Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

26/06/2023

    1. Khái quát đặc điểm tình hình có liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

    Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, nằm ở giữa Tây Bắc và Đông Bắc của Tổ quốc, phía Bắc giáp với tỉnh Hà Giang, phía Đông giáp với tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng và Thái Nguyên, phía Tây giáp với tỉnh Yên Bái, phía Nam giáp với tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Tổng diện tích tự nhiên là 580.130ha, với số dân là 894.078 người bao gồm 22 dân tộc anh em. Môi trường bảo tồn đa dạng sinh học chủ yếu tồn tại ở môi trường rừng, môi trường nước tại các địa phương môi trường có long hồ thủy điện Na Hang là nơi có diện tích 8000ha mặt nước song về đa dạng sinh học dưới nước tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang không rõ nét.

    Về cơ cấu rừng và khu bảo tồn thiên nhiên: Diện tích đất có rừng là 426.204,77ha (bao gồm cả diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng); rừng tự nhiên là 233.132,70ha; rừng trồng: 193.072,07ha. Tuyên Quang có 02 khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia gồm: Khu Tát Kẻ - Bản Bung diện tích 21.238,7ha (huyện Na Hang, Lâm Bình), nơi đây là một trong những trung tâm phát triển rừng trên núi đá vôi, một trong những hệ thực vật điển hình và đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn hệ sinh thái núi đá vôi ở Bắc Việt Nam. Có 88 loài thú, 294 loài chim, 30 loài bò sát, 18 loài lưỡng cư; ngoài ra bước đầu ghi nhận trong khu RĐR Na Hang còn có khoảng 300 loài bướm, 40 loài Dơi,… trong đó có nhiều loại động thực vật đặc hữu, quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới như Vooc Mũi Hếch, Vạc Hoa, Lan Kim Tuyến, Thông Pà Cò, Hoàng Đàn.

    Khu rừng đặc dụng Cham Chu diện tích là 15.262,3ha (huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa). Phần lớn có kiểu địa hình núi trung bình (701 – 1700ha); khu bảo tồn có hệ động vật hoang dã phong phú với nhiều loại quý hiếm như Vooc Mũi Hếch, Vooc Đen Má Trắng, Cu Ly Lớn, Cu Ly Nhỏ,… Đa dạng về thảm thực vật với các loài đặc hữu Thông Tre, Pơ Mu, Nghiến, Hoàng Đàn, Dẻ Tùng, Kim Tuyến, Lan Hài.

    Vườn Quốc gia Tam Đảo với tổng diện tích là 6.078,4ha, chủ yếu là các dạng rừng tự nhiên, hệ động thực vật phong phú với nhiều loại thực vật đặc hữu và loài quý hiếm cần được bảo vệ như Hoàng Thảo Tam Đảo, Trà hoa dài, Trà hoa vàng Tam Đảo và nhiều loại động vật nguy cấp quý, hiếm có giá trị như Sóc Bay, Báo gấm, Cầy mực, Vượn, Vooc Đen.

    Cơ cấu các loại động, thực vật, nguồn gen: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 1.260 loài thực vật, trong đó có 69 loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam (03 loài rất nguy cấp, 25 loài nguy cấp, 41 loài sẽ nguy cấp) như: Ba Gạc Vòng, Đinh Canh, Trám Đen, Táu Nước, Sồi Đĩa, Gù Hương, Gội Nếp, Lát Hoa, Đảng Sâm, Vương Tùng, Ngải Rợm,… 274 loài động vật, trong đó có 39 loài thuộc loài nguy cấp quý hiếm đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng như: Vooc Mũi Hếch, Vooc Đen Má Trắng, Gà Lôi, Trĩ Sao, Vẹt Ngực Đỏ, Gà So Ngục Gụ, Vạc Hoa.

    Công tác bảo tồn nguồn gen trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã từng bước được quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định như đã điều tra, đánh giá, bảo tồn và phát triển được một số nguồn gen: giống trâu ngố Tuyên Quang, Vịt Bầu Minh Hương, một số loài cây lâm nghiệp (sữa, gáo), một số loài thực vật làm thuốc (thiên niên kiện, tế tâm, Bình Vôi, Bách Hộ, Râu Hùm, Nghệ Trắng, Nghệ Đen, Dây Đen, Dây Đau Xương, Hà Thủ Ô đỏ, Giảo Cổ Lam), một số loài cá đặc sản (cá chiên, lăng chấm, Anh vũ, Bỗng,…).

    2. Tình hình vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022

    Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến đa dạng sinh học chủ yếu do 02 lực lượng chính là lực lượng Kiểm Lâm và lực lượng Công an các cấp tỉnh Tuyên Quang.

    Từ năm 2020 - 2022, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, giải quyết 390 vụ, trong đó khởi tố 58 vụ, xử lý vi phạm hành chính 332 vụ với tổng tiền phạt 2.824.723.575 đồng. Trong đó, 78 vụ phá rừng trái phép, 49 vụ khai thác rừng trái phép, 61 vụ giữ, chế biến, 12 vụ tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật, 06 vụ vi phạm trong trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ phát triển rừng, 02 vụ lấn chiếm rừng, 49 vụ vận chuyển lâm sản trái phép và 133 vụ có hành vi vi phạm khác. Tang vật thu giữ gồm 201,655 m3 gỗ các loại, 02 cá thể rắn Hổ Mang chúa thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ nhóm IB (trọng lượng cá thể 2,0kg; 3,3kg); 32kg động vật hoang dã (8kg Rắn ráo, 2kg Rắn sọc khoanh, 15kg rắn hổ mang Trung Quốc, 2kg Rắn cạp nong, 5kg Rùa sa nhân), 01 cá thể Rùa màu nâu vàng thuộc nhóm IB; 1,5kg Sóc; 3kg Cầy Hôi; 2,1kg Rắn ráo; 6kg Cầy vòi mốc; 01 cá thể Rồng Đất; 47kg cá thể Dúi; 02 cá thể Rùa Hộp.

    Điển hình, vào hồi 9 giờ 00 phút, ngày 25/3/2023, tại tổ 7, phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Chi cục Kiểm lâm lập biên bản sự việc đối với: Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1991, trú tại: thôn Đá Bàn 2, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang về hành vi vận chuyển 01 (một) cá thể rắn, cân trực tiếp trọng lượng 2,65kg nghi là rắn hổ mang chúa thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (cá thể rắn trên còn sống). Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Văn Quang không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của cá thể rắn nói trên. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản để xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

    Từ năm 2020 - 2022, lực lượng Kiểm Lâm đã phát hiện, xử lý 857 vụ, trong đó: lấn chiếm rừng (04 vụ vi phạm quy định về hồ sơ lâm sản nhưng có nguồn gốc hợp pháp); 04 vụ khai thác rừng trái phép (111 vụ, vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng); 01 vụ, vi phạm các quy định về phòng chống chữa cháy rừng; 02 vụ phá rừng trái phép; 131 vụ vi phạm quy định về bảo vệ động vật; 06 vụ vận chuyển lâm sản trái phép; 97 vụ tàng trữ, mua bán chế biến lâm sản trái pháp luật; 50 vụ vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ chế biến lâm sản; 233 vụ hành vi vi phạm khác. Xử lý hình sự 80 vụ, xử lý vi phạm hành chính 777 vụ xử phạt 5.387.250.000 đồng; tịch thu phương tiện 248 phương tiện các loại ô tô, máy kéo, xe mô tô, xe gắn máy; tịch thu tang vật: gỗ tròn 559,438 m3, gỗ xẻ 62,094 m3, lâm sản ngoài gỗ: 311 m3, động vật rừng 96 con có tổng trọng lượng 86,200 kg.

    Điển hình, ngày 31/3/2022, Tổ công tác của Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng đặc dụng thuộc thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, phát hiện tại lô 8, lô 16 khoảnh 13 (giáp ranh với xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) có một số cây bị đốn hạ. Qua kiểm tra phát hiện 7 cây gỗ Kháo và 1 cây gỗ Xoan mộc (thuộc loài thực vật thông thường, nhóm VI) bị chặt hạ. Tổng khối lượng gỗ bị khai thác được phát hiện là hơn 27,6 m3 (trong đó gỗ Kháo là hơn 20,5 m3; gỗ Xoan mộc là hơn 7,1 m3). Chi cục Kiểm Lâm đã bàn giao hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp tục điều tra làm rõ.

Lực lượng chức năng phát hiện 7 cây gỗ Kháo và 1 cây gỗ Xoan mộc (thuộc loài thực vật thông thường, nhóm VI)

đã bị chặt hạ, khai thác trái phép. Ảnh: TTXVN

    3. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

    Một số quy định pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Hiện hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có một chính sách định hướng quản lý loài nhất quán, rõ ràng giữa các luật điều chỉnh trực tiếp về quản lý bảo tồn loài hoang dã.

    Luật Đa dạng sinh học năm 2008 với mục đích chính là bảo tồn hay “kết hợp hài hoà giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học” tập trung vào các hoạt động nhằm ưu tiên bảo tồn loài trong danh mục thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Luật Lâm nghiệp không đề cập chính sách trực tiếp đối với loài, mà tập trung “chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”. Luật Thuỷ sản cũng đưa ra nguyên tắc “khai thác nguồn lợi thuỷ sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học”.

    Đối với vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn chưa có sự thống nhất trong cách tiếp cận về quản lý, bảo tồn loài; đặc biệt là trong các vấn đề: tiêu chí xác định loài, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm và loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chế độ quản lý đối với các loài trong các danh mục khác nhau.

    Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 còn có một số bất cập trong các quy định về xử lý vật chứng là động vật hoang dã. Ví dụ, tại Điều 106 quy định “vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành” để được lưu giữ, bảo quản trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể được tiến hành sau khi “đã có kết luận giám định” đồng thời phải do cơ quan điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh Toà án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trên thực tiễn có thể mất rất nhiều thời gian để cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Chánh Toà án hay Hội đồng xét xử đưa ra quyết định; hoặc có thể cũng mất thời gian để có kết qủa giám định khi các cá thể động vật hoang dã còn sống và khoẻ mạnh cần được xử lý và tái thả ngay lại môi trường tự nhiên và rất tốn kém cho việc bảo quản tang vật (vật chứng) đến khi vụ án được xét xử.

    Hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn phân tán, chưa tương xứng với các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

    Thứ nhất, lực lượng cán bộ chuyên trách trong quản lý, bảo vệ, phòng, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đa dạng sinh học còn mỏng nên khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

    Thứ hai, chế độ, chính sách cho cán bộ thực thi pháp luật chưa tương xứng với trách nhiệm và rủi ro cao mà họ phải đối mặt. Khả năng đấu tranh đối với loại hình vi phạm về động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm của lực lượng chuyên trách còn chưa theo kịp với các thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp của các đối tượng phạm tội.

    Thứ ba, hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật đã được cải thiện song vẫn chưa tạo được cơ chế phối hợp chặt chẽ, chưa có hướng dẫn về quy trình điều tra sau khi bắt giữ các cá thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã, bao gồm cả quy trình lập, chuyển hồ sơ từ lực lượng biên phòng, kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát môi trường sang cơ quan Cảnh sát điều tra, cơ quan giám định, Viện kiểm sát và Toà án, việc xử lý động vật hoang dã và bộ phận của chúng sau khi tịch thu.

    Nhận thức của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang về bảo vệ đa dạng sinh học chưa đầy đủ.

