Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Lan tỏa ý nghĩa Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”

08/09/2023

    Ngày 8/9/2023, tại TP. Đà Nẵng, Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị “Truyền thông nâng cao trách nhiệm mở rộng sản xuất (EPR) nhằm giảm thiểu chất thải nhựa”. Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã phát động Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn (KTTH), phát triển bền vững (PTBV)”.

    EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, trong đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm hay hàng hóa, bao gồm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ. EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải; đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp Chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về môi trường. Hiện nay có khoảng hơn 400 hệ thống EPR khác nhau trên toàn cầu mà các quốc gia đang áp dụng.

Toàn cảnh Hội nghị Truyền thông nâng cao trách nhiệm mở rộng sản xuất nhằm giảm thiểu chất thải nhựa

    Tại Việt Nam, việc thực hiện EPR đã được thể chế hóa trong Luật BVMT năm 2005, tuy nhiên gần 20 năm qua, quy định EPR chưa được thực hiện hiệu quả do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do trước đây mô hình này hoàn toàn tự nguyện nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả, không tạo ra cơ chế tài chính bền vững cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng; không có tác động đến quá trình sử dụng nguyên liệu, thiết kế sản phẩm dễ thu gom, tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm... Vì vậy, với xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình KTTH thì việc bắt buộc áp dụng EPR là cần thiết để đạt được các mục tiêu PTBV, bởi EPR và KTTH có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể có KTTH nếu không có EPR và EPR là động lực để thúc đẩy nền KTTH.

Trong bối cảnh này, việc phát động Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền KTTH, PTBV có ý nghĩa rất quan trọng. Cuộc thi khuyến khích các hồ sơ có tính mới, tính sáng tạo, tính ứng dụng cao trong thực tiễn và các mô hình được xây dựng từ nguyên vật liệu có sẵn, giá thành rẻ, dễ sử dụng, kỹ thuật không quá phức tạp hoặc được tái sử dụng tái chế từ các phế liệu trong sản xuất, sinh hoạt...

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT

phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền KTTH, PTBV”

    Phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT chia sẻ, nếu trước đây Luật chỉ quy định trách nhiệm thu hồi và xử lý các sản phẩm thải bỏ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thì hiện nay trong Luật BVMT năm 2020, nội dung này đã được thay đổi cách tiếp cận, trong đó nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 trách nhiệm: Tái chế sản phẩm bao bì đối với 6 nhóm sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; Thu gom, xử lý chất thải đối với 6 nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải. Nội dung này đã được triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2022. EPR được đánh giá là điểm mới, tiến bộ của Luật BVMT  năm 2020, là một công cụ chính sách để đảm bảo rằng những người sản xuất và nhập khẩu sản phẩm vào thị trường phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm do họ sản xuất ra, qua đó giảm gánh nặng tài chính quản lý chất thải và tăng tỷ lệ tái chế. Ngoài mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải, EPR sẽ tác động thay đổi thói quen của nhà sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng khả năng sử dụng nguyên nhiên vật liệu thân thiện với môi trường, giảm rác thải nhựa, tiến đến nền KTTH, PTBV.

    Kể từ năm 2021 đến nay, sau khi Luật BVMT năm 2020 được ban hành và có hiệu lực, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn, phổ biến các nội dung về EPR để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu tiếp cận, nắm bắt và thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu tìm hiểu và tiếp cận về EPR và KTTH hiện nay vẫn rất lớn, một số hiệp hội và doanh nghiệp chưa biết và chưa được tiếp cận. Vì vậy, Bộ TN&MT đang tiếp tục phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các ngành hàng tổ chức các hội thảo với quy mô khác nhau để phổ biến thông tin, hỗ trợ giải đáp, giúp các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tốt trách nhiệm đối với vòng đời sản phấm của mình. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đang tích cực phát động triển khai nhiều chương trình, cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong giảm thiểu nhựa và tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp, mô hình trong thúc đẩy KTTH, PTBV, tiêu biểu như Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền KTTH, PTBV”.

    Thay mặt Ban Tổ chức, ông Vũ Minh Lý đã công bố Quyết định phát động và phổ biến những nội dung chính của Thể lệ Cuộc thi, đồng thời kêu gọi các cá nhân, tập thể trên cả nước tích cực tham gia dự thi và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Cuộc thi. “Những ý tưởng và mô hình, giải pháp hay được trao giải tại Cuộc thi sẽ là nguồn tư liệu phong phú và kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, BVMT, PTBV, thúc đẩy tăng trưởng xanh, KTTH, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế” - ông Vũ Minh Lý thông tin.

    Thể lệ, thời gian, cách thức nộp bài dự thi, cơ cấu giải thưởng… được đăng tải tại website của Trung tâm Truyền thông TN&MT: https://monremedia.vn/. Mọi thắc mắc liên quan đến Cuộc thi vui lòng liên hệ: Ông Lê Tư Ninh, số điện thoại 0979.213.687; bà Ngô Thị Hoài Thương, số điện thoại 0975.965.144, hoặc gửi email đến địa chỉ hòm thư điện tử: cuocthigiaiphapxanh2023@gmail.com.

Gia Linh

Ý kiến của bạn