Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Kết quả thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa

16/06/2022

    Ngày 15/6/2022, tại Hà Nội, Tập đoàn Haemers/Vương quốc Bỉ (HT), Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường/Binh chủng Hóa học (CTET) và Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET)/Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã phối hợp tổ chức Hội thảo Báo cáo Kết quả thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa.

    Hội thảo có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của gần 70 khách mời là đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ TN&MT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)  và các đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam và châu Âu, cùng sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường và xử lý nhiễm độc dioxin tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

    Trong chiến tranh Mỹ - Việt Nam, hàng triệu lít thuốc diệt cỏ đã được rải trên phạm vi toàn Việt Nam: chất độc bảy màu. Chất độc này đã được sử dụng trong Chiến dịch Ranch Hand để phá hoại hoa màu và rừng rậm. Sân bay Biên Hòa là vị trí tác chiến chung của Không lực Việt Nam Cộng hòa và Không lực Mỹ.

    Chất độc da cam đã được chứng minh có thể gây ra các vấn đề sức khỏe  nghiêm trọng, bao gồm dị tật  bẩm  sinh,  các  vấn  đề  về  thân  kinh  và  ung  thư.  Dioxin là chất ô nhiễm hữu cơ độc tính cao tồn tại lâu dài trong môi trường. Đã hơn bốn thập kỷ kể từ khi kết thúc chiến tranh (1975), chất độc dioxin vẫn ảnh hưởng rất lớn đến con người và sinh vật. Rất nhiều biện pháp cũng đã được áp dụng để cải thiện điều kiện sống của người dân, bắt đầu từ việc xử lý đất nhiễm dioxin.

    Năm 2018, CTET và HT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai hoạt động thử nghiệm chứng minh hiệu quả của công nghệ giải hấp nhiệt đối với đất nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Mục tiêu quan trọng của hoạt động thử nghiệm là chứng minh hiệu quả của thiết kế và công nghệ xử lý Smart BurnersTM để xử lý đất nhiễm dioxin về ngưỡng dioxin và furan mục tiêu ở các vị trí xác định, cụ thể là giảm mức độ ô nhiễm về mức dưới 300 ppt TEQ.

    Vì vậy, Haemers Technologies đã thiết kế một hệ thống xử lý nhiệt thử nghiệm bao gồm hai bộ phận chính: Mố gia nhiệt có thể tích 237 m³ chứa ba loại vật liệu để xử lý: 187 m³ đất nhiễm độc, 25 m³ bùn đất nhiễm độc và 25m³ bánh đất đã qua rửa giải; Bộ xử lý hơi để phá hủy dioxin gồm một bộ ôxi hóa nhiệt, không tạo ra bất kỳ chất thải lỏng hoặc rắn nào.

    Hoạt động thử nghiệm trên đã được HT bắt đầu tiến hành từ đầu năm 2020, tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2020, HT buộc phải rời khỏi công trường và dừng hoạt động do ảnh hưởng của quy định giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19. Cuối tháng 12/2021, sau gần 2 năm gián đoạn, HT đã quay trở lại công trường, tái khởi động hoạt động thử nghiệm theo cam kết giữa các bên. Giai đoạn xử lý chính thức bắt đầu từ ngày 2/2/2022, kết thúc vào ngày 14/3/2022 sau 40 ngày xử lý, nhiệt độ mục tiêu 335oC đã đạt được và duy trì trong mố trong 5 ngày.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

    Các kết quả đánh giá sau xử lý đã cho thấy: Đất có thể được gia nhiệt đến 335°C trong thời gian ít hơn 40 ngày; Tất cả các chất dioxin đã bị phá hủy; Khí thải hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam, EU và Mỹ; Không có hiện tượng rò rỉ bất thường trong quá trình xử lý; Các thông số quan trắc không khí xung quanh đạt tiêu chuẩn; Giai đoạn xử lý không tạo ra chất thải (không tạo ra chất thải dạng lỏng hoặc rắn); Lớp bê tông bao phủ toàn bộ mố được chứng minh là không bị nhiễm độc và có thể tái chế hoàn toàn; Hiệu suất phá hủy >99% và nồng độ xử lý mục tiêu đã đạt được, đất sau xử lý có thể tái sử dụng.

    Hoạt động thử nghiệm đã chứng tỏ rằng công nghệ xử lý nhiệt đối với đất nhiễm dioxin là giải pháp tiên tiến và hiệu quả với tất cả các thành phần chất độc đã được phá hủy và đất có thể tái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

    Trên cơ sở nội dung thảo luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, khách mời tham dự tại Hội thảo, CTET và HT sẽ phối hợp để hoàn thiện báo cáo Bộ Quốc phòng Việt Nam, USAID và các cơ quan chức năng liên quan xem xét áp dụng công nghệ giải hấp nhiệt đã được thử nghiệm làm công nghệ chính và hiệu quả để xử lý đất nhiễm dioxin tại Việt Nam.

Hồng Nhung

 

 

 

 

Ý kiến của bạn