Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Một số vấn đề về đào tạo nhân lực trong giai đoạn mới của các trường Đại học trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường

09/08/2022

    Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, quá trình phát triển đã tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Trước thực trạng trên, để đảm bảo nguồn tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thì cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành TN&MT. Nhận thức được tầm quan trọng này, Bộ TN&MT luôn quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo các lĩnh vực của ngành TN&MT, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao ở trường 2 trường đại học (ĐH) thuộc Bộ là: ĐH TN&MT Hà Nội (HUNRE) và ĐH TN&MT TP. Hồ Chí Minh. Với nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, quy mô, ngành nghề đào tạo của 2 trường ngày càng được mở rộng, hoạt động nghiên cứu khoa học có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay hệ thống cơ sở đào tạo của 2 trường đã đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và xã hội.

    Một số vấn đề về công tác đào tạo giáo dục BVMT theo quy định của Luật BVMT năm 2020

    Với đặc thù công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực quản lý TN&MT, 2 trường ĐH hiện đang đào tạo: 2 ngành hệ ĐH (quản lý TN&MT; công nghệ kỹ thuật môi trường); 3 ngành hệ thạc sỹ (quản lý TN&MT; khoa học môi trường; kỹ thuật môi trường).

    Thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2020 trong công tác đào tạo, giáo dục BVMT, cụ thể: Về công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực môi trường, quy định tại Điều 5; Chính sách của Nhà nước về BVMT nêu rõ tại Khoản 7 “Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về BVMT”; Các nội dung yêu cầu về giáo dục, đào tạo các cấp được quy định ở Điều 153. Giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng về BVMT; Điều 154 “Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về BVMT”… Như vậy, việc thực thi các quy định trong Luật đã đặt ra bài toán mới cho công tác đào tạo của Nhà trường như: Cần cập nhật nội dung về phương pháp đánh giá tác động môi trường (ĐTM), quy hoạch BVMT; đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông, hồ, phục vụ công tác quản lý về việc cấp phép xả thải, thẩm định ĐTM; các mô hình, công cụ hiện đại trong dự bảo, cảnh báo chất lượng môi trường; khoảng cách an toàn đối với cộng đồng dân cư và nguồn thải, khu vực ô nhiễm; cách tiếp cận, phương pháp, mô hình quản trị môi trường doanh nghiệp theo hướng sản xuất bền vững nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; công cụ kiểm toán môi trường đối với doanh nghiệp… Ngoài ra, cần phải áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là công nghệ 4.0 và tối ưu hóa hệ thống dữ liệu môi trường.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020 - 2021 trường ĐH TN&MT Hà Nội

    Từ thực tế công tác đào tạo của 2 trường ĐH cho thấy, các chương trình đào tạo ngành môi trường của 2 trường hiện chưa có sự thống nhất, nội dung chương trình còn chênh lệch về kiến thức cơ sở ngành. Nhiều vấn đề mới của Luật BVMT năm 2020 chưa được cập nhật trong nội dung các chương trình, giáo trình đào tạo ĐH, sau ĐH.

    Mặt khác, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 đặt ra các yêu cầu mới đối với các trường ĐH, trong đó có 2 trường trực thuộc Bộ TN&MT, đặc biệt là yêu cầu về tự chủ giáo dục đại học. Để lộ trình tự chủ của các trường được thực hiện hiệu quả, đòi hỏi cần có sự nâng cao đồng bộ chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất và xây dựng chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình đáp ứng được nhu cầu thực tế và đạt chuẩn trong khu vực.

    Nâng cao chất lượng tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành TN&MT

    Trước các yêu cầu trên, thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo các quy định của Luật BVMT năm 2020 và Luật Giáo dục ĐH theo hướng tự chủ, hiện đại, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển sinh, đào tạo, năm 2021, Trường ĐH TN&MT Hà Nội có khoảng 70.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, điểm chuẩn đầu vào ngành cao nhất là 26 điểm, đa số các ngành có điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên. Qua đó, khẳng định thương hiệu và uy tín của nhà trường ngày càng được xã hội quan tâm.

    Để đạt được kết quả trên, Nhà trường đã tiến hành điều chỉnh và cập nhật chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần cho 21 ngành đào tạo trình độ đại học và 6 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ theo hướng tiếp cận chuẩn của Chương trình đào tạo tích hợp (CDIO) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với Khung năng lực Quốc gia. Hiện nhà trường đang đào tạo 23 ngành hệ đại học, 7 ngành hệ thạc sỹ với hơn 11.000 sinh viên và học viên, tổng số công chức, viên chức và người lao động là 705 người, đội ngũ giảng viên là 528 người, với 15 Phó Giáo sư, 91 Tiến sĩ, 394 Thạc sĩ (trong đó có 36 Nghiên cứu sinh) và 28 cử nhân là giảng viên trợ giảng.

    Nhà trường luôn cập nhật, cải tiến, thống nhất và khoa học đảm bảo tính liên thông, kết nối giữa các ngành đào tạo; đồng thời tăng tỷ lệ thực hành, thực tập và bổ sung một số học phần phù hợp với xu thế phát triển hiện tại của xã hội, phù hợp với triết lý của đào tạo nguồn nhân lực thời đại công nghệ 4.0: số hóa, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Công tác tuyển sinh đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh ngày càng được nâng cao. Ngành nghề đào tạo được mở rộng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của ngành TN&MT và xã hội (hiện có 23 ngành đào tạo đại học và 6 chuyên ngành thạc sĩ).

    Song song với đó, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường được thúc đẩy cả về số lượng, chất lượng dưới nhiều hình thức khác nhau như: nghiên cứu khoa học cấp trường, tham dự các cuộc thi trong nước như Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka (Thành đoàn TP.HCM), sinh viên nghiên cứu khoa học về thích ứng với biến đổi khí hậu (khối các trường kỹ thuật)… và một số cuộc thi quốc tế. Đặc biệt, 2 nhóm sinh viên của trường tham gia Cuộc thi “Hành động cho Trái đất - thách thức lãnh đạo toàn cầu 2021" do Quỹ Hemispheres phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Singapore tổ chức. Sau vòng loại, vòng tứ kết, vòng bán kết, 2 nhóm đã vượt qua hơn 60 nhóm sinh viên từ 20 quốc gia trên thế giới và lọt vào tốp 11 đội tham dự vòng chung kết vào tháng 8/2022.

    Năm 2022, Nhà trường tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, thực hiện chính sách pháp luật; đề ra các giải pháp đột phá, trọng tâm cho những năm tiếp theo. đặc biệt chú ý nhiệm vụ số hóa ĐH, học và dạy trên nền tảng trực tuyến.

    Tại trường ĐH TN&MT TP. HCM, trong năm qua, Nhà trường đã đề ra khung chương trình đào tạo mới, luôn được cải tiến theo hướng liên ngành, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và có trình độ cũng đã giúp cho chất lượng sinh viên tốt nghiệp luôn đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của một thị trường lao động. Nhà trường cũng đã khẳng định vị thế trong hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH của quốc gia, từng bước thực hiện lộ trình hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

    Các sinh viên trong quá trình học tập tại trường đều được cung cấp đầy đủ kiến thức, tạo điều kiện tốt nhất để sau khi ra trường, các sinh viên có thể phát huy các kỹ năng nghề nghiệp, kiến thúc xã hội, kỹ năng làm việc và công nghệ thông tin… sẵn sàng đảm nhiệm cho tất cả các công việc được giao. Hằng năm, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, công việc được tuyển dụng ở vị trí chuyên môn phù hợp đạt hơn 95%, khả năng đáp ứng công việc tại cơ quan, doanh nghiệp được đánh giá ở mức độ rất cao.

    Thông qua các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp ở khu vực châu Á, sinh viên tốt nghiệp của Trường còn được tuyển dụng và làm việc tại nước ngoài thông qua các chương trình tuyển dụng và làm việc ở nước ngoài. Một số sinh viên đang tiếp tục với các chương trình sau đại học ở các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc…. Hiện tại, Nhà trường tiếp tục thực hiện chủ trương về đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ nguồn nhân lực cho ngành TN&MT; triển khai công tác đào tạo sau đại học. Quy mô đào tạo của Nhà trường được gần 15.000 sinh viên và học viên mỗi năm, sẽ góp phần đáng kể trong nâng cao trình độ nguồn nhân lực của ngành TN&MT trong giai đoạn tới.

