Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Không để “ô nhiễm trắng” Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

16/10/2024

Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ được thành lập từ năm 2009 có tổng diện tích 4.532 ha, được chia thành 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 534 ha, phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha, phân khu phát triển 2.376 ha (nay là phân khu dịch vụ hành chính). Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ là một trong những vùng biển đảo có tính đa dạng sinh học cao ở biển Việt Nam. Các nhà khoa học đã ghi nhận có 954 loài sinh vật biển trong hệ sinh thái rạn đá, rạn san hô và vùng biển ven đảo. Trong đó có 12 loài có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ, phục hồi và phát triển (san hô, bào ngư bầu dục, ốc sứ mắt trĩ, cá bàng chài đầu đen và cá bướm vằn).

Cùng với sự phát triển về kinh tế- xã hội, khu vực đảo Cồn Cỏ nói chung và Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ nói riêng, trong những năm gần đây đang đối mặt với vấn nạn rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Ngoài rác thải sinh hoạt còn lượng lớn rác trôi dạt từ biển vào chưa được thu gom nên dẫn tới tồn đọng và chưa xử lý kịp thời.

Nhận thức được các nguy cơ suy giảm chất lượng môi trường do rác thải nhựa, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 4058/KH-UBND ngày 6/9/2019 về việc giảm thiểu sử dụng và phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Chỉ thị số 18/CTUBND ngày 27/11/2020, về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là 2 văn bản quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả việc giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và môi trường biển nói riêng.

 Cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên và nhân dân đã đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn đảo Cồn Cỏ

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai đề tài “Khảo sát, đánh giá hàm lượng vi nhựa và các yếu tố ảnh hưởng của chúng tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ” nhằm đánh giá được hiện trạng, phân loại và ước lượng hàm lượng vi nhựa tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và đề xuất các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu rác thải nhựa tại vùng biển đảo Cồn Cỏ, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển đảo Cồn Cỏ. Xây dựng các tài liệu truyền thông về hiện trạng và tác động của các mảnh vụn biển bằng cách kết hợp thông tin dựa trên khoa học.

Hi vọng với những giải pháp đồng bộ, tổng thể, giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang lại lợi ích to lớn trong bảo vệ cảnh quan, phát triển du lịch và bảo vệ được hệ sinh thái của Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và khu vực biển của tỉnh Quảng Trị.

An Vi

Ý kiến của bạn