Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Diễn đàn Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường lần thứ VIII - 2024: Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất

27/06/2024

    Ngày 27/6/2024, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT, Báo TN&MT tổ chức Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp (DN) với TN&MT” lần thứ VIII - 2024 với chủ đề “Kinh tế Xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất”. Tham dự Diễn đàn có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT cùng các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chiến lược và tư vấn chính sách, các cơ quan quản lý của một số tỉnh thành trong cả nước và 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, DN thuộc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quan tâm đến phát triển xanh.

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao thành công của Diễn đàn qua mỗi kỳ tổ chức. Theo Thứ trưởng, thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng DN về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều DN đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh; nhiều tập đoàn kinh tế và các DN lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net-Zero. Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng DN vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, trong thời gian tới các DN cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ TN&MTM Lê Công Thành phát biểu khai mạc Diễn đàn

    Từ thực tiễn đó cho thấy, trong thời gian tới chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”; đồng thời, huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, với quan điểm mới, tư duy mới, đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, DN và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội... Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh và đề nghị mỗi đại biểu tham dự Diễn đàn với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình sẽ là đại sứ lan tỏa và truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững; mỗi hoạt động ý nghĩa của quý vị sẽ góp phần quan trọng cho công cuộc quản lý tài nguyên, BVMT và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít các-bon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đây là một khuôn khổ kinh tế lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề BVMT và tài nguyên, từ đó, tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững, ổn định nguồn lao động, duy trì hệ sinh thái, giảm thiểu rủi ro môi trường cũng như sự khan hiếm về tài nguyên. Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ ban hành với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là minh chứng rõ nét nhất cho việc Việt Nam đã quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh làm định hướng cho tương lai đất nước hướng tới các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo, tạo cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Mục tiêu đặt ra là cường độ phát thải trên GDP so với năm 2014 giảm ít nhất 15% đến năm 2030, 30% đến năm 2050; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. 

    Cùng với đó, Luật BVMT năm 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 trách nhiệm: (i) Tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và (ii) Thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55). Theo đó, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái. 

    Với các cam kết mạnh mẽ và hành động của Chính phủ, có thể thấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - giảm phát thải, trung hòa các-bon không chỉ là xu hướng, mà đang dần trở thành con đường tất yếu của các DN, đặc biệt, việc EU áp dụng CBAM thử nghiệm từ ngày 1/10/2023, chính thức áp dụng từ 1/1/2026 đã buộc các DN phải thực hành giảm phát thải các-bon và xây dựng tín chỉ các-bon để tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu. Thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. Nếu so với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15 - 20% và năm 2045 đạt khoảng 25 - 30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Riêng năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…

    Những kết quả trên cho thấy, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại; thúc đẩy để chuyển nhanh sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế tuần hoàn và luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá. Để cuộc Cách mạng xanh thành công, cần phải có sự tham gia của các bên, đó là sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, kiến tạo môi trường thuận lợi của Chính phủ, triển khai quyết liệt ở các địa phương, đặc biệt là vai trò trung tâm trong triển khai thực hiện cũng như hưởng thụ thành quả của cộng đồng DN, người dân, trong đó không thể thiếu lực lượng lớn của các cơ quan thông tấn, báo chí - truyền thông.

Toàn cảnh Diễn đàn

    Nối tiếp thành công của các diễn đàn trước, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - DN với TN&MT” lần thứ VIII - 2024 với Chủ đề “Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất” sẽ tập trung vào các vấn đề về phát triển xanh của DN: trách nhiệm và vướng mắc đang cản trở DN thực hành phát triển bền vững; thảo luận những hành lang cơ chế chính sách để hỗ trợ DN xanh, cũng như vai trò của báo chí truyền thông trong việc đồng hành, tuyên truyền và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế cả về chính sách và hoạt động của các DN. Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra 2 phiên thảo luận, bao gồm: Phiên tham luận Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất với sự tham gia của các diễn giả: PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT; ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam); bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - PROVIETNAM. Tại phiên tham luận các diễn giả đã đưa ra một bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam từ thực tế đến chính sách cũng như vai trò của các DN, nhà sản xuất trong việc xây dựng một nền kinh tế giảm phát thải, phù hợp với luật chơi “biến đổi khí hậu” của toàn cầu.

    Phiên Toạ đàm: “Con đường đến đích xanh” với sự tham gia của các diễn giả: TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT; Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ - Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Báo Chí Phát triển Xanh - Green Media Hub; ông Nguyễn Phước Minh, Trưởng phòng kỹ thuật Nhà máy Ford Việt Nam; ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS)... Tại phiên Toạ đàm này, các diễn giả tập trung thảo luận những tồn tại về chính sách, về điểm yếu của các DN và vai trò của báo chí truyền thông giải pháp trong hành trình đến đích xanh của nền kinh tế, cũng như những giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn đó.

    Đáng chú ý tại Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub thuộc Hội Nhà báo Việt Nam do nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ đã kêu gọi và truyền cảm hứng đến những người làm báo tham gia mạnh mẽ Giải thưởng Báo chí Phát triển xanh lần thứ Nhất (2023 - 2025)... Đây cũng là một hành động thiết thực của giới báo chí, thể hiện sự đồng hành cùng thúc đẩy toàn xã hội với vai trò nòng cốt là các DN, tiến đến đích Xanh của nền kinh tế trong tương lai...    

    Với mục đích kết nối, tạo ra một diễn đàn thường niên để các nhà