Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Huy động trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

15/03/2023

    Ngày 14/3/2023, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học trong, ngoài Viện để đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật, góp phần bảo đảm chất lượng, tính khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả của Dự thảo Luật.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, BVMT của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Do đó, Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai.  Thông qua Hội thảo, các vấn đề trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tiếp cận liên ngành, đa ngành dưới nhiều góc độ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; đánh giá mức độ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TƯ trong Dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi); yêu cầu bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi của Dự thảo Luật; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.

Toàn cảnh Hội thảo

    Góp ý về nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Khoản 1, Điều 153 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu nguyên tắc và 5 phương pháp định giá đất là: Theo mục đích sử dụng đất định giá; theo thời hạn sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định. Khoản 2 tại Điều 153 của Dự thảo có giải thích thêm về giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, giá thị trường là do cầu và cung quyết định nhằm thỏa mãn lợi ích kinh tế của cả bên mua lẫn bên bán, mà cầu và cung lại quyết định bởi nhiều yếu tố khác, trong đó có cả biến động của các hoạt động kinh tế, xã hội và kỳ vọng. Do đó, Dự thảo Luật nên có một khoản riêng để giải thích “các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất” ở điểm b, Khoản 1 của Điều 153 là gì? PGS. TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều nội dung tiến bộ trong việc ứng dụng chuyển đổi số. Đây là điểm rất tích cực trong việc làm minh bạch và công khai thông tin về đất đai. Tuy nhiên, cần có quy định và chế tài rõ hơn trong việc quy định về sàn giao dịch đất đai để có đầy đủ thông tin làm cơ sở tham chiếu cho việc xác định giá quyền sử dụng đất; tăng cường các quy định về phối hợp cập nhật thông tin, quản lý, chia sẻ, khai thác thông tin của sàn giao dịch và các cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về đất đai…

    Đối với nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, TS. Trần Thu Hương - Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho biết, so với Luật Đất đai năm 2013, Dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể hơn, bổ sung nhiều điểm mới và khoa học hơn, trong đó: Bổ sung quy định về nội dung cần thể hiện trong quy hoạch cấp quốc gia: Khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo khu vực (Điều 63); bổ sung căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quốc phòng, an ninh và cấp huyện so với Luật hiện hành, đó là không chỉ dựa trên “nhu cầu sử dụng đất mà còn dựa trên “khả năng sử dụng đất”… Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần bổ sung các quy định chi tiết về cơ chế thực thi việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, trong đó xác định rõ quy hoạch nào là quy hoạch cùng cấp, quy hoạch nào là quy hoạch cao hơn để từ đó xác định tính phù hợp của từng loại quy hoạch, đồng thời, cũng xác định được nguyên tắc khi có sự mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch.

    Hội thảo là diễn đàn trao đổi để các nhà khoa học trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các chuyên gia góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cung cấp luận cứ khoa học để Viện chắt lọc, xây dựng Báo cáo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu khắc phục những hạn chế của Luật, góp phần đổi mới quản lý và sử dụng đất, khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Trần Hương

Ý kiến của bạn