Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Giảm thiểu rác thải nhựa bằng công cụ chính sách và cơ chế tài khóa

12/10/2022

    Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông nói riêng đang tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa.

    Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt ra các mục tiêu nhằm đảo ngược quỹ đạo rác thải nhựa khi cam kết cắt giảm 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030 rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch hành động này cũng cam kết Chính phủ sẽ loại bỏ nhựa dùng một lần tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.

    Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó tại Điều 73 quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.

    Mặt khác, chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.

    Theo quy định, Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

    Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

    Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

    Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Việc ban hành Nghị định góp phần nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân nhằm thay đổi hành vi, lối sống và thói quen tiêu dùng của người dân.

    Trước đó, trong tháng 6/2022, Chính phủ Việt Nam cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Điều này không những sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường đồng thời còn biến rác thải nhựa thành những nguồn tài nguyên quý giá quay trở lại phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn