Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Một số tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, hệ sinh thái vùng Tứ giác Long Xuyên và các chính sách ứng phó

03/08/2022

    Vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL) bao gồm 4 tỉnh (Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang và Cần Thơ), với tổng diện tích là 12.946,27 km2 (chiếm 31,72% diện tích của ĐBSCL), dân số gần 5,6 triệu người. TGLX là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của ĐBSCL, chủ yếu là lúa gạo và thủy sản, với sản lượng lúa gạo đứng đầu cả nước (khoảng 5 triệu tấn/năm). Vùng TGLX có thể xem là “túi nước” khổng lồ của ĐBSCL, có khả năng hấp thu, tạm trữ một khối lượng nước khổng lồ để điều hòa dòng chảy, giảm ngập lụt cho vùng giữa trong mùa lũ và bổ sung dòng chảy nước ngọt vào mùa khô, cân bằng mặn và ngọt cho vùng ven biển. Vùng TGLX có nhiều lợi thế và tiềm năng sản xuất nông nghiệp (SXNN), tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng khí hậu cực đoan xảy ra thường xuyên, đã tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế và môi trường, gây ảnh hưởng SXNN, hệ sinh thái (HST) và đa dạng sinh học của vùng. Để ứng phó với những tác động tiêu cực của BĐKH, cần thiết phải có giải pháp có tầm nhìn dài hạn, bền vững, phù hợp cho tiểu vùng là rất quan trọng trong bối cảnh phát triển mới hiện nay.

1. Một số tác động của BĐKH đến SXNN và hệ sinh thái vùng TGLX

    Ảnh hưởng đến SXNN và NTTS: Theo Kịch bản BĐKH và nước biển dâng 2016 của Việt Nam được Bộ TN&MT công bố cho thấy, nếu mực nước biển dâng 100cm và không có các giải pháp ứng phó, vùng TGLX có nguy cơ ngập đến 44,97% diện tích, mức ngập vùng TGXL cao hơn 0,16 lần so với toàn vùng ĐBSCL (38,9%). Trong đó, tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%). Tỉnh có nguy cơ ngập thấp nhất là An Giang 1,82%. Điều này sẽ tác động lớn đến sản xuất, việc làm của lao động nông thôn trong vùng.

    Do tác động của BĐKH, vào mùa mưa (tháng 7-12), vùng TGLX lại phải đối mặt với bão và lũ lụt. Trong đó, Kiên Ciang là tỉnh bị ảnh hưởng hặng nhất, do nằm cuối nguồn của sông Mê Kông nơi đổ nước ra biển nhưng là đầu nguồn của triều biển Tây - Vịnh Rạch Giá. Qua nghiên cứu cho thấy, địa hình của tỉnh Kiên Giang nếu xảy ra hiện tượng nước biển dâng cao 0,5m thì có hơn 50% diện tích đồng bằng chìm trong nước biển, còn nếu nước biển dâng cao hơn nữa (khoảng 1m) thì sẽ có gần 66% diện tích đồng bằng bị chìm trong nước biển, và nếu mực nước biển dâng lên đến 1,5m thì có trên 95% diện tích bị chìm trong nước. Hiện nay, tại các địa phương ven biển của tỉnh Kiên Giang, vào mùa mưa, gió mùa Tây Nam thổi từ phía biển vào, làm cho sóng đánh trực tiếp vào đê gây xói lở và vỡ đê.  Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, trong 2 ngày 10 -11/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kèm theo dông lốc, gây nhiều thiệt hại về tài sản trên địa bàn, ước tổng thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Mưa lớn đã làm 30 ha lúa hè thu trên địa bàn huyện U Minh Thượng bị đổ ngã, làm giảm năng suất và chất lượng lúa thu hoạch. Huyện Kiên Lương, Kiên Hải có một số bè cá bị hư hỏng và 4 tàu đánh cá bị chìm...

    Vào mùa khô (từ tháng 1- 6), vùng TGLX lại hứng chịu các đợt hạn hán, xâm nhập mặn. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong các năm 2016 - 2020, 4/4 tỉnh, thành phố (TP) của vùng TGLX đã ban hành quyết định công bố thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn. Năm 2019, hạn hán xâm nhập mặn ở vùng TGLX đến sớm hơn, bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 11. Tính đến tháng 3/2020 có những vị trí xâm nhập mặn đã vào sâu 70 - 90 km ở 2 tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Số liệu tính toán dự báo cũng cho thấy, diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-10km, nhưng thấp hơn nhiều so với mùa khô năm 2015-2016 (từ 4-32km); 2019-2020 (từ 5-59km). Trên các sông của vùng TGLX, mức xâm nhập mặn trong tháng 3/2022, với độ mặn 1g/l cao nhất trên sông Tiền vào sâu (từ 53-55km), sông Hàm Luông (từ 70-75km), các cửa sông khác (từ 60-62km), trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu (từ 100-110km). Tại TP. Cần Thơ, xâm nhập mặn chưa xuất hiện nhưng tình trạng khô hạn, thiếu nước đang đe dọa các địa phương có diện tích SXNN lớn.

    Ảnh hưởng đến hệ sinh thái và ĐDSH: Tình trạng nước biển dâng, nhiệt độ tăng, bão lũ, sóng lớn, triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến các HST đầm phá, rừng ngập mặn (RNM) ven biển, rạn san hô của các tỉnh vùng TGLX. Theo Kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT,  mực nước biển dự báo nếu dâng cao lên 100 cm vào cuối thế kỷ này, sẽ làm ngập 38,9% diện tích của các tỉnh ĐBSCL, trong đó Kiên Giang là tỉnh ven biển có nguy cơ ngập cao nhất (77% diện tích), đặc biệt là các vùng đất ngập nước. Các diện tích đất bị ngập sẽ làm cho nhiều loài động vật và thực vật bị hủy diệt.  

    Ngoài ra, HST RNM có tính đặc thù, rất nhạy cảm với những tác động của BĐKH nên diện tích RNM bị thu hẹp do một số loài cây không kịp thích ứng với các thay đổi của điều kiện môi trường như độ ngập triều, độ mặn, nhiệt độ tăng cao, bão với cường độ mạnh, tần suất tăng cũng hủy hoại RNM.

    Bên cạnh đó, do tác động của con người, làm HST RNM bị suy giảm. Trong những năm trước đây, tại các tỉnh ven biển như Kiên Giang, An Giang, nhiều diện tích tự nhiên như RNM , đồng cỏ, rừng tràm… đã bị phá, chuyển đổi sang nuôi tôm với mô hình quảng canh cải tiến hoặc thâm canh, nuôi công nghiệp. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, ĐBSCL đang chịu ba nhóm thách thức lớn trong đó diện tích RNM hiện nay đã giảm đến 80% trong 50 năm qua trong khi vụ mùa tăng thêm khiến cho đất không có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi. Báo cáo cũng cho thấy, riêng ở vùng TGLX, giai đoạn suy giảm RNM nghiêm trọng nhất là từ năm 2011 - 2016. Trong giai đoạn này, nhiều diện tích rừng đã được giao cho các hộ dân để nuôi trồng thủy, hải sản. Chỉ tính riêng trong 5 năm 2012 - 2016, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 19.723 ha năm 2011 xuống còn 179.384 ha vào năm 2017 (tức là đã giảm khoảng 15.339ha). Các nguyên nhân chính đe dọa sự phát triển của RNM bao gồm ô nhiễm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giảm trầm tích, xói mòn bờ biển và phương pháp phục hồi RNM chưa phù hợp với các địa phương.

2. Kết quả thực hiện các Chương trình, dự án ứng phó BĐKH vùng TGLX

    Ứng phó với BĐKH đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được chính quyền các tỉnh vùng TGLX xác định. Tính đến tháng 12/2020, 4/4 tỉnh của vùng TGLX đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015 và cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016 - 2020. Trong kế hoạch hành động, các tỉnh/TP của vùng TGLX đã xây dựng Danh mục dự án ứng phó với BĐKH và  nước biển dâng theo thứ tự ưu tiên, dựa trên các tiêu chí (tính cấp thiết, hữu ích, khả thi, sự lồng ghép và mục tiêu phát triển bền vững).

    Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, các địa phương trong vùng TGLX đã tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tạo liên kết vững chắc, chủ động “sống chung với lũ”, ứng phó tốt hơn với BĐKH. Sau đây là một số kết quả thực hiện các chương trình, dự án BĐKH tại tiểu vùng TGLX trong giai đoạn 2011 – 2020.

    Trong giai đoạn này, vùng TGLX đã huy động được khoảng 7.145 tỷ đồng cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ ứng phó với BĐKH. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh (giai đoạn 2011- 2015 và 2016 -2020) tại vùng TGLX đã thực hiện 18 nhiệm vụ, dự án với tổng kinh phí 3.586 tỷ đồng. Các nguồn lực này chủ yếu đầu tư cho các hạng mục về xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH, chiếm 93,9%, cụ thể:

    Tỉnh An Giang đã thực hiện 25 dự án, chương trình, nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, với số vốn huy động được là 1.599,88 tỷ đồng, trong đó, có 12/25 dự án tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH là 1.583,35 tỷ đồng (chiếm 99%). Tỉnh Kiên Giang, đầu tư cho ứng phó với BĐKH từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 (vốn ODA) là 5 dự án, số vốn đầu tư là 700,62 tỷ đồng. Đối với tỉnh Hậu Giang, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 99,8% các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình MTQG  về BĐKH và  tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. TP. Cần Thơ đã huy động nguồn lực lớn nhất cho thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH, với tổng vốn là 10.827,924 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết các dự án trọng điểm đều là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH như: Dự án kè sông Cần Thơ - ứng phó với  BĐKH do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ với tổng kinh phí đầu tư (810,73 tỷ đồng); Dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư (7.700 tỷ đồng); Các công trình thuộc quy hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, rạch trên địa bàn TP. Cần Thơ, với tổng kinh phí 871,385 tỷ đồng từ vốn ngân sách của Trung ương và địa phương.

    Ngoài các dự án từ nguồn ngân sách, các dự án đầu tư vào vốn tự nhiên (như bảo vệ, phục hồi, chăm sóc, trồng rừng ngập mặn…) ở tiểu vùng TGLX hiện nay chủ yếu từ nguồn vốn viện trợ ODA. Nổi bật là Dự án bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và RNM nhằm thích nghi với BĐKH tại các tỉnh ĐBSCL (ICMP/CCCEP) có tổng số vốn thực hiện hơn 25 triệu Euro được Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Chính phủ Ốtxtrâylia đồng tài trợ, thực hiện từ năm 2011 -2023. Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì, Dự án được thực hiện tại 5 tỉnh vùng ĐBSCL, trong đó có 2 tỉnh thuộc tiểu vùng TGLX là An Giang và Kiêng Giang. Chương trình thực hiện các hoạt động như: quy hoạch và quản lý các hệ sinh thái ven biển; tăng cường quản lý tổng hợp HST RNM ven biển có lồng ghép thích ứng với BĐKH; quản lý nguồn nước; bảo tồn đa dạng sinh học. 

3. Một số đánh giá về những thuận lợi khó khăn trong thực hiện chính sách ứng phó với BĐKH ở vùng TGLX

    Về thuận lợi: Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy và UBND các tỉnh vùng TGLX đã có sự quan tâm sâu sát và chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với BĐKH. Đầu tư công cho thực hiện các chương trình, dự án về BĐKH ở vùng TGLX có chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiếu rui ro và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, các tỉnh vùng TGLX cũng đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho công tác ứng phó với BĐKH thông qua nguồn vốn hỗ trợ và dự án đầu tư.

    Các chính sách ứng phó với BĐKH của Chính phủ và UBND các tỉnh/thành phố của vùng TGLX đã được ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế và từng giai đoạn cụ thể. Tổ chức bộ máy thực hiện chính sách về BĐKH đã được thiết lập đồng bộ từ cấp Trung ương đến các địa phương vùng  ĐBSCL và tiểu vùng TGLX. Ở các Bộ/ngành đã hình thành các đơn vị trực thuộc chuyên trách công tác ứng phó với BĐKH. Tại các địa phương ở các quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh và có cán bộ kiêm nhiệm về BĐKH.

    Khó khăn: Các dự án ứng phó với BĐKH ở tiểu vùng TGLX trong giai đoạn 2011 - 2020, chủ yếu đầu tư cho hoạt động thích ứng, các dự án đầu tư cho giảm nhẹ và kết hợp cả thích ứng và giảm nhẹ chiếm tỷ lệ nhỏ. Các chương trình, dự án hầu hết được thiết kế tập trung vào lĩnh vực giải pháp công trình thủy lợi, sử dụng khoảng 93,9% nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với BĐKH. Trong đó, tập trung vào xây dựng đê biển, đê sông, hồ chứa, đập, kênh thoát lũ, cống ngăn mặn ..., chưa chú trọng nguồn lực cho giải pháp phi công trình, giải pháp công nghệ (hệ thống trắc địa và cảnh báo sớm thiên tai; năng lượng tái tạo; thích ứng với sự thay đổi khí hậu dựa vào HST, bảo vệ RNM; mô hình sinh kế cho cộng đồng...).

