Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Gia Lai: Triển khai Cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” đến từng học sinh Trung học cơ sở

13/11/2023

    Hưởng ứng Cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” do Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) phát động, ngày 9/11/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 3025/SGDĐT-GDTrHCTTX gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông thuộc Sở có cấp Trung học cơ sở về việc phổ biến, triển khai Cuộc thi.

    Theo đó, nhằm lan tỏa thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với rác thải nhựa và đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, cũng như căn cứ Công văn số 635A/TTTT-CCBC ngày 16/10/2023 của Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) về việc phối hợp phổ biến, phát động Cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa”; Phối hợp triển khai Công văn số 4083/STNMT-CCBVMT ngày 7/11/2023 của Sở TN&MT tỉnh Gia Lai về việc phối hợp phổ biến, phát động Cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa”, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai triển khai Cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” hướng đến đối tượng tham gia là học sinh cấp Trung học cơ sở (từ 12 đến 15 tuổi). Nội dung và sản phẩm dự thi gồm: Làm Video clip có thời gian từ 03-05 phút, thuyết trình về nội dung tuyên truyền, lan tỏa thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, nói không với rác thải nhựa; Các tiết mục biểu diễn tài năng, các ý tưởng, mô hình với chủ đề trọng điểm về sử dụng hợp lý các sản phẩm thân thiện với môi trường, nói không với rác thải nhựa; Hành động, thông điệp về giảm nhựa trong thời gian tới… Tác phẩm dự thi được trình bày theo format: giới thiệu thông tin chung về tác giả; giới thiệu về ý tưởng, dự án ở phần mở đầu; phần chính là nội dung tham dự, hành trình ý tưởng của tác giả và thông điệp truyền tải; phần kết sẽ là kết quả, đề xuất. Tác phẩm dự thi phải là sản phẩm của tác giả, chưa được trình chiếu, đăng tải trên mạng Internet hoặc bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào; chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào trước đây và không cùng gửi dự thi các giải thưởng khác. Ban Tổ chức cũng khuyến khích thí sinh gửi nhiều tác phẩm dự thi. Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 15/10/2023 đến trước 17h00’, ngày 30/5/2024. Dự kiến thời gian tổ chức Lễ Trao giải vào tháng 8/2024. Để Cuộc thi đạt kết quả cao, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị thông báo rộng rãi đến toàn thể học sinh trong đối tượng tham gia nắm bắt được nội dung thông tin Cuộc thi và khuyến khích học sinh có nhu cầu đăng ký dự thi theo quy định.

Hoạt động thu gom rác thải của Đội xung kích bảo vệ môi trường Trường THCS Lê Lợi

    Kể từ khi được phát minh đến nay, các sản phẩm bằng nhựa và túi ni lông đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, trở thành những vật dụng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Với sự tiện dụng, bền chắc, chịu được các hiện tượng thời tiết và giá thành thấp, nhựa và túi ni lông được sử dụng ở hầu hết mọi nơi, từ các siêu thị, trung tâm thương mại đến các khu chợ buôn bán nhỏ lẻ, hộ gia đình và trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất - dịch vụ. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và ni lông mang lại các tiện ích cho đời sống con người, nhưng nó chính là tác nhân ảnh hưởng lớn đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (cơ quan điều phối các hoạt động môi trường của của Liên hợp quốc - UNEP), một bi kịch mới được hình thành khi vi hạt nhựa trong đại dương nhiều hơn số sao trong vũ trụ đã biết. Trên 1 lít nước tồn tại lên tới 12.000 vi hạt nhựa. Báo cáo được công bố 10 ngày trước khi bắt đầu Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhấn mạnh: Nhựa cũng là một vấn đề khí hậu. Còn theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm tại Việt Nam, có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt. Hàng năm, có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ san hô, hệ động vật đại dương. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn.

