Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nâng cao giá trị cho phụ phẩm nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính

02/11/2022

    Trong thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ, sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mang lại giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng lớn phụ phẩm. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ đem lại hiệu qua kinh tế, góp phần BVMT và giảm phát thải khí nhà kính.

    Tình hình phát sinh phụ phẩm trong nông nghiệp

    Theo thống kê của Bộ NN&PTNT năm 2021, trong lĩnh vực chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 5 - 6 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó, chỉ khoảng 20% nguồn thải ra môi trường được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...), còn lại 80% thải trực tiếp ra môi trường. Trong lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng, gây ô nhiễm môi trường. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

    Tuy nhiên, thực tế tỷ phụ phẩm cây trồng (vỏ lạc, thân bắp, rơm lúa, thân cây mì, vỏ đậu tương, củi...) được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%; trong đó, lượng rơm rạ sau thu hoạch lúa rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm, tỷ lệ sử dụng rơm lúa chỉ 56,3% (cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây...). Một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Với nhóm phụ phẩm chăn nuôi, ước tính đàn gia súc, gia cầm cả nước thải ra khoảng trên 60,4 triệu tấn phân. Ngoài ra, hàng năm có nhiều chất độn chuồng thải ra từ ngành chăn nuôi nhưng chưa có số liệu điều tra đánh giá về nguồn phụ phẩm này.

    Hiện nay, phụ phẩm từ chế biến thủy sản có khoảng 1 triệu tấn (chiếm 15-20% so với tổng sản lượng thủy sản chế biến). Đáng chú ý, có khoảng 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen, hay một số thực phẩm ăn liền... Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về tới từ 4-5 tỷ USD.

    Thực tế, các phụ phẩm trong trồng trọt được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ… Chất thải chăn nuôi được quản lý bằng nhiều cách như: Bột thịt xương, bột thịt, bột gia cầm, bột lông vũ và mỡ động vật là các sản phẩm chính của ngành chế biến, các phụ phẩm giết mổ cũng bắt đầu được tận dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi… Khoảng 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen, hay một số thực phẩm ăn liền... Đáng chú ý, hiện nay đã có nhiều mô hình sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như nguồn tài nguyên tái tạo, thu về giá trị cao như một số hợp tác xã và hộ nông dân đã xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học để dùng làm phân bón thay vì mua phân NPK… Ngoài ra, thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển. Vụ Đông Xuân năm 2021, giá bán rơm khoảng từ 55.000 - 75.000 đồng trên 1.000 m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg. Như vậy, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân khoảng trên 500 nghìn đồng/ha rơm nếu đem bán. Hay như trong lĩnh vực thủy sản, có nhiều công ty chế biến phụ phẩm thành mặt hàng có giá trị cao. Điển hình như Công ty CP Vĩnh Hoàn ở tỉnh Đồng Tháp, Công ty CP Việt Nam Food (VNF), Công ty CP Sao Mai… đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra… Những nguyên liệu này được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

    Một số quy định về quản lý phụ phẩm nông nghiệp

    Nhằm quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định mới liên quan đến quản lý phụ phẩm như Luật Trồng trọt năm 2018, Luật BVMT năm 2020. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 đã có những quy định cụ thể liên quan đến quản lý phụ phẩm nông nghiệp, trong đó chủ yếu liên quan đến phụ phẩm trồng trọt. Tại Điều 58 Luật BVMT năm 2020 quy định về BVMT nông thôn có liên quan đến quản lý phụ phẩm nông nghiệp. Khoản 4, Điều 61 quy định phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường. Khoản 6 Điều 61 cũng quy định, Nhà nước có chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiêp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường. Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích các mô hình tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt để phát triển nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ NN&PTNT, các địa phương triển khai hoạt động về quản lý phụ phẩm trồng trọt theo quy định của pháp luật.

Công nhân băm nhỏ cuống dứa trước khi chế biến thành thức ăn chăn nuôi xuất khẩu tại Công ty TNHH Kim Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)

    Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT và các địa phương tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc xử lý, tái chế rơm, rạ sau thu hoạch.

    Đối với cấp ngành, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 quy định về thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng trong đó đã giải thích rõ phụ phẩm cây trồng là sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình tiến hành hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm cây trồng tại khu vực canh tác cây trồng và việc xử lý phụ phẩm cây trồng là việc áp dụng giải pháp công nghệ hoặc biện pháp kỹ thuật phù hợp làm tăng hiệu quả sử dụng; không làm ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại… Như vậy, có thể thấy, Chính phủ, các Bộ/ngành đã có đủ cơ sở pháp lý, định hướng ưu tiên trong quản lý phụ phẩm cây trồng từ Luật, Chỉ thị của Thủ tướng, các văn bản hướng dẫn và chương trình, đề án của ngành để các địa phương có cơ sở chủ động triển khai các giải pháp quản lý phụ phẩm trồng trọt.

    Nâng cao giá trị cho phụ phẩm nông nghiệp

    Tuy nhiên, việc sử dụng, chế biến phụ phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn còn chưa đồng bộ, hiệu quả, lãng phí lớn, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao và chưa xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường toàn cầu. Trong ngành chăn nuôi, mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ, còn lại đang bị bỏ phí, chưa được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết tuần hoàn. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường.

    Về khía cạnh thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, tổng lượng khí thải từ sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng trên 15% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến nếu không có biện pháp can thiệp sẽ lên tới khoảng 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới khoảng một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Chính phủ Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP 26) với mức đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm thải khí metan 30% vào năm 2030 và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo nói riêng và với ngành nông nghiệp nói chung. Vì thế, để thúc đẩy việc chế biến, nâng cao giá trị cho phụ phẩm, ngành Nông nghiệp cần thực hiện một số nội dung:

    Thứ nhất, chuyển đổi chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị tuần hoàn; chú trọng thực hiện nông nghiệp tuần hoàn ngay tại hộ nông dân, trang trại nhỏ, hợp tác xã (kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản) theo kinh nghiệm truyền thống vườn - ao - chuồng (VAC).

    Thứ hai, đổi mới hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư để khuyến khích và đủ hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia thông qua mặt bằng đất nông nghiệp sạch, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết trị, công nghệ cao, công nghệ tiến tiến, công nghệ sinh học để đầu tư vào lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, để nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp.

    Thứ ba, ban hành thể chế, chính sách về khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bao gồm tuần hoàn hở, gắn từng khâu khác nhau và tuần hoàn kín để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp; nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ sạch.

    Thứ tư, tập huấn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái.

    Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng về ý nghĩa của phụ phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội về quản lý hiệu quả phụ phẩm của ngành nông nghiệp.

Nguyễn Văn Quý

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

    Tài liệu tham khảo

    1. Luật BVMT năm 2020.

    2. Hội thảo quốc tế “Phụ phẩm nông nghiệp - Nguồn tài nguyên tái tạo” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 28/9/2022.

    3. Báo cáo tổng kết về điều tra sinh khối ở Việt Nam do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2018

Ý kiến của bạn