Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

KCN Nam Cầu Kiền: Định hướng phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn

06/11/2023

    Ngành công nghiệp là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế, với nhu cầu ngày càng tăng. Tại Việt Nam, Ban quản lý khu công nghiệp (KCN) có quy định ngày càng cao về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Do đó, các doanh nghiệp đã và đang đổi mới công nghệ nhằm giảm ô nhiễm môi trường và tăng giá trị sản xuất, hướng tới phát triển bền vững. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với TS. Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), việc thực hiện kinh tế tuần hoàn và lộ trình giảm phát thải khí nhà kính giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng.

TS. Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền)

    PV: Luật BVMT năm 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành đã có quy định trách nhiệm tái chế chất thải của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Là doanh nghiệp đầu tư KCN, ông đánh giá như thế nào về vai trò cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định EPR?

    TS. Phạm Hồng Điệp: EPR được định nghĩa là một “cách tiếp cận dưới góc độ chính sách bảo vệ môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng tới tận giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó” (Hướng dẫn thực hiện Công ước Basel của Liên hợp quốc 2019). Trong cơ chế EPR, đối với bao bì sản phẩm, trách nhiệm của các doanh nghiệp liên quan không chỉ giới hạn ở khía cạnh đảm bảo sức khỏe và an toàn sau khi sản phẩm được bán ra mà còn cần đảm bảo bao bì sản phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế, không làm ô nhiễm không khí, đất, sông ngòi và đại dương.

    Bằng việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, các bao bì sau khi quá trình sản xuất nhờ đó mà tăng tỷ lệ thu hồi và tái chế, góp phần làm giảm lượng bao bì không tái chế ra môi trường, đồng thời tăng cường thu hút các doanh nghiệp tái chế và xử lý chất thải tại Việt Nam.

    Năm 2020, Luật BVMT số 72/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), trong đó đã quy định chi tiết hơn, và đồng bộ hóa hệ thống thúc đẩy EPR tại Việt Nam. Các Điều 54: Quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; Điều 55: Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; Điều 54: Trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu: (1) Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; Điều 55: Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu: (1)Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động quy định tại khoản 3 Điều này, trừ sản phẩm xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.

    Tại KCN Nam Cầu Kiền có các ngành nghề liên quan tới tái chế và xử lý chất thải. Các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc hình thành các chuỗi cộng sinh công nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm thu gom và chuyển giao cho các đơn vị xử lý chất thải ngay trong KCN vừa thể hiện trách nhiệm xử lý giai đoạn sau sản xuất của sản phẩm, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhờ vòng tuần hoàn ngay trong khu công nghiệp, giảm chi phí logistics, chất thải được xử lý thu gom nhanh chóng hơn.

    Trách nhiệm của doanh nghiệp được thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp đó, tự tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm hoặc hợp tác với bên ngoài thông qua các doanh nghiệp có năng lực hình thành các chuỗi cuộc sinh trong và ngoài KCN. Vai trò kinh tế tuần hoàn trong việc doanh nghiệp mở rộng trách nhiệm EPR là rất cần thiết, cùng thực hiện trách nhiệm với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm.

Mục tiêu của KCN Nam Cầu Kiền tiến tới năm 2030 sẽ trung hào các-bon

    Là chủ đầu tư KCN, có vai trò quan trọng trong gián tiếp hình thành nhận thức và triển khai hành động thực hiện trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Thông qua cộng đồng chia sẻ và hợp tác giữa các doanh nghiệp dần dần hình thành các chuỗi liên kết cộng sinh chất thải của doanh nghiệp này sẽ trở thành nguyên liệu của doanh nghiệp kia, tạo thành các sản phẩm hữu ích hơn, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị cao hơn so với việc thải bỏ hoặc xử lý phạm vi xa hơn khi chưa liên kết cộng sinh công nghiệp trong KCN.