    Một số bộ phận người dân, đặc biệt khu vực miền núi, dân tộc vẫn có nhu cầu cao trong việc sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng; nhận thức của các cấp, các ngành đã được nâng lên nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt nhằm góp phần bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách có hiệu quả và toàn diện.

    Việc khai thác, sử dụng quá mức nguồn tài nguyên động, thực vật hoang dã, nạn chặt phá rừng làm nương rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của người dân được Nhà nước giao đất, giao rừng. Điều này, làm mất đi môi trường sinh sống của các loài động, thực vật, làm suy giảm đa dạng sinh học.

    4. Một số giải pháp nâng cao hiệu qủa bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

    Một là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học. Xây dựng quy hoạch khu bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, là chính sách giao đất, giao rừng cho người dân gắn liền với công tác bảo vệ đất rừng, rừng và các loài động, thực vật; Nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên quan đến các hệ sinh thái tự nhiên; Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đặc biệt, là văn bản hướng dẫn về các tiêu chí quản lý loài động, thực vật và văn bản hướng dẫn về xử lý tang vật (động vật hoang dã) sau khi tiến hành kiểm tra, xử lý các vụ án có liên quan đa dạng sinh học.

    Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Các cơ quan, ban, ngành chức năng cần phải thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động quần chúng người dân khu vực gần khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng, chú trọng tuyên truyền, vận động những người có sức khỏe, lao động chính mới có sức đi rừng săn bắt tại các địa bàn trọng điểm. Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền cho người dân như trực tiếp tuyên truyền, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, đi đến từng hộ gia đình để vận động, xây dựng các biển cảnh báo, khẩu hiệu tại các khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra nạn săn bắt, chặt phá các loài động, thực vật hoang dã. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần phải gắn liền với cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đời sống kinh tế, xã hội của người dân vùng núi, vùng dân tộc nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm sinh sống và làm việc tham gia vào công tác bảo vệ đa dạng sinh học.

    Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng; tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật. Đảm bảo công tác phát hiện nhanh chóng, kịp thời nhằm hạn chế tối đa thiệt hai do các hành vi vi phạm gây ra cho đa dạng sinh học. Điều tra sâu, xác minh kỹ, triệt phá triệt để các nhóm đối tượng hình thành các đường dây, ổ nhóm vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh nhằm đấu tranh triệt phá các đối tượng có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thực thi pháp luật theo hướng tinh gọn, thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; tăng cường lực lượng tại các địa bàn, khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác rừng, săn bắt động vật hoang dã và mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật tham gia công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học nhằm nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng trong tình hình mới.

    Thứ tư, tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tích cực phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ rà soát, thống kê thu thập thông tin các đối tượng liên quan đến việc bắt giữ động, thực vật hoang dã trái phép, từ đó đưa ra các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xác minh thu thập thông tin có liên quan đến đa dạng sinh học. Thường xuyên phối hợp sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các chuyên đề liên quan đến việc đấu tranh, bắt giữ, động, thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

    Thứ năm, nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ và tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, sử dụng các biện pháp khai thác bền vững về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường nghiên cứu, phát hiện các vật liệu di truyền và dẫn xuất có giá trị ứng dụng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều tra, quan trắc, theo dõi, kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học; xây dựng triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về đa dạng sinh học nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án về bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học.

 Nguyễn Hồng Thuyên, Nguyễn Thuý Hằng

Học viện Cảnh sát nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2023)

    Tài liệu tham khảo

    1. Báo cáo tổng kết của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tuyên Quang giai đoạn từ năm 2020 - 2022;

    2. Báo cáo tổng kết của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang giai đoạn từ năm 2020 - 2022;

    3. Luật Đa dạng sinh học năm 2008;

    4. Luật Lâm nghiệp năm 2017;

    5. Luật Thủy sản năm 2017.

    6.https://cdnmedia.baotintuc.vn/Upload/rGkvwNpj74Z1EcpzQ6ltA/files/2022/04/tuan3/rung.

 

Ý kiến của bạn