Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Giới thiệu các công cụ giám sát chất thải nhựa trên sông tại Việt Nam

30/10/2023

    Ngày 30/10/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức Hội thảo Giới thiệu các công cụ giám sát chất thải nhựa trên sông tại Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường TS. Nguyễn Trung Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo

    Theo báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới thải ra bãi rác/ bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường, gây ra "ô nhiễm trắng" đối với môi trường toàn cầu. Ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa đòi hỏi các giải pháp đa dạng, bao gồm hoàn thiện chính sách, tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ trong giám sát và quản lý chất thải nhựa.

    Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, nhiều văn bản pháp lý của nhà nước đã được ban hành ở các cấp độ khác nhau, cụ thể như: Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 và một số kế hoạch hành động về giảm thiểu chất thải nhựa của các Bộ ngành, địa phương. Các quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và các quy định liên quan đến giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường TS. Nguyễn Trung Thắng cho biết, nhằm góp phần tăng cường năng lực cho các đối tác liên quan tại Việt Nam trong quản lý và giám sát rác thải nhựa, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức Hội thảo giới thiệu các công cụ giám sát chất thải nhựa trên sông tại Việt Nam. TS. Nguyễn Trung Thắng hy vọng, các thông tin hữu ích được chia sẻ tại Hội thảo sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học tăng cường hiểu biết về những công nghệ tiên tiến trong giám sát nhựa ven sông, góp phần xây dựng kế hoạch/chương trình giám sát chất thải nhựa trong tương lai; đồng thời Hội thảo cũng là cơ hội tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, xây dựng mạng lưới đối tác về giám sát chất thải nhựa trên sông tại Việt Nam...

Trần Tân

 

Ý kiến của bạn