Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 tại Hải Dương

13/09/2022

    Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay thế Luật BVMT năm 2014. Luật đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân đóng vai trò trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT. Mặc dù được đánh giá có nhiều điểm mới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT, nhưng quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương vẫn còn gặp khó khăn, vướng.

    Điểm mới trong Luật BVMT năm 2020 là cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền, lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT; thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính. Chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương… Luật BVMT năm 2020 đã tập trung cải cách mạnh mẽ, cắt giảm 40% số thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp và giảm được 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cụ thể, Giấy phép môi trường theo Luật BVMT mới sẽ tích hợp nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt, khi thi hành Luật sẽ giảm thủ tục hành chính đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường và kiểm soát chặt chẽ hơn các trường hợp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2020 tích hợp được các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào. Việc quản lý nhà nước về BVMT bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất, phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền. Luật cũng xây dựng nền tảng để hình thành các mô hình phát triển bền vững như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít carbon trong quy hoạch, thiết kế sản xuất, thương mại, tiêu dùng và tái chế xử lý chất thải. Các quy định mới trong Luật sẽ đưa các chính sách về môi trường của Việt Nam hài hòa, tiệm cận với pháp luật quốc tế, góp phần ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư vào Việt Nam…

Ảnh minh họa

    Ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2022 và các địa phương trên cả nước cũng đã kịp thời có kế hoạch thực hiện nhiều hoạt động để từng bước hiện thực hóa các quy định của Luật BVMT 2020. Tiêu biểu như Hải Dương, theo đại diện Sở TN&MT tỉnh, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động để từng bước hiện thực hóa các quy định của Luật BVMT 2020. Sở TN&MT đã tổ chức tập huấn tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cán bộ làm công tác môi trường của UBND cấp huyện, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật BVMT năm 2020; triển khai thực hiện đề án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Từ đầu năm 2022 năm nay, Sở đã tiếp nhận 70 hồ sơ đề xuất cấp giấy phép môi trường theo Luật BVMT mới và đã trình UBND tỉnh cấp 28 giấy phép môi trường cho dự án, cơ sở; thẩm định tờ khai nộp phí BVMT đối với nước thải của 500 cơ sở trên địa bàn tỉnh...

    Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư liên quan đến Luật BVMT năm 2020 là cơ sở, căn cứ để thực hiện báo cáo ĐTM của dự án. Được biết, theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện báo cáo ĐTM làm cơ sở thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Song hiện chưa có bộ đơn giá phân tích và quan trắc môi trường, vì vậy, chủ đầu tư không có cơ sở để báo cáo ĐTM. 

    Liên quan đến thủ tục môi trường thực hiện các dự án, nhiều chủ đầu tư cho rằng một số điều khoản của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, phạm vi áp dụng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo quy định, các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập ĐTM. Như vậy, các dự án được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì vẫn phải lập ĐTM. Thực tế có một số dự án sử dụng rất ít đất lúa nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục ĐTM, điều này gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án. 

    Ông Vũ Mạnh Tưởng - Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Hải Dương cho hay, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, chưa kịp thời so với yêu cầu thời gian thực hiện như phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc phân định đối tượng thực hiện thủ tục hành chính về BVMT như giấy phép môi trường, đánh giá ĐTM căn cứ theo nội dung dự án, quy mô công suất; yếu tố nhạy cảm về môi trường còn gặp khó khăn. Ngoài ra, Luật BVMT năm 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay vì tính bình quân theo hộ như hiện nay. Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý nghiêm thông qua hệ thống camera giám sát... Quy định này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu rác thải phát sinh nhưng để thực hiện không dễ, cần có cơ chế vận hành, xử lý rõ ràng, đồng bộ ở các khâu, các cấp. 

    Hiện tại, Sở TN&MT Hải Dương đang nghiên cứu các quy định có liên quan để phối hợp với các sở, ngành địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện quy định về phân loại phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.

Trần Tân

Ý kiến của bạn