Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

12/07/2022

    Ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. 

    Nghị định gồm 4 Chương, 78 Điều: Những quy định chung; Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Thẩm quyền xử phạt và các biện pháp bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Điều khoản thi hành.

    Đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan; Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT theo Nghị định này gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã; Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Các đơn vị sự nghiệp; Tổ hợp tác…

    Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gen; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Ngoài các hình thức xử phạt theo quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định.

    Theo đó, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT gồm các vi phạm các quy định về thực hiện đăng ký môi trường; Vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường; Vi phạm quy định về giấy phép môi trường; Vi phạm quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư; Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong trường hợp không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; Vi phạm các quy định về BVMT đối với dự án đầu tư đã triển khai xây dựng nhưng chưa đi vào vận hành hoặc cơ sở đang hoạt động mà không có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định; Vi phạm các quy định về BVMT tại cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề;  Vi phạm quy định về quan trắc, giám sát môi trường…

    Cũng theo Nghị định, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này

An Bình

Ý kiến của bạn