4. Đề xuất giải pháp ứng phó với BĐKH ở vùng TGLX giai đoạn tới 

    Vùng TGLX đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng do thiên tai và BĐKH gây ra. Do vậy, chính sách ứng phó với BĐKH có vai trò rất lớn trong việc hạn chế rủi ro, thảm họa thiên tai. Trong giai đoạn tới, để ứng phó với BĐKH hiệu quả, các tỉnh vùng TGLX cần triển khai các giải pháp:

    Thứ nhất, tăng cường thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, BĐKH bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng xã, ấp, người dân; đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai.

    Thứ hai, Ban Chỉ đạo ứng phó với BĐKH - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh rà soát, kiểm tra, cập nhật bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án sát với tình hình thực tế nhằm ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn. lồng ghép các nội dung về BĐKH, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong các kế hoạch, dự án phát triển KT-XH của các ngành, các cấp. Thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

    Thứ ba, các ngành và địa phương cần cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông và ĐBSCL để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình xâm nhập mặn và đưa ra các giải pháp ứng phó; khẩn trương rà soát, đánh giá lại các công trình thủy lợi hiện hữu, lập kế hoạch đầu tư hoàn thiện, nâng cấp và sửa chữa những chỗ hư hỏng đảm bảo khả năng phòng chống thiên tai. ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao, kết hợp với đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt để chủ động trong sản xuất.

    Thứ tư, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, bố trí lịch thời vụ phù hợp; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi phù hợp để thích ứng BĐKH. Cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn-ngọt trong mùa khô. Với vùng ven biển thì nên chuyển dần sang canh tác theo mặn theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên. Song song đó, cần tăng cường các giải pháp về nước sinh hoạt. Chuyển đổi cơ cấu giống, trong đó ưu tiên phát triển các cây trồng, vật nuôi có phẩm chất cao để gia tăng giá trị sản xuất. Đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng sản xuất lúa giống, vùng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa đặc sản, vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. 

    Thứ năm, tiếp tục tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên, quản lý rừng bền vững; thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình; thực hiện trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và rừng phòng hộ môi trường. Xây dựng hàng rào giữ bùn nhằm giữ phù sa bồi lắng trong mùa mưa, tạo điều kiện cho lớp bùn phát triển thành bãi bồi cho hệ rễ của cây con bám trụ và sinh trưởng. Hàng rào này cũng giữ lại hạt giống cho tái sinh tự nhiên và ngăn chặn rác tích tụ vào khu vực RNM.

    Thứ sáu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình nạo vét kênh, tu bổ đê bao. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, mực nước lũ ở thượng nguồn để kịp thời nắm thông tin thông báo đến cho người dân sản xuất những tiểu vùng ngoài đê bao nhằm chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa, lũ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ NN&PTNT(2018), Sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL, giải pháp ứng phó với BĐKH, Báo cáo tại Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Cần Thơ.

2. Bộ NN&PTNT(2020), Thực trạng hạn hán và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL năm 2019 - 2020, Hội nghị “Phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô 2019 - 2020”, Bến Tre, ngày 3/2/2020.

3. Nguyễn Thị Hồng Điệp và nnk (2019), Diến biến tình hình sạt lở ven bờ sông Tiền và sông Hậu, vùng ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, Tập 55, Số chuyên đề: Môi trường và BĐKH (2019): 125-133.

4. Hà Huy Ngọc (2020), Kiến tạo chính sách ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSCL, NXB Thế giới, Hà Nội, tr.207.

5. Hà Huy Ngọc (2018), Thực hiện chính sách thích ứng với BĐKH ở vùng ĐBSCKL, Tạp chí Phát triển bền vững Vùng, số 4, tr. 60 -73

6. Nguyễn Thị Phong Lan (2020), Nghiên cứu đề xuất mô hình, giải pháp phát triển bền vững ứng phó với BĐKH phù hợp cho các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL, Chương trình KH&CN cấp Quốc Gia, mã số BĐKH.42/16-20, Cần Thơ.

7. Sở TN&MT tỉnh An Giang (2020), Báo cáo Nội dung làm việc với Viện Địa lí nhân văn về BĐKH.

8. Nguyễn Quang Thuấn, Hà Huy Ngọc, Phạm Sỹ An (2019), Giải pháp thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL trong bối cảnh mới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3, tr.3-16.

9. UBND tỉnh Kiên Giang (2020), Báo cáo Tình hình thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH.

10. Văn phòng trung ương về Phòng chống thiên tai, Báo cáo tổng hợp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền nam 2019 - 2020 (Cập nhật đến ngày 02/03/2020) http://phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/bao-cao-tong-hop-tinh-hinh-han-han-xam-nhap-man-khu-vuc-mien-nam-2019--2020.aspx

Nguyễn Thị Huyền Thu

 Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2022)

Ý kiến của bạn