    Nhằm góp phần chung tay giải quyết vấn nạn này, nhiều giải pháp ra đời nhằm hướng tới mục tiêu giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Trong đó, hoạt động giáo dục thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi của con người, đặc biệt là các em học sinh đối với rác thải nhựa được xem là giải pháp quan trọng, mang lại hiệu quả bền vững. Nhận thức được điều này, tại Chỉ thị số 13/CT-UBND, ngày 28/10/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa trong các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn cho học sinh, sinh viên; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn; Tổ chức phát động phong trào: Học sinh “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi tìm hiểu trong học sinh về tác hại của việc sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các giải pháp về chống rác thải nhựa; Xây dựng và thí điểm triển khai mô hình trường học không rác thải nhựa, bắt đầu từ việc không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong khuôn viên trường. Thực hiện Chỉ thị, hướng đến một môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần, trong thời gian qua, các thế hệ học sinh tại tỉnh Gia Lai đã có nhiều việc làm, hành động đẹp góp phần lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh.

    Tại Hội thi “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Gia Lai” do Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 3/2020, có chủ đề “Dự án xanh - Trái đất sạch”, những chai nhựa, túi ni lông, thùng sơn, tấm bìa carton cũ... được các em học sinh sáng tạo thành những vật dụng có ích. 14 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo đều có điểm chung là sử dụng những vật liệu rẻ tiền, tưởng chừng không ai dùng đến. Tuy nhiên, với sự sáng tạo và khéo léo, các em đã cho ra đời nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao. Có thể kể đến mô hình góc học tập gồm: lọ hoa, ống đựng bút… làm từ chai nhựa, túi ni lông, tấm xốp của nhóm học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện Phú Thiện); mô hình bản đồ Việt Nam lắp ghép từ những chiếc nắp chai nhựa của em Nguyễn Ngọc Phương Anh (Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Chư Prông); “Thùng rác thân thiện” của nhóm học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku); “Giá để vật dụng cá nhân cho học sinh nội trú” của nhóm học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa hay “Đèn chùm” của nhóm học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (huyện Kbang)…

    Hay đối với học sinh Trường THPT Pleiku, rác thải nhựa chưa phải là thứ bỏ đi, từ những phế phẩm này các em đã tái chế thành những vật dụng, sản phẩm để phục vụ trong đời sống sinh hoạt, học tập hàng ngày. Năm 2021, nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích đoàn viên, thanh niên thực hiện các hành động tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải (3T) thông qua việc thiết kế, sáng tạo những bộ trang phục với vật liệu từ chất thải nhựa, Đoàn trường - Trường THPT Pleiku tổ chức thành công hoạt động ngoại khóa với chủ đề: “Rác thải nhựa - ô nhiễm môi trường”. Tham gia chương trình này có tất cả 42 bộ sản phẩm đến từ 28 lớp thuộc khối 10 và 11 của Trường THPT Pleiku. Sau khi trải qua vòng sơ khảo, những sản phẩm có chất lượng được đi tiếp vào vòng chung khảo, từ đây Ban Tổ chức chọn các sản phẩm xuất sắc nhất để trao giải nhất, nhì, ba cho từng khối. Nguyên liệu để làm đồ dùng và thiết kế, đó là những phế thải nhựa (nhựa đã qua sử dụng như vỏ hộp sữa, vỏ chai nhựa, ly nhựa, vỏ bánh, kẹo, bút bi đã hết mực…). Hội thi là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong trường được giao lưu, học hỏi, tạo điều kiện để các em học sinh phát triển năng lực của cá nhân; góp phần nâng cao ý thức bản thân trong công tác tuyên truyền, vận động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống bền vững...

    Tiếp nối hành trình chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai phát động hưởng ứng Cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa”. Hi vọng với những hành động đẹp, ý nghĩa về bảo vệ môi trường, lan tỏa phong trào “Chống rác thải nhựa” mà các bạn học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn, nâng cao hơn ý thức của cả cộng đồng, cung chung tay, góp sức làm cho môi trường thêm xanh. Mỗi thầy cô giáo và các em học sinh sẽ trở thành một đại sứ môi trường, thực hiện tuyên truyền bảo vệ môi trường đến người thân trong gia đình, bạn bè và xã hội.

Hương Đỗ

 

Ý kiến của bạn