    PV: Với mục tiêu tái tạo năng lượng, tiết kiệm nguồn tài nguyên, thực hiện kinh tế tuần hoàn, hiện nay Công ty đã triển khai các hoạt động này như thế nào, thưa ông?

    TS. Phạm Hồng Điệp: Tại KCN Nam Cầu Kiền, chúng tôi xây dựng và phát triển với định hướng KCN sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Đến nay, KCN Nam Cầu Kiền đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của KCN sinh thái và kinh tế tuần hoàn với việc hình thành các chuỗi cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp giữa doanh nghiệp và KCN, đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ, đáp ứng các tiêu chí theo quy định.

    Một trong những dòng cộng sinh công nghiệp hình thành và phát triển đó chính là điện năng lượng tái tạo, khai thác tối ưu nguồn năng lượng sạch, xanh và xử lý tái tuần hoàn nước thải giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Với hệ thống điện năng lượng mặt trời, chúng tôi đã triển khai thí điểm lắp đặt tại Văn phòng Công ty từ năm 2020. Cho đến nay, hiệu quả mang lại không chỉ cách giảm lượng điện tiêu tiêu thụ với chi phí giảm 90 %, nó còn đóng góp vào việc giảm nguồn điện sử dụng từ nguyên liệu hóa thạch thông qua đó gián tiếp cắt giảm lượng CO2 trong KCN phát sinh.

    Mục tiêu của chúng tôi là tiến tới năm 2030 sẽ trung hòa các - bon. Một trong những  kế hoạch được đặt ra chính là phủ xanh điện năng lượng mặt trời áp mái trên toàn bộ diện tích mái nhà xưởng qua KCN với công suất dự kiến lên đến 40 MW. Đây là một mục tiêu lớn trong việc thực hiện cam kết trên đời sống và phát thải CO2 của KCN đóng góp xong cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang vướng một số chính sách liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai dự án cũng như các quy định, thủ tục liên quan tiêu chuẩn áp dụng các quy định phòng cháy, chữa cháy, chi phí liên quan, đối tượng đầu tư, sở hữu, đấu nối điện lưới, dự trữ pin… Mặc dù Quy hoạch điện 8 ra đời khuyến khích các dự án về năng lượng tái tạo, tuy nhiên triển khai thực tế vẫn rất khó khăn.

    Về dự án tiết kiệm tài nguyên nước, với đặc thù KCN có các doanh nghiệp sử dụng lưu lượng nước rất lớn trong một ngày, thời gian qua chúng tôi có tận dụng nguồn nước đó trong việc tưới cây rửa đường. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn trong kéo dài vòng đời của nguồn nước đó cũng như đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp bổ sung thêm nguồn nước sạch cho sản xuất mà vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định và chi phí hợp lý hơn. Chúng tôi đã nghiên cứu triển khai dự án tái tuần hoàn nước thải mục tiêu trở thành nước sạch cung cấp sản xuất cho nhà đầu tư.

Cảnh quan KCN Nam Cầu Kiền

    Bằng việc tái sử dụng, tuần hoàn trên 70 % lượng nước phát sinh, chúng tôi có thể cung cấp nhu cầu cho các doanh nghiệp tiêu thụ rất lớn, giảm chi phí nước cho các doanh nghiệp đó lên đến 15% và vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang vướng mắc các vấn đề liên quan đến quy định của nhà nước về ngành tái tuần hoàn nước, tiêu chuẩn áp dụng, các quy định về chính sách thuế liên quan. Mặc dù các doanh nghiệp rất ủng hộ và tin tưởng khuyến khích KCN phát triển tuần hoàn nước để sản xuất. Tuy nhiên, để mang lợi ích nhiều mặt cho các bên, nhà nước cần có quy định rõ ràng về chất lượng nước tuần hoàn để doanh nghiệp “cởi bỏ” tâm lý e ngại khi sử dụng nguồn nước tuần hoàn khi chưa có quy định hướng dẫn cụ thể như hiện nay.

    PV: Được biết, theo lộ trình, sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước sẽ vận hành thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức trong năm 2028. Điều này phù hợp với lộ trình giảm nhẹ phát thải chung và quy định về việc doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải từ năm 2026 trở đi. Vậy Công ty Cổ phần Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) có sự chuẩn bị như thế nào, nhất là các vấn đề liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, tính toán mức giảm thải và tiết kiệm năng lượng…?

    TS. Phạm Hồng Điệp: Đối với Công ty Shinec không có hoạt động sản xuất phát thải khí nhà kính về sản xuất công nghiệp. Hiện nay chưa đến thời gian triển khai thành giao dịch, việc chuẩn bị sự sẵn sàng của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Chúng tôi triển khai hàng loạt hoạt động như nghiên cứu, đào tạo, truyền thông, hợp tác với các đơn vị trong đánh giá mức độ phát thải của các doanh nghiệp, tham gia các hoạt động tư vấn hỗ trợ công nghệ từ các đối tác trong và ngoài nước về cắt giảm CO2.

    Do đó, với mục tiêu trung hòa các-bon việc hợp tác với các doanh nghiệp cũng như chủ động đầu tư các cơ sở hạ tầng là rất cần thiết. Sàn giao dịch tín chỉ các-bon còn mới đối với các doanh nghiệp. Việc nâng cao hiểu biết ý thức là một điều quan trọng, bên cạnh đó KCN và doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu nghiên cứu để tiến hành đánh giá lại các nguồn phát sinh các - bon của doanh nghiệp trong mọi công đoạn gia công sản xuất thải bỏ. Cùng với sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước và các đối tác, chúng tôi đang tiến hành đánh giá và xây dựng lộ trình cải tạo hệ thống, mua bán tín chỉ dựa trên hạn ngạnh cho phép.

    Đối với KCN, đầu tư các cơ sở hạ tầng được chú trọng như xây dựng các công trình sinh thái bằng việc tăng cường tỷ lệ cây xanh đa tầng, phục hồi đa dạng sinh học, hợp tác đầu tư các công trình giảm phát thải các - bon như năng lượng mặt trời. Kết nối cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp các công trình chung hoặc chủ động đầu tư tại chính doanh nghiệp của mình. Nhờ đó, tăng tỷ lệ các công trình sinh thái, thân thiện với môi trường.

    PV: Để triển khai Doanh nghiệp đổi mới công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn "xanh" ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

    TS. Phạm Hồng Điệp: Thời đại công nghệ số là vô cùng quan trọng đặc biệt công nghệ số xanh để tiếp cận được nhanh chóng và phạm vi rộng là vô cùng thiết yếu trong phát triển nhanh và bền vững KCN sinh thái, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.

    Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng ban hành các quy định, chính sách liên quan tới phát triển về lĩnh vực xanh như phát triển của công nghiệp sinh thái kinh tế tuần hoàn. Dựa vào đó, doanh nghiệp có các căn cứ để xây dựng các bộ tiêu chuẩn sinh thái áp dụng cho doanh nghiệp, thông qua việc đồng bộ hóa lên các ứng dụng công nghệ được hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cũng cần có các gói tín dụng chính tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ số.

    Để triển khai thành công về công nghệ số, trước hết chính nội hàm doanh nghiệp cần được mô hình hóa lại cấu trúc một cách thống nhất về các quy trình, cách thức, phạm vi triển khai phát triển bền vững vào ứng dụng một công nghệ tiên tiến để trở thành công cụ hỗ trợ mỗi doanh nghiệp triển khai. Cần thấy rõ lợi ích từ việc thông tin thông suốt, liên kết, mọi lúc mọi nơi, đánh giá được hiệu quả của việc triển khai không chỉ của nội hàm doanh nghiệp mà còn sự quản lý, quản trị toàn KCN để có cách nhìn, tư vấn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển bền vững.

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên tạp chí Môi trường, số 10/2023)

Ý kiến của bạn