Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy

04/11/2022

    Ngày 4/11/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy”. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức chủ trì Hội thảo.

    Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) được các quốc gia ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất POP gây ra. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.

Toàn cảnh Hội thảo

    Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22/7/2002. Ngày 10/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam (tại Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg, và cập nhật tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg). Các Kế hoạch này được ban hành nhằm quản lý an toàn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các chất POP tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

    Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Công ước Stockholm và trong bối cảnh xu hướng quốc tế về quản lý và kiểm soát chặt chẽ các chất POP và các chất ô nhiễm khó phân hủy khác, Bộ TN&MT đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật BVMT năm 2020 quy định về yêu cầu BVMT trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (tại Điều 69), cũng như quy định xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (tại Điều 97, 98). Các nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Điều 38, 39, 40, 41, 42), Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Điều 47, 48) và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP (Điều 28). Với các quy định này, Việt Nam sẽ tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc quản lý các chất POP đối với Công ước Stockholm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

    Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức nhấn mạnh, với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, địa phương, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và chuyên gia triển khai hiệu quả các Quyết định này tại Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức hy vọng, sự phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngày càng chặt chẽ, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm, hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai có hiệu quả các quy định về BVMT trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy nói trên nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm trong việc giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua giảm phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP), BVMT, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.

    Nhìn nhận rõ sự phối hợp này, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết, trong 20 năm qua, với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh, VCCI đã luôn tiên phong, bền bỉ nỗ lực thúc đẩy kinh doanh bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh mong rằng, thông qua hội thảo, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ nhận được những định hướng, hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, hữu ích để triển khai hiệu quả các quy định về BVMT trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; đánh giá nhu cầu nhập khẩu, sử dụng và thay thế các chất chất ô nhiễm khó phân hủy trong các ngành/lĩnh vực sản xuất; thủ tục đăng ký miễn trừ chất ô nhiễm khó phân hủy. Từ đó đảm bảo được sự phát triển mạnh mẽ của chính doanh nghiệp, cũng như đóng góp hiệu quả vào hành trình xây dựng tương lai chung thịnh vượng, bền vững của quốc gia và thế giới.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những nội dung về đánh giá nhu cầu nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP của các doanh nghiệp; thủ tục đăng ký miễn trừ chất POP; lộ trình thay thế, chuyển đổi nguyên liệu là các chất POP trong các ngành công nghiệp...

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn