Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn

10/09/2024

    Theo báo cáo của Bộ TN&MT, không khí tại các đô thị lớn và một số đô thị phát triển công nghiệp tiếp tục ghi nhận bị ô nhiễm nặng ở một số thời điểm trong năm, trong đó ô nhiễm bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Nồng độ thông số bụi PM2.5, PM10 và nồng độ lơ lửng (TSP) tại một số khu vực ở ngưỡng cao, nhất là các trục giao thông, tuyến đường chính hoặc khu vực khu công nghiệp ở các đô thị lớn.

    Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tại địa bàn Thủ đô có nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí như: Toàn thành phố có 17 khu công nghiệp; khoảng 806 làng có nghề; hơn 770 nghìn xe ô tô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày... đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Ðại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra môi trường không khí 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110 nghìn tấn khí CO2, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng tại nhiều khu vực.

    Tại các khu vực sản xuất công nghiệp, nồng độ TSP tại nhiều điểm quan trắc chung quanh các khu công nghiệp vượt ngưỡng quy định, thậm chí vượt gấp nhiều lần giới hạn trung bình 24 giờ và trung bình năm của QCVN 05:2013/BTNMT. Nồng độ TSP, bụi PM2.5, PM10 chung quanh các khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc cao hơn so với tại miền Trung và phía Nam, do đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghiệp, nhiên liệu, vị trí của các khu vực khác nhau. Các chất ô nhiễm trong không khí chung quanh các khu vực sản xuất công nghiệp có sự khác nhau giữa các vùng, miền, do sự phân bố của các loại hình sản xuất, giá trị nồng độ SO2, NO2 xung quanh các khu công nghiệp khá thấp, cơ bản không vượt ngưỡng của QCVN 05-MT:2013/BTNMT. Trong khi đó, tại khu vực làng nghề, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao, đặc biệt là tại các làng nghề tái chế kim loại, nhựa, vật liệu xây dựng… Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn ở các khu vực có mật độ dân cư lớn, gần trục giao thông đã ghi nhận vượt ngưỡng. Tại các khu vực dân cư ở xa trục giao thông, nhìn chung mức ồn thấp, đạt QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Các vấn đề khác như sương mù quang hóa, ô nhiễm không khí biên giới hay lắng đọng a-xít, ô nhiễm mùi đã có một số biểu hiện nhất định và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam.

    Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cho rằng, nguyên nhân chính gây tình trạng ô nhiễm môi trường không khí là do công nghệ sản xuất ở nước ta chưa hiện đại, hiệu suất sử dụng năng lượng, tài nguyên chưa cao; hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với tốc độ phát triển đô thị, nhất là sự gia tăng các phương tiện giao thông vận tải, nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ đã quá niên hạn, không đáp ứng quy định kiểm soát khí thải; đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chưa được chú trọng. Ngoài ra, sức ép môi trường từ các lĩnh vực sản xuất, việc đốt ngoài trời, bao gồm cả đốt rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch và đốt rác thải sinh hoạt không đúng quy định tại một số địa phương; việc sử dụng than, củi để đun nấu, sinh hoạt cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao, gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Ô nhiễm môi trường không khí gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân, nhất là ô nhiễm bụi PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp dưới, gây ra các bệnh như hen suyễn, ho, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, ung thư... Trong khi đó, người lao động và cộng đồng chung quanh các khu công nghiệp như khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng thường có nguy cơ mắc các bệnh bụi phổi, viêm phế quản, bệnh điếc do tiếng ồn. Ô nhiễm không khí cũng gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho môi trường sống, bao gồm: Làm giảm chất lượng không khí, làm giảm tầm nhìn và làm mất vẻ đẹp của cảnh quan; giảm chất lượng nước, ô nhiễm các nguồn nước mặt và ngầm, gây hại cho sự sống của các loài thủy sinh; làm giảm chất lượng đất, suy thoái đất, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loài thực vật; làm giảm đa dạng sinh học, tuyệt chủng hoặc nguy cấp các loài động vật và thực vật quý hiếm; gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu, làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây nên hiện tượng tan băng ở hai cực và làm tăng mực nước biển; làm phát sinh các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt, bão lốc và sóng nhiệt...

    Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, để từng bước giảm tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí; đồng thời nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương; tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới. Mặt khác, cần tiếp tục trồng cây xanh trong nội đô, tại các khu vực ven đường giao thông nơi có mật độ xe lớn, mức ô nhiễm cao; đồng thời vận động nhân dân và áp dụng các chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị.

    Đối với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, tập trung kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các nguồn thải ô nhiễm, bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; phổ biến áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm; kiểm soát nguồn thải công nghiệp chặt chẽ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở bên trong cũng như chung quanh các khu vực đô thị. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí trong lĩnh vực được giao quản lý, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe. Xây dựng, thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, đảm bảo cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức  của người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường không khí nói riêng. Xây dựng và sớm đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường không khí vào chương trình đào tạo tại các cấp học. Đối với các địa phương, nhất là các đô thị, cần tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ô-tô điện, xe máy điện, đây cũng là một giải pháp lâu dài cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí; khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện trên cao.

    Đối với Ủy ban nhân dân các thành phố, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương, trong đó ưu tiên triển khai quan trắc, phân tích, đánh giá và kiểm soát nguồn ô nhiễm bụi mịn (PM2.5); chỉ đạo thực hiện biện pháp khẩn cấp khi môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý. Mặt khác, ưu tiên bố trí ngay nguồn lực lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường; tiến hành quan trắc thường xuyên, liên tục, định kỳ, tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa để cung cấp các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo khí tượng, thời tiết định kỳ; tổ chức các biện pháp kiểm soát, điều tiết các phương tiện giao thông hợp lý; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường, phát triển hệ thống giao thông công cộng và khuyến khích người dân giảm phương tiện cá nhân, quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị để giảm thiểu khí thải, bụi phát tán. Ngoài ra, thống kê, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí, từ các cơ sở công nghiệp; tập trung hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất có lò đốt, ống khói xả thải trên địa bàn thành phố thực hiện đúng quy định, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. đầu tư xây dựng thêm nhiều khu vực không gian xanh, khu vui chơi, giải trí công cộng, trồng thêm nhiều cây xanh trong các khu vực đô thị.

    Khuyến cáo trong những ngày có chỉ số AQI cao, người dân cần hạn chế ra đường nếu không có việc thật sự cần thiết; những khung giờ cao điểm, lưu lượng xe đi lại tăng, người dân cũng cần tránh lưu thông để giảm thiểu lượng bụi hít phải trong không khí. Đối với khu vực ngoại thành, khuyến khích người dân áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hợp lý, chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp.

Nam Việt

Ý kiến của bạn