    Hàng năm, thực hiện nhiệm vụ do Bộ TN&MT giao, Nhà trường đã tổ chức các đợt bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, cập nhật về các quy định mới trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực TN&MT cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ quan chuyên môn ở các địa phương. Hoạt động này góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật các kiến thức trong công tác quản lý về lĩnh vực TN&MT của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp.

    Tăng cường thực hiện các giải pháp đổi mới trong giai đoạn tới

    Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có định hướng phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển KT - XH và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan.

    Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030,  nền giáo dục của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, phù hợp với mọi lứa tuổi, trình độ, ngành nghề, theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, phải học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, đảm bảo dân chủ thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng.

Trường ĐH TN&MT TP. HCM  trao tặng Giấy khen cho các sinh viên Thủ khoa tốt nghiệp đại học năm 2020 - 2021

    Trong bối cảnh đó, Bộ TN&MT đã phê duyệt Chiến lược phát triển hai trường ĐH trực thuộc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, Chiến lược đề ra mục tiêu, giai đoạn đến năm 2025 sẽ xây dựng và phát triển 2 trường trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực TN&MT; đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và nhu cầu phát triển KT - XH, cụ thể: đến năm 2035, trở thành 2 trường ĐH trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực TN&MT theo định hướng ứng dụng.

    Để thực hiện mục tiêu trên, một số giải pháp đã được 2 trường tích cực triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TN&MT như:  

    Thứ nhất, đổi mới và nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền về đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực ngành TN&MT: Đây là yếu tố quyết định nhất trong sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của ngành TN&MT; tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, yêu cầu cấp bách đối với công tác đào tạo, phát triển nhân lực trong lĩnh vực TN&MT.

    Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực ngành TN&MT, cụ thể: Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT các cấp. Ban hành chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT tự học tập, nâng cao kiến thức quản lý và chuyên môn nghiệp vụ, tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở các nước có trình độ tiên tiến về TN&MT. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ, ưu đãi đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT, đối với những người tham gia đào tạo về TN&MT; xây dựng hệ thống chức danh, vị trí việc làm trong ngành TN&MT.

    Thứ ba, tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm: Đào tạo trong nước và ngoài nước các chuyên gia, giảng viên đầu ngành về TN&MT làm việc trong các cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức khoa học, công nghệ, cơ sở giáo dục, đào tạo; tham gia các tổ chức quốc tế về TN&MT; trước hết tập trung cho việc đào tạo đội ngũ nhân lực đạt đẳng cấp quốc tế.

    Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về TN&MT, đặc biệt là các quy định của Luật BVMT năm 2020, đối với cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến các cấp tỉnh, huyện, xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng quản lý, thực hành khác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT để tiếp cận, hội nhập khu vực và quốc tế.

    Thứ tư, tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu quả công tác quản trị của Nhà trường theo mô hình quản trị đại học hiện đại: Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ số, sử dụng phương pháp dạy - học theo hướng người học là trung tâm với mục tiêu là tạo môi trường tốt nhất cho sinh viên phát huy được tính sáng tạo, tư duy, rèn luyện các kỹ năng đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực 4.0, thời kỳ kỷ nguyên số và kinh tế tri thức.

    Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng tiếp cận, nghiên cứu đón đầu với trình độ khoa học và công nghệ của các nước phát triển; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện các nghiên cứu đặt hàng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất…

    Thứ sáu, đầu tư, xây dựng và phát triển các cơ sở đào tạo về TN&MT: Nâng cấp và tăng cường đầu tư các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ; xây dựng các phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, thư viện, phòng học; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu, triển khai ứng dụng trong lĩnh vực TN&MT; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Trong đó, đầu tư, xây dựng Trường ĐH TN&MT Hà Nội, ĐH TN&MT TP. HCM đạt chuẩn quốc gia, đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo nhân lực ngành TN&MT.

    Thứ bảy, huy động các nguồn lực cho đào tạo, phát triển nhân lực ngành TN&MT: Tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm ít nhất 20% so với năm trước cho công tác đào tạo, bồi dưỡng về TN&MT. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho đào tạo theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đóng góp, đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, mở ngành đào tạo và tham gia hoạt động đào tạo nhân lực ngành TN&MT. Tăng cường vận động và xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài cho phát triển nhân lực ngành TN&MT.

PGS.TS. Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh

TS. Vũ Văn Doanh

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2022)

Ý kiến của bạn