Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

GREENFEED: Tiên phong ứng dụng mô hình nuôi trùn quế trong xử lý chất thải nuôi heo, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

03/08/2022

    Sau 4 năm không ngừng nghiên cứu và điều chỉnh, mô hình nuôi trùn quế của GREENFEED đã gặt hái được những kết quả khả quan. Tính đến tháng 8/2021, tỷ lệ xử lý chất thải bằng trùn quế tại trại thử nghiệm Đông Nam Bộ đã đạt 43%.

Mô hình xử lý chất thải heo bằng trùn quế đầu tiên tại Việt Nam

    Nuôi trùn quế (một loại giun đất) là mô hình khá phổ biến trong canh tác nông nghiệp tại Việt Nam. Sau quá trình tiêu hóa các chất, trùn quế sẽ tạo ra một loại phân trùn hữu cơ giàu dinh dưỡng, chứa nhiều acid amin có lợi cho sự phát triển của cây trồng.

    Trùn quế thường được nuôi bằng phân bò (động vật ăn cỏ). Trong khi đó, mô hình nuôi trùn bằng phân heo chưa được phổ biến rộng rãi do trong phân heo chứa hàm lượng chất nhiều và phức tạp khiến trùn dễ ngộ độc. Đây cũng là thách thức lớn nhất của các đơn vị khi muốn triển khai nuôi trùn theo mô hình này.

Cần kiẻm tra thường xuyên để đảm bảo mật độ trùn phù hợp

    Ấp ủ ý tưởng nghiên cứu mô hình nuôi trùn quế bằng phân heo từ năm 2018, đội ngũ kỹ thuật của GREENFEED đã thử nghiệm rất nhiều phương pháp, từng bước hiệu chỉnh quy trình chăm sóc và nhân giống trùn. Hai trại được GREENFEED chọn thử nghiệm là trại Cư Jút và trại Đông Nam Bộ (ĐNB2).

Mô hình nuôi trùn quế của GREENFEED tại trại ĐNB2

    Đại diện GREENFEED cho biết, điểm mấu chốt để thành công tại mỗi trại là phải tìm được điều kiện phù hợp để trùn phát triển. Ví dụ, trại Cư Jút (Tây Nguyên) là vùng đất có thổ nhưỡng cằn cọc, thường có gió lớn, trong khi đó trại ĐNB2 nằm trong khu vực canh tác nhiều cây cao su với nhiều bóng râm xung quanh. Chính vì thế, GREENFEED đã triển khai hai mô hình riêng biệt là mô hình nuôi nhà tiền chế khung thép, sàn bê tông và mô hình nuôi dưới tán cây, nhà nuôi bằng plastic, áp dụng lần lượt tại trại Cư Jút và trại ĐNB2 nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Tính đến tháng 8/2021, tỷ lệ xử lý chất thải bằng mô hình trùn quế tại Cư Jút đạt gần 30% và trại ĐNB2 đạt 43%.

Gia tăng hiệu quả kinh tế và hướng đến “xanh hóa” khu vực trại

    Tại GREENFEED, sau khi thu hoạch, phân trùn sẽ tiếp tục trải qua quá trình phơi giảm ẩm, sàng lọc nghiêm ngặt trước khi được xử lý thành các dạng sản phẩm phân bón hữu cơ như GOF01 dạng bột, dạng viên nén, dễ dàng sử dụng và thân thiện với môi trường. Với phân bón dạng bột, nông dân có thể trực tiếp sử dụng trong canh tác cây trồng, vườn trồng rau sạch, cây ăn trái, cây gia vị. Trong khi đó, với ưu điểm tan chậm, cung cấp dần dần và vừa đủ nguồn dinh dưỡng, hạn chế rửa trôi, viên nén GOF01 được người dân tin dùng trong trồng và chăm sóc hoa lan, bonsai, cây cảnh văn phòng...

Các sản phẩm từ trùn quế hỗ trợ canh tác hiệu quả và thân thiện với môi trường

    Đặc biệt, trùn quế cũng sẽ được thu hoạch, thuỷ phân để lấy dịch trùn làm phân hữu cơ trùn quế dạng lỏng. Sản phẩm này giúp cây trồng tăng khả năng đề kháng, kích thích phát triển và thúc đẩy quá trình thụ phấn, đậu quả.

    Từ thành quả về mặt sản phẩm, GREENFEED đã chủ động cùng người dân xung quanh khu vực trại triển khai canh tác sinh thái, từ hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, đến hoạt động chế biến, bao tiêu nông sản, hướng đến phát triển kinh tế và xây dựng vùng đệm xung quanh trại. Tính riêng trại Cư Jút, diện tích nông nghiệp sinh thái quanh trại hiện đã đạt trên 25 ha, gồm 20 ha chuối, 2.5 ha sả, 2.5 ha mít.

Khu vực quanh trại GREENFEED được phủ xanh bởi các vùng đệm được canh tác từ sản phẩm phân trùn quế

    Thành công bước đầu của mô hình nuôi trùn quế là kết quả từ quá trình nỗ lực quyết tâm của ngành Farm GREENFEED từng bước xây dựng một mô hình trại chăn nuôi hiệu quả và bền vững hàng đầu Việt Nam. Trên hành trình tới, GREENFEED sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, chủ trại tìm kiếm và áp dụng mô hình xử lý thải xanh, bền vững và nâng cao bảo vệ môi trường.

Trần Hương

Ý kiến của bạn