Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào phát triển dược liệu

03/07/2023

    Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh. Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%. Trong đó, riêng tại huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với đỉnh núi Tản Viên mây lành bao phủ, dòng Sông Đà trữ tình uốn quan, gồm khoảng trên 500 loài cây dược liệu, được phân thành 118 hộ và 321 chi và đều được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị 33 chứng bệnh khác nhau... Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng nơi đây vẫn còn một số hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của các địa phương. Trong khi đó, việc thu hái, khai thác không đi đôi với bảo tồn, phát triển dược liệu khiến các loài dược liệu tự nhiên cạn kiệt và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Hạn chế trong quy trình bào chế, mẫu mã, bao bì và giấy tờ minh chứng chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng… cũng khiến sản phẩm truyền thống gặp khó khăn khi chinh phục thị trường. Với mục tiêu phát triển tiềm năng lợi thế, tạo ra được các sản phẩm chất lượng tốt từ đinh lăng, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn (thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) đã liên kết với một số hộ dân trên địa bàn huyện trồng và phát triển sản xuất cây dược liệu. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm Nhà máy chế biến dược liệu đạt chuẩn GMP của Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn, tháng 2/2023

    Nam dược Tản Viên Sơn là đơn vị tiên phong trên địa bàn huyện Ba Vì trong bảo tồn cây dược liệu quý hiếm, gìn giữ công thức gia truyền dân tộc Dao cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến sản phẩm bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc sắc đẹp. Trải qua gần 10 năm hình thành và phát triển, Nam dược Tản Viên Sơn đã và đang tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm với định hướng "Người Việt dùng hàng Việt". Vẫn là các dược liệu truyền thống song quy trình sản xuất được khép kín hoàn toàn, thay vì đun thuốc trên bếp củi, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn đã xây dựng các phòng nghiên cứu vi sinh, hóa lý và tuyển lao động tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược để có kiến thức chuyên môn bảo đảm các mẫu sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành Y tế. Cùng với đó, khi xây dựng các vùng dược liệu, các kỹ thuật viên chú trọng quản lý được chất lượng, hàm lượng dược chất trong cây dược liệu, đồng thời quy trình trồng trọt theo quy chuẩn GACP-WHO, đem lại nguồn nguyên liệu sạch, uy tín, chất lượng. Công nghệ hiện đại, dây chuyền tự động hóa cao cùng với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ chính là nền tảng vững chắc để để không chỉ khẳng định vị thế của sản phẩm Nam dược ở trong nước mà còn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, Nhà máy Nam Dược Tản Viên Sơn vinh dự là một trong top 50 nhà máy tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP và các tiêu chuẩn ISO do Bộ Y tế và các Sở, ban, ngành cấp phép. Hiện nhà máy sản xuất thuốc Nam của Hợp tác xã đang sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Tì vị”, “bổ phế”, “dưỡng khớp” mang thương hiệu “Tản Viên Sơn”, các loại trà thảo dược, sản phẩm mỹ phẩm như dầu gội dược liệu, nước tắm sau sinh… đều lấy giá trị gốc từ bài thuốc gia truyền của người Dao Ba Vì.  

Nhà máy Nam Dược Tản Viên Sơn đạt tiêu chuẩn GMP đầu tiên và duy nhất tại Ba Vì

    Các sản phẩm OCOP 4 sao của Hợp tác xã là Trà bổ thận, Cao dưỡng khớp, Bổ phế, Nước rửa vùng kín An nữ nhi, Dầu gội từ thảo dược An nữ nhi hiện nay đã có mặt trên thị trường, được người tiêu dùng ưu chuộng, đảm bảo an toàn, hỗ trợ chữa trị bệnh tốt. Nhiều người đã dùng sản phẩm Trà bổ thận của Hợp tác xã đều nhận thấy đây là sản phẩm hỗ trợ bổ thận, tráng dương, giúp tăng cường sinh lực, cải thiện sinh lý nam giới, hỗ trợ giảm các triệu chứng đau lưng, mỏi gối, sinh lý yếu do thận kém. Còn đối với sản phẩm Cao dưỡng khớp, nhiều người bị viêm khớp, thoái hóa khớp có các triệu chứng đau nhức khớp, khó vận động khi sử dụng sản phẩm này đều ưng ý và chữa trị rất hiệu quả. Sản phẩm Bổ phế của Hợp tác xã đã giúp hỗ trợ giảm ho, giúp giảm đờm, giảm đau rát họng, khản tiếng do viêm họng, viêm phế quản. Dung dịch phụ khoa An nữ nhi dùng để làm sạch, vệ sinh vùng kín giúp khử mùi hôi, bảo vệ vùng kín, giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây viêm nhiễm, nấm ngứa. Còn dầu gội An nữ nhi giúp làm sạch gàu, hỗ trợ phục hồi chân tóc và da đầu bị hư tổn, làm cải thiện tình trạng ngứa và rụng tóc, cung cấp chất dinh dưỡng bằng dược liệu tự nhiên, giúp mái tóc chắc khỏe.

 

Trà bổ thận, cao dưỡng khớp Tản Viên Sơn là một trong những sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn

    Chia sẻ về việc phát triển cây dược liệu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, bảo tồn, đẩy mạnh phát triển và mở rộng diện tích trồng các loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đây cũng là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững của thành phố. Tuy nhiên, nguồn gen của các cây dược liệu quý hiếm này đang ngày càng cạn kiệt và bị đe dọa tuyệt chủng do quá trình thu hái không bền vững suốt thời gian dài. Vì vậy, việc hình thành các Hợp tác xã quy mô lớn và hình thành các nhà máy nam dược là cách để lưu giữ, phát triển và thương mại hóa nghề thuốc, cây thuốc tốt nhất cho bà con người Dao nói riêng và bà con Ba vì nói chung. Cũng theo ông Chí, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020; Xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 2 - 5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 1 - 2 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020, phát triển được 10 - 15 dược liệu di thực đáp ứng nhu cầu trong nước. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15 giống cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. Đến năm 2045, Việt Nam có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Hà Nội cũng đã có kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, sẽ hình thành và phát triển các vùng chuyên canh tập trung quy mô 600 - 1.000 ha vào năm 2015 và 1.500 -  2.000 ha vào năm 2030; phấn đấu đưa thu nhập trên 1ha trồng cây dược liệu đạt 300 - 500 triệu đồng/ha/năm… Đây là những cơ sở pháp lý, động lực quan trọng để các địa phương trên cả nước nói chung và TP. Hà Nội nói riêng không ngừng đẩy mạnh phát triển cây dược liệu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Hương Mai

(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn