Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Nghệ An: Thực hiện chính sách đầu tư trong lâm nghiệp và trồng rừng thay thế

05/08/2024

    UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công văn giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ Công văn số 4979/BNN-LN ngày 15/7/2024 của Bộ NN&PTNT về việc thực hiện chính sách đầu tư trong lâm nghiệp và trồng rừng thay thế để triển khai thực hiện; tham mưu UBND tỉnh triển khai theo đúng quy định.

    Theo đó, tại Công văn số 4979/BNN-LN, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ, văn bản số 3882/BNN-LN ngày 30/5/2024 của Bộ NN&PTNT, trong đó lưu ý huy động, bố trí các nguồn lực để triển khai hiệu quả chính sách; rà soát, cân đối, bố trí ngân sách địa phương; quản lý và sử dụng nguồn ngân sách, nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng để thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ rừng đảm bảo hiệu quả, theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, theo đúng quy định của pháp luật. Tham mưu triển khai các Chương trình, dự án, hoạt động theo mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư của Nghị định số 58/2024/NĐ-CP, trường hợp có quy định cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, trình HĐND tỉnh quyết định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

    Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức trồng rừng thay thế trên địa bàn theo Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT và các văn bản của Bộ NN&PTNT, trong đó, tiếp tục chỉ đạo, khẩn trương triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát diện tích đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất của tỉnh để thực hiện trồng rừng thay thế khi địa phương còn quỹ đất; chỉ đạo việc trồng rừng thay thế trong thời gian 12 tháng kể từ khi chủ dự án nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh; tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế tại địa phương đối với kinh phí chủ dự án đã nộp, không để tồn đọng quỹ.

    Đối với kinh phí trồng rừng thay thế chủ dự án đã nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh nhưng chưa có kế hoạch, nội dung chi, chưa sử dụng trước ngày Thông tư số 22/2-23/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành, khẩn trương xử lý dứt điểm, tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế không thấp hơn diện tích do các chủ dự án nộp tiền.

    Trước đó, ngày 28/12/2023, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Công văn số 11156/UBND-NN giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan căn cứ Công văn số 9471/2023/BNN-LN ngày 26/12/2023 của Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện công tác trồng rừng thay thế, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Rừng quế rộng hơn 4 ha ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong

    Tại Công văn số 9471/2023/BNN-LN, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn. Trong đó, triển khai ngay việc ban hành đơn giá trồng rừng thay thế trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật trồng rừng theo quy định của Bộ trưởng NN&PTNT đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương làm cơ sở để chủ dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nộp tiền theo đơn giá trồng rừng của tỉnh. Rà soát diện tích đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; thực hiện trồng rừng thay thế khi địa phương còn quỹ đất; chỉ đề xuất trồng rừng thay thế sang tỉnh khác khi không còn quỹ đất hoặc còn quỹ đất nhưng điều kiện lập địa không phù hợp để trồng rừng. Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo việc trồng rừng thay thế trong thời gian 12 tháng kể từ khi chủ dự án nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, không để tồn đọng quỹ. Chỉ đạo thực hiện trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất của chủ rừng được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp (trừ chủ rừng là doanh nghiệp tư nhân); hỗ trợ trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao hộ gia đình, cá nhân theo quy định. 

    Ngoài ra, chỉ đạo rà soát đối với kinh phí trồng rừng thay thế chủ dự án đã nộp vào Quỹ BV&PTR cấp tỉnh nhưng chưa có kế hoạch, nội dung chi, chưa sử dụng trước ngày Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế không thấp hơn diện tích do các chủ dự án nộp tiền. Trường hợp không còn quỹ đất trồng rừng thay thế thì tiến hành các thủ tục chuyển tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác theo quy định.  Đối với các địa phương có nhu cầu tiếp nhận kinh phí trồng rừng thay thế từ các tỉnh không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế, khẩn trương tổng hợp, rà soát diện tích đất quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, có văn bản gửi Bộ NN&PTNT.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn