khối lượng khoảng 138,25 tấn (Bảng 2). Như vậy, có thể thấy mới chỉ có khoảng 17,3% lượng CTYTNH phát sinh được thu gom và vận chuyển xử lý, số còn lại được lưu giữ lại cơ sở hoặc đổ chung với CTR thông thường.

Bảng 2. Danh sách các cơ sở y tế có thực hiện báo cáo về CTNH phát sinh

STT

TÊN CƠ SỞ Y TẾ

Số lượng (kg)

Đơn vị thu gom

1

Trung tâm y tế huyện Khoái Châu

6.420,6

URENCO 11

2

Bệnh viện mắt Hưng Yên

637

Bệnh viện đa khoa tỉnh

3

Bệnh viện đa khoa Phố Nối

29.872,8

URENCO 11

4

Bệnh viện đa khoa Hưng Hà

19.966

URENCO 11

5

Trung tâm y tế huyện Tiên Lữ

9.226

URENCO 11

6

Trung tâm y tế huyện Văn Giang

9.940

URENCO 11

7

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên

54.750

URENCO 11

8

Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên

22.393

URENCO 11

9

Bệnh viện Phổi Hưng Yên

6.520

URENCO 11

10

Trung tâm y tế huyện Văn Lâm

3.520

URENCO 11

11

Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên

1.555

URENCO 11

12

Trung tâm y tế Mỹ Hào

3.460

URENCO 11

    Theo dự báo đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư ở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản - Nhi; Bệnh viện Đa khoa Phố Nối; Bệnh viện Y dược cổ truyền; Bệnh viện Mắt; Bệnh viện Phổi, ngoài ra 8 trung tâm y tế các huyện cũng được nâng cấp mở rộng gồm, bao gồm: Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ; Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu; Trung tâm Y tế huyện Văn Giang; Trung tâm Y tế huyện Phù Cừ;

    Trung tâm Y tế huyện Ân Thi; Trung tâm Y tế huyện Kim Động; Trung tâm Y tế huyện Yên Mỹ; Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm. Với quy mô mở rộng như vậy, Hưng Yên sẽ có khoảng 6.582 giường bệnh [3] thì khối lượng CTYTNH phát sinh sẽ đạt đến 1.569,5 tấn/năm (tương đương 4,3 tấn/ngày) và nếu không có các giải pháp nâng cao hiệu quả thu gom thì tỷ lệ thu gom CTYTNH chỉ đạt 8,8%, không đảm bảo được khả năng thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Như vậy, có thể thấy hiện nay công tác quản lý CTYTNH tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn nhiều bất cập đó là tỷ lệ phân loại và thu gom chất thải y tế chưa được chú trọng. Đây là thực trạng chung tại các địa phương khác trên toàn quốc (toàn quốc số cơ sở y tế tuyến xã chỉ đạt 62,4% cơ sở đạt quy chuẩn kỹ thuật về thu gom CTR) [4]. Tại các cơ sở y tế xã, do quy mô khám chữa bệnh còn nhỏ, lượng CTYTNH phát sinh thấp, chủ yếu là kim tiêm, chai thuốc của chương trình tiêm chủng trẻ em. Do lượng CTYTNH thấp nên việc bố trí riêng các phòng lưu giữ chưa được thực hiện. Tại các cơ sở y tế có giường lưu trú, việc phân loại các loại CTYTNH vẫn chưa được thực hiện triệt đề, đây là một lý do cho khối lượng chất thải thu gom trong thực tế nhỏ hơn nhiều so với tính tóan. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid 19 cao điểm, lượng CTYTNH phát sinh tăng đột biến nhưng việc thu gom vẫn chưa thực sự có hiệu quả.

    Nguyên nhân của các hạn chế trên là thiếu kinh phí cho hoạt động của hệ thống lưu giữ, thu gom và vận chuyển CTYTNH tại các cơ sở khám chữa bệnh. Với các cơ sở y tế tuyến huyện và tỉnh do đang trong lộ trình thực hiện tự chủ tài chính nên gặp khó khăn trong việc cân đối giữa thu-chi, vì vậy với chi phí khoảng 33.000 đồng để xử lý 1kg CTR nguy hại [5] thì một bệnh viện quy mô 100 giường thì mỗi năm phải bố trí khoảng 800 triệu đồng chỉ để xử lý CTYTNH.  Với các cơ sở khám chữa bệnh nhỏ như ở tuyến xã, kinh phí cấp cho việc duy trì hoạt động của trạm được cấp từ ngân sách và rất hạn chế, chỉ đảm bảo tiền điện, nước, sửa chữa trang thiết bị nhỏ và trả lương cán bộ nhân viên [6], vì vậy việc duy trì hoạt động lưu giữ bảo quản CTYTNH cũng như việc bố trí riêng một khu vực để lưu giữ CTYTNH phát sinh trong một thời gian dài (do lượng phát sinh nhỏ) là rất khó khăn về cả điều kiện cơ sở vật chất cũng như nhân lực. Mặt khác, theo quy định của Bộ Y tế tại thông tư số 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế thì thời gian lưu giữ chất thải không được quá 1 năm, nhưng với lượng chất thải phát sinh nhỏ thì rất khó khăn để có thể tìm kiếm các đơn vị thu gom với chi phí phù hợp. Vì vậy, cần có hướng dẫn cũng như đơn giá chi tiết cho việc thu gom lượng CTYTNH phát sinh tại các trạm y tế xã để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch thu gom hàng năm cho các đơn vị này.

    Với các cơ sở y tế có quy mô lớn hơn (cấp huyện, tỉnh), cần có kế hoạch rà soát lại công tác quản lý CTYTNH tại các đơn vị, đặc biệt cần chú ý công tác tổ chức và nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên trong bệnh viện trong công tác thu gom và lưu giữ CTYTNH. Ngoài ra, do hạn chế về kinh phí, nhất là với các cơ sở chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính, do đó kinh phí chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo. Đối với nguồn thu của đơn vị cũng chưa có quy định cụ thể về chi phí đầu tư, xử lý chất thải y tế. Việc không có mục chi tài chính, cũng như thiếu kinh phí gây khó khăn cho công tác quản lý CTR y tế nguy hại. Ngoài ra do trong giá viện phí chưa tính đủ các chi phí cho việc xử lý chất thải y tế nên các bệnh viện thiếu chi phí đầu tư, vận hành hệ thống xử lý, khó khăn trong quản lý hệ thống xử lý chất thải nói chung và CTYTNH nói riêng.

3. Kết luận

    Với gần hai trăm cơ sở khám chữa bệnh với 3.370 giường trên địa bàn toàn tỉnh, ước tính lượng CTYTNH phát sinh trên địa bàn Hưng Yên là 800 tấn, tuy nhiên hiện mới chỉ 17,3% khối lượng được thu gom và vận chuyển đến cơ sở xử lý. Dự kiến đến năm 2030, khối lượng CTYTNH phát sinh gần gấp đội, đạt 1.569,5 tấn/năm. Như vậy, mục tiêu đảm bảo 100% chất thải y tế được thu gom xử lý được nêu trong Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ không hoàn thành. Nguyên nhân của vấn đề nằm ở vấn đề kinh phí dành cho hoạt động thu gom CTYTNH khá hạn chế với các cơ sở y tế, nhất là các trạm y tế xã. Để khắc phục vấn đề này cần tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế cơ sỏ thông qua việc đầu tư các khu vực lưu giữ CTYTNH đảm bảo yêu cầu quy định kỹ thuật, bên cạnh đó cần có quy hoạch vị trí công việc cho cán bộ chuyên trách về môi trường y tế cho các khu vực xã, xây dựng các phương án thu gom riêng cho các cơ sở y tế có lượng phát sinh CTYTNH thấp phù hợp với quy mô phát thải của cơ sở. Bên cạnh đó cần đặc biệt tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; cán bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về việc quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.

Tài liệu tham khảo

[1] Sở Y tế Hưng Yên - https://soyte.hungyen.gov.vn/.

[2] Báo cáo tổng hợp xây dựng Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR.

[3] UBND Tỉnh Hưng Yên, 2022, dự thảo Quy hoạch tỉnh Hưng yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

[4] Bộ Y tế, Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất định hướng quản lý chất thải trong cơ sở y tế giai đoạn tiếp theo.

[5] Cục Quản lý môi trường y tế.

[6] Báo Hưng Yên, 2022, Để y tế cơ sở là nền tảng.

Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Phương Tú, Dương Tùng Ninh

Trường Đại học TN&MT Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2022)

 

Research and survey the current situation of hazardous medical waste collection in Hung Yen Province

Nguyen Thu Huyen, Nguyen Phuong Tu, Duong Tung Ninh

Hanoi University of Natural Resources and Environment

Abstract

    Activities of medical facilities are associated with the risk of generating waste. Medical waste in general, when being released into the environment without control, has the risk of adversely affecting the public health. Highly infectious and toxic hazardous medical waste is especially paid attention in pollution control in the region. In Hung Yen, with nearly two hundred medical facilities with 3,370 beds, it is estimated that the amount of hazardous medical waste generated in the province is 800 tons. However, only 17.3% of that amount has been collected and transported to the treatment facilities. It is expected that by 2030, the amount of hazardous medical waste generated will nearly double, reaching 1,569.5 tons/year. The cause of the problem is that the fund for hazardous medical waste collection activities is quite limited for medical facilities, especially for commune health stations. To overcome this problem, it is necessary to strengthen the capacity of grassroots medical facilities through the investment in hazardous medical waste storage areas that meet the requirements on technical regulations. In addition, there should be a planning of working positions for staff in charge of the medical environment for communes, development of separate collection plans for medical facilities with low hazardous medical waste generation in accordance with the facility's generation scale, in which the collection cost is supported from the budget. In addition, it is necessary to strengthen and diversify forms of communication in order to raise the awareness of officials at all levels of government, departments, agencies and mass organizations; medical staff, patients, patients' family members and the community about waste management in medical facilities.

Keywords: Solid waste, hazardous medical solid waste, waste collection.

Ý kiến của bạn