Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022: Huyện Sóc Sơn thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

07/10/2022

    Huyện Sóc Sơn có tổng diện tích tự nhiên 30.651,30 ha, mật độ dân số trung bình khoảng 908 người/km2, gồm 26 đơn vị hành chính, là cửa ngõ của Thành phố Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, đồng thời, là địa bàn chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, BVMT của Thủ đô. Đặc biệt, sự hiện diện của Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những yếu tố đặc biệt giúp tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế - cơ sở hạ tầng của địa phương. Nơi đây cũng được biết đến là vùng bán sơn địa với 3 loại hình chính: Vùng đồi gò, vùng giữa và vùng đồng bằng ven sông, nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều với 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10; Mùa khô lạnh từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, nhiệt độ trung bình năm khoảng 24,460C, thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi nhưng hạn chế là lượng mưa lớn tập trung vào khoảng thời gian ngắn, dễ gây lũ lụt, xói mòn đất. Nhờ sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống cơ sở hạ tầng bứt phá, đặc biệt là quỹ đất rộng với địa hình phong phú, từ đồng bằng cho đến đồi núi, những năm gần đây, kinh tế Sóc Sơn có bước tăng trưởng khá mạnh, song song với đó, chính quyền và nhân dân địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác BVMT, nhằm cải thiện chất lượng môi trường, phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, phát triển về công nghiệp, dịch vụ hàng không và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái.

    Bước chuyển mình sau 45 năm xây dựng và trưởng thành

    Ngày 05/7/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 178/QĐ-CP hợp nhất các huyện theo vùng quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phú và hai huyện Đa Phúc, Kim Anh được hợp nhất thành huyện Sóc Sơn. Trải qua một số lần chia tách, sáp nhập địa giới hành chính các xã, thị trấn, đến ngày 1/4/1979, huyện Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú chuyển về Thành phố Hà Nội, hiện nay có 25 xã và 1 thị trấn. Thời điểm khi mới thành lập, địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng, giao thông nội huyện thiếu thốn, xuống cấp, hầu như không có đường bê tông nhựa; diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn, nhưng chủ yếu là đồi núi trọc, đất bạc màu, thiếu nguồn nước tưới tiêu… Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân cùng phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành đô thị của đất nghìn năm văn hiến, đến nay, sau gần nửa thế kỷ đi lên cùng Thủ đô và đất nước, cơ cấu kinh tế của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện đã tập trung nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đưa kinh tế - xã hội liên tục tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 9,64%/năm. Năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, kinh tế của huyện bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, dù vậy, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện vẫn được duy trì ổn định. Theo đó, tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt 18.223 tỷ đồng, tăng 4,97% so với năm 2020 (cao hơn 1,9 lần so với cả nước và 1,5 lần so với Thành phố Hà Nội); Thu nhập bình quân đầu người đạt 56,2 triệu đồng/người/năm. 7 tháng đầu năm 2022, kinh tế dần phục hồi, đạt 9.200 tỷ đồng (tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2021). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có khu công nghiệp Nội Bài đang hoạt động với 41 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Toàn huyện hiện có 593 doanh nghiệp và hơn 1.000 hợp tác xã, hộ gia đình kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp với tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 52,06% tổng giá trị kinh tế của huyện; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố Hà Nội giảm xuống còn 0,42%.    

Một góc huyện Sóc Sơn nhìn từ trên cao

    Đặc biệt, huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Giai đoạn từ năm 2010 - 2020, Sóc Sơn đã bố trí gần 4.420 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến năm 2020, 25/25 xã đều đạt 19/19 tiêu chí và huyện đạt 9/9 tiêu chí của Bộ Tiêu chí huyện NTM; đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần so với năm 2010). Tháng 4/2021, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020; tháng 10/2021, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ hai) cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 15/7/2022, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Sóc Sơn đã long trọng tổ chức Lễ Công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM; Huân chương Lao động hạng Ba và kỷ niệm 45 năm ngày thành lập. Hiện huyện đang tiếp tục rà soát, triển khai Chương trình xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân; Xây dựng đề án xây dựng NTM nâng cao tại các xã và duy trì các tiêu chí NTM đã đạt, phấn đấu năm 2022 có 3 xã (Đức Hoà, Phù Lỗ và Phù Linh) đạt chuẩn NTM nâng cao…

    Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025, định hướng đến 2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động… tạo tiền đề quan trọng để xây dựng huyện Sóc Sơn đến năm 2030 trở thành vùng phát triển, đô thị vệ tinh của Thủ đô”. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, huyện Sóc Sơn được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã định hướng huyện Sóc Sơn trong tương lai sẽ là một phần quan trọng để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc Hà Nội.

Ngày 15/7/2022, huyện Sóc Sơn long trọng tổ chức Lễ Công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

công nhận huyện đạt chuẩn NTM; Huân chương Lao động hạng Ba và kỷ niệm 45 năm ngày thành lập

    Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đề ra, thời gian tới, Huyện ủy Sóc Sơn sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; đầu tư và chủ động thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp - nông nghiệp sạch, công nghệ cao - du lịch sinh thái; chủ động đề xuất với Thành phố đầu tư các trục hướng tâm và đường vành đai kết nối đồng bộ hệ thống giao thông quốc gia bằng nguồn vốn đầu tư dự kiến 9.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Sóc Sơn sẽ dành 4.200 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng khung, gồm: 6 tuyến đường trong khu đô thị vệ tinh; 3 tuyến đường kết nối đô thị vệ tinh với các vùng lân cận, cụ thể: Dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 3, hoàn thành đường nối đô thị vệ tinh Sóc Sơn với đường Võ Nguyên Giáp (giai đoạn 1)... song song với ưu tiên lập đề án xây dựng mạng lưới cấp thoát nước trên địa bàn, mục tiêu đến năm 2025, đầu tư các trục cấp thoát nước chính khu vực quy hoạch đô thị. Mặt khác, Sóc Sơn sẽ chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho Thành phố Hà Nội.

    Có thể thấy, thành tựu sau 45 năm nỗ lực phấn đấu sẽ là nền tảng vững chắc để huyện Sóc Sơn tiếp tục phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương được xác định trong văn kiện Đại hội lần thứ 12 Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

    Gắn phát triển kinh tế với BVMT

    Với chủ trương “phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT”, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là việc lồng ghép yêu cầu BVMT vào các chiến lược phát triển, quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, trong các chương trình, dự án... được chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn quan tâm thực hiện. Năm 2022, để góp phần giữ vững nền tảng đã tạo dựng sau 45 năm xứng danh, môi trường vẫn tiếp tục được xác định là yếu tố then chốt, là kim chỉ nam trong mọi lĩnh vực hoạt động của Sóc Sơn.

    Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Luật BVMT năm 2020 đi vào cuộc sống

    Theo đó, thực hiện Văn bản số 5783/STNMT-CCBVMT ngày 10/8/2022 của Sở TN&MT Thành phố Hà Nội về việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật BVMT năm 2020, ngày 9/9/2022, UBND huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 1994/UBND-TNMT chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện Luật BVMT năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT theo đúng thẩm quyền; thiết lập hồ sơ vi phạm đảm bảo chặt chẽ, chính xác để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND xã, thị trấn; Tuyên truyền, kiểm tra, thực hiện tiếp nhận đăng ký môi trường theo thẩm quyền quy định tại khoản 7, Điều 49, Luật BVMT năm 2020; Điều 22, Điều 23, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

UBND Thị trấn Sóc Sơn ra quân vệ sinh môi trường

    Phòng TN&MT được giao tham mưu UBND huyện thực hiện công tác cấp Giấy phép môi trường, cấp đổi Giấy phép môi trường, cấp điều chỉnh Giấy phép môi trường, cấp lại Giấy phép môi trường theo thẩm quyền quy định tại Quyết định số 1040/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về việc công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành, TTHC thay thế, TTHC bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

    Tích cực hưởng ướng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn

    Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội tại Văn bản số 9330/VP-TNMT ngày 16/9/2022 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp về đối tượng; Phát động các phong trào cộng đồng như ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tại khu dân cư, khơi thông dòng chảy các kênh, rạch…; Xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình tiên tiến về phân loại rác thải sinh hoạt; nhân rộng các mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về BVMT. Mặt khác, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố về việc yêu cầu các quận, huyện, thị xã chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND Thành phố, đảm bảo không còn tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và các chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn Thành phố…

    Tập trung xử lý các vấn đề về môi trường được dư luận xã hội quan tâm

    Liên quan đến vấn đề chôn, lấp, đổ trộm chất thải gây ô nhiễm môi trường lâu dài, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là chất thải nguy hại, UBND huyện xác định, việc xác định nguồn gốc chất thải và đối tượng đổ chất thải rất khó khăn, giá thành phân tích mẫu xác định loại chất thải, chi phí xử lý cao, do đó, UBND huyện đã có Văn bản số 1688/UBND-TNMT, ngày 8/8/2022 gửi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sóc Sơn; Phòng TN&MT; Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa thể thao và thông tin; Công an huyện; Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Nam Sơn; Công ty Cổ phần môi trường đô thị Bắc Sơn; Công ty cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý; Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; Chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định tại khoản 3, Điều 168, Luật BVMT năm 2020.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp cũng là hoạt động được nhân dân xã Phù Linh quan tâm thực hiện thường xuyên

    Văn bản cũng nêu rõ, UBND các huyện, thị trấn có nhiệm vụ thông báo cho người dân trên toàn địa bàn tổ chức kiểm tra, rà soát, phát hiện và cung cấp thông tin về các vụ việc đổ, đốt, chôn chất thải không đúng quy định, báo ngay cho UBND xã, thị trấn để kiểm tra, xử lý kịp thời; Thông báo cho người dân số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và đảm bảo bí mật cho người cung cấp thông tin, vào sổ theo dõi, tổ chức kiểm tra thực tế, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo ngay vụ việc với UBND huyện. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo lực lượng công an, dân phòng, cán bộ chuyên trách tăng cường kiểm tra, bắt quả tang đối tượng, phương tiện đốt, đổ trộm, chôn chất thải không đúng quy định để xử lý nghiêm theo pháp luật; Khuyến khích nhân dân tham gia phát hiện, bắt quả tang, thu giữ phương tiện đốt, đổ trộm, chôn lấp chất thải, giao UBND xã, thị trấn xử lý; Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các cơ sở hành nghề phế liệu; Yêu cầu hộ gia đình phải ký hợp đồng vận chuyển chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh theo quy định. Đối với chất thải bị đổ ra môi trường trong thời gian chờ xử lý, UBND xã, thị trấn phải có giải pháp cách ly, bảo vệ, cắm biển cảnh báo, không cho người dân, gia  súc, gia cầm… đi vào khu vực và che chắn, be bờ không để nước mưa hoặc các nguồn nước khác chảy vào khu vực chất thải, ngấm vào lòng đất cũng như phát tán ra môi trường.

    Phòng TN&MT được giao tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường; Chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, xử lý các vụ việc đổ, đốt, chôn lấp chất thải không đúng quy định; Tổng hợp các vụ việc về chôn chất thải, tồn đọng chất thải công nghiệp do bị đổ trộm trên địa bàn các xã, thị trấn, báo cáo, đề xuất UBND huyện hướng giải quyết; Tham mưu UBND huyện tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất phát sinh chất thải theo thẩm quyền…

  

Người dân xã Quang Tiến (ảnh 1) và Minh Trí (ảnh 2) thu gom, xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

và ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Về công tác đẩy     mạnh tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; Đồng thời cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn, nhất lả khi người dân sắp vào vụ thu hoạch vụ Hè - Thu năm 2022, UBND huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 1990/UBND-TNMT ngày 9/9/2022 yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục phổ biến, tuyên truyền quán triệt nội dung của Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND Thành phố Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và các chất thải khác không đúng quy định, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; Tiếp tục yêu cầu hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã, thị trấn ký cam kết không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch. Bên cạnh đó, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, vận động cá nhân, hộ gia đình thực hiện không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch; Kiểm tra, thiết lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với những hành vi đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch của các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn theo khoản 1, Điều 41, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT. Trường hợp để xảy ra vi phạm, Chủ tịch UBND các xã, thị trận chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn. Văn bản cũng quy định Phòng TN&MT có trách nhiệm tham mưu UBND huyện Sóc Sơn xử lý vi phạm những trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND huyện.

    Trước đó, ngày 18/4/2022, UBND huyện cũng đã có Văn bản số 769/UBND-TNMT về việc triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nội dung của Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND Thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và các chất thải khác không đúng quy định, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mặt khác, yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã, thị trấn tiếp tục ký cam kết không sử dụng than tổ ong và không đốt rơm rạ phụ phẩm cây trồng, các loại chất thải khác kể từ ngày 20/4/2022…

    Như vậy, với sự quyết liệt trong chỉ đạo của chính quyền cùng những nỗ lực của các ngành chức năng, môi trường huyện Sóc Sơn đã có những chuyển biến tích cực. Huyện sẽ phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục huy động sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp cùng toàn thể nhân dân trong công tác BVMT, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vì một Sóc Sơn ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh.

    Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Ôxtrâylia khởi xướng từ năm 1993, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm. Từ đó đến nay, Chiến dịch đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Đây là dịp để tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể cộng đồng cùng tham gia hưởng ứng các hoạt động BVMT, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

    Tại Việt Nam, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn đã trở thành sự kiện được tổ chức thường niên, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, các tỉnh, thành phố và mọi tầng lớp nhân dân. Năm 2022, Lễ mít tinh hưởng ứng Chiến dịch được tổ chức tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”.

    Cùng với các địa phương khác trên cả nước, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội tại Văn bản số 9330/VP-TNMT ngày 16/9/2022 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo như sau:

      UBND các xã, thị trấn:

    - Chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp về đối tượng. Cụ thể:

    + Tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện Luật BVMT năm 2022; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT...

    + Nâng cao ý thức của người dân trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần (ống hút nhựa, hộp xốp, cốc nhựa…), tăng cường thay thế, sử dụng bằng sản phẩm thân thiện với môi trường; Thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

    + Tập trung tuyên truyền các nội dung liên quan đến Chiến dịch Làm sạch thế giới như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động vì môi trường…; Chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 trên địa bàn Thành phố;

    + Thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; Từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

    - Phát động các phong trào cộng đồng như ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây tại khu dân cư, khơi thông dòng chảy các kênh, rạch…; Xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt, mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về BVMT.

    - Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND Thành phố, đảm bảo không còn tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và các chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn Thành phố.

     Phòng TN&MT:

     - Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông tuyên truyền về Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022.

     - Tham mưu, thực hiện giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương.

    Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện:

    - Phối hợp với Phòng TN&MT tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

    - Treo băng rôn, khẩu hiệu theo nội dung, quy định về hướng dẫn tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022.

    Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Nam Sơn và các đơn vị xử lý trong Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn:

    - Tăng cường công tác quản lý trong vận hành Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, đảm bảo quy trình chôn lấp rác, phủ bãi, tăng cường phun thuốc khử mùi, diệt ruồi muỗi; thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo việc ngăn chặn người dân bới, nhặt rác đảm bảo an ninh, an toàn trong khu vực.

    - Thông báo đến các đơn vị vận chuyển rác để chấn chỉnh lái xe không để rò rỉ nước rác, không gây mất an toàn giao thông.

    Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội:

    - Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị theo hướng sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các loại nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hóa thiết kế, thuận tiện cho việc thu gom, phân loại, tái chế; Thay thế, cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường...

    - Quản lý chặt chẽ việc lưu trữ, chuyển giao, xử lý chất thải của các nhà máy trong khu công nghiệp; Phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong xử lý những trường hợp không tuân thủ Luật BVMT năm 2020...

Thu Hằng

Ý kiến của bạn