Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Lực lượng Cảnh sát môi trường quán triệt thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật về môi trường

29/11/2022

    Qua hơn 35 năm thực hiện đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Phiên khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong thành tựu chung đó, công tác BVMT đạt được những kết quả quan trọng: Quan điểm, đường lối của Đảng về BVMT ngày càng rõ nét, coi môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột của phát triển bền vững (PTBV); ô nhiễm môi trường (ÔNMT) từng bước được ngăn chặn, chất lượng môi trường không ngừng cải thiện; hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được đẩy mạnh; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy về BVMT ở các ngành, các cấp tiếp tục hoàn thiện; quan hệ hợp tác quốc tế về BVMT ngày càng tăng cường, mở rộng…

Thực trạng tình hình vi phạm pháp luật về môi trường

    Song song với những kết quả đã đạt được, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội cũng tạo áp lực lớn đối với công tác BVMT. Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác BVMT năm 2021, cả nước hiện có 291 khu công nghiệp (KCN) và 735 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, trong đó còn 7 KCN đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung, 20 KCN và 573 CCN chưa xây dựng. Ngoài ra, hàng chục khu tổ hợp, khu liên hợp; gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực… hàng ngày phát sinh lượng lớn nước thải, khí thải; 63 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng có tên trong Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành xử lý triệt để; hơn 13.670 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có trên 1.250 bệnh viện; khoảng 4.570 làng nghề; 23.662 trang trại nông nghiệp; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; 869 đô thị; hơn 4,18 triệu xe ô tô, hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành; 904 bãi chôn lấp chất thải rắn (CTR) hoặc tập kết chất thải cấp xã hầu hết đều quá tải, gần 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh… Các nguồn gây ô nhiễm nêu trên làm phát sinh lượng lớn chất thải ra môi trường, riêng năm 2021 phát sinh khoảng 25 triệu tấn CTR sinh hoạt; chất thải nhựa chiếm 10 - 12%; khoảng 24 nghìn tấn chất thải y tế nguy hại; 1,6 triệu tấn chất thải công nghiệp nguy hại; 1 triệu tấn CTR từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (bao bì phân bón, túi ni lông, vỏ thuốc bảo vệ thực vật…); hơn 68 triệu tấn CTR từ hoạt động chăn nuôi; 46 triệu m3 vật chất nạo vét nhận chìm ở biển; 144 - 194 triệu m3 đất đá từ khai thác khoáng sản; khoảng 16 triệu tấn tro xỉ phát sinh từ 29 nhà máy nhiệt điện đốt than đang vận hành… tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý.

    Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên ngoài tác động của các yếu tố tự nhiên - xã hội khách quan, còn là hậu quả của tình trạng tội phạm và VPPL về môi trường trên mọi địa bàn, lĩnh vực, trong đó nổi lên là: (1) Vi phạm về quản lý, xử lý CTR nguy hại, nước thải, hóa chất ở các khu, CCN, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, làng nghề diễn ra phổ biến làm cho nguồn nước ở nhiều nơi bị ô nhiễm, dần khan hiếm và có nguy cơ mất an ninh, an toàn; môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng; (2) Tình trạng hủy hoại rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản, chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp trái pháp luật, săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên, một số loài dần cạn kiệt, nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng; (3) Các hành vi đưa chất thải vào Việt Nam bằng thủ đoạn trá hình dưới dạng đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu nguyên liệu, đưa máy móc cũ, lạc hậu, rác thải điện tử, chất thải công nghiệp, nguy hại xuyên quốc gia, tạo nguy cơ dịch chuyển ô nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, làm phát sinh lượng chất thải, khí thải nguy hại gây hiệu ứng nhà kính, là tác nhân gây biến đổi khí hậu (BĐKH)... Những hành vi trên không chỉ làm suy giảm chất lượng môi trường, mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe của con người, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với an ninh môi trường Việt Nam, ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia.

Tổ công tác Cục Cảnh sát PCTP về môi trường kiểm tra hệ thống xử lý chất thải của doanh nghiệp

Một số quan điểm, chủ trương của Đảng về BVMT

    PTBV là quan điểm xuyên suốt của Đảng qua nhiều thời kỳ về yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của công cuộc phát triển đất nước. Khái niệm “PTBV” được hiểu “là sự phát triển có thể đáp ứng những nhu cầu hiện tại và không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Nói cách khác, PTBV phải bảo đảm sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Từ quan điểm đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó định hướng thứ 6 nêu rõ “Lấy BVMT sống, sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ÔNMT, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Do ý nghĩa, tầm quan trọng ngày càng lớn của BVMT đối với sự phát triển đất nước, đối với vấn đề bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân hiện nay và cho các thế hệ mai sau, trong định hướng thứ 12 về tiếp tục nắm vững, xử lý tốt các quan hệ lớn, được bổ sung thêm nội dung mới là BVMT để trở thành “quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, BVMT”. Đồng thời, “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH” được xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIII (2021 - 2026).

    Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong 5 năm gần đây, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế về BVMT, tiêu biểu như Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương VII khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Luật BVMT năm 2020; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, chỉ thị quy định, hướng dẫn thi hành pháp luật về BVMT, quản lý tài nguyên, phòng, chống tội phạm (PCTP), VPPL trong các lĩnh vực này, như: Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT... Bộ Công an, các bộ, ngành theo chức năng quản lý cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, PCTP và VPPL về môi trường.

     Đối với công tác phòng ngừa, xử lý VPPL về BVMT, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định quan điểm “Tăng cường BVMT phải theo phương châm phòng ngừa là chính”, đồng thời đề ra giải pháp “Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý VPPL, đấu tranh PCTP về tài nguyên, môi trường; kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên, BVMT”. Luật BVMT năm 2020 cũng quy định chính sách của Nhà nước về BVMT, trong đó xác định rõ “Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về BVMT”.

Lực lượng CSMT quán triệt và thực hiện quan điểm, chỉ đạo của Đảng về BVMT theo chức năng, nhiệm vụ

    Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, từ năm 2018 - 2022, lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT) toàn quốc đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả nhiệm vụ phòng ngừa VPPL và tội phạm về môi trường, thể hiện trên một số mặt công tác sau:

    Một là, trong tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật, lực lượng CSMT đã tích cực tham gia xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức hoạt động điều tra hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật BVMT… nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về BVMT, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý để phòng ngừa, răn đe tội phạm và các hành vi VPPL. Đồng thời, tập trung xây dựng Đề án của Chính phủ về tăng cường PCTP về đa dạng sinh học; Thông tư của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh CSMT nhằm nâng cao năng lực đấu tranh PCTP.

    Hai là, lực lượng CSMT chủ động nắm bắt tình hình, nhận diện, phát hiện những vấn đề mới trong hoạt động phạm tội và VPPL về môi trường; phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các quy định của pháp luật cũng như công tác quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, kịp thời kiến nghị với các ngành, các cấp có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường. Đặc biệt, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã hướng dẫn hệ lực lượng chủ động nắm tình hình, đánh giá yêu cầu BVMT trong quá trình thẩm định, thực hiện các dự án đầu tư để tham mưu, kiến nghị PCTP và VPPL.

    Ba là, toàn lực lượng đã tập trung, sử dụng tổng hợp các biện pháp, chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh ngăn chặn tội phạm, trong đó lấy phòng ngừa là chính, đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp, bóc gỡ, xử lý băng ổ, nhóm tội phạm, các tổ chức, cá nhân VPPL về môi trường, nhất là ở một số lĩnh vực nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: Xả chất thải chưa qua xử lý gây ÔNMT đất, nước, không khí; khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông... với tinh thần “xử lý nghiêm một vụ, cảnh tỉnh cả một lĩnh vực”. Nhờ đó, trong 5 năm qua, đã phát hiện 122.700 vụ đối với hơn 127.300 đối tượng vi phạm; khởi tố, chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố 1.653 vụ, 2.468 đối tượng; xử lý hành chính trên 106.000 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 1.487 tỷ đồng, trong đó đã tăng cường xử lý hình sự về tội gây ÔNMT. Kết quả trên một mặt bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo năng lực răn đe, phòng ngừa hiệu quả vi phạm trong tương lai. Mặt khác, đã giải quyết kịp thời các điểm nóng, vấn đề gây bức xúc trong xã hội như: ÔNMT tại KCN, làng nghề, khu xử lý chất thải, hủy hoại rừng, vấn đề an ninh, an toàn nguồn nước sinh hoạt.

    Bốn là, trên quan điểm “BVMT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư”, lực lượng CSMT đã phát huy vai trò nòng cốt trong PCTP về môi trường; xây dựng quan hệ và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, lực lượng chức năng trong đấu tranh PCTP, VPPL về môi trường thông qua việc triển khai quy chế phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ TN&M; ký kết quy chế, kế hoạch phối hợp với lực lượng kiểm lâm, hải quan, quản lý thị trường, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước như Điện lực, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam... Qua đó, đã huy động cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở tham gia PCTP và VPPL về môi trường. Đặc biệt mới đây, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã ký kết Thỏa thuận phối hợp với Trung tâm Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về khai thác, cung cấp, sử dụng dữ liệu ảnh, sản phẩm viễn thám phục vụ công tác PCTP, VPPL về TN&MT, được kỳ vọng sẽ giúp lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường theo dõi, quản lý hiệu quả diễn biến hiện trạng môi trường cũng như kịp thời phát hiện các hành vi VPPL về TN&MT, nhất là trong lĩnh vực cảnh báo biến động mất rừng, phát hiện khu vực khai thác khoáng sản, khu vực chôn lấp, xả thải trái phép và một số nguy cơ sự cố môi trường khác.

    Năm là, bên cạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ, lực lượng CSMT đã triển khai hiệu quả các mặt công tác phòng ngừa xã hội như: Tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, ứng dụng nền tảng mạng xã hội trong tương tác với người dân để tiếp nhận thông tin, phản ánh VPPL về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (xây dựng, phát sóng phim phóng sự, tổ chức tọa đàm trực tuyến, hội thảo tuyên truyền…). Cùng với đó, phát động trồng cây, thu gom rác thải, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường tại các trường học...). Qua đó, vừa góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân đối với công tác BVMT, vừa vận động nhân dân tích cực, tự giác tham gia đấu tranh, PCTP và VPPL về môi trường.

    Những kết quả nói trên đã thể hiện sự chủ động và tính sáng tạo của lực lượng CSMT trong vận dụng, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an đối với công tác BVMT và phòng ngừa vi phạm, góp phần tạo chuyển biến tích cực về tình hình, cơ cấu tội phạm, VPPL về môi trường, không để xảy ra các vụ việc ÔNMT, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên nghiêm trọng, trên diện rộng. Đồng thời, khẳng định vai trò nòng cốt, tích cực của lực lượng CSMT trong sự nghiệp BVMT, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu PTBV của đất nước trong thời kỳ mới.

ThS. Ngô Đức Phong

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

Ý kiến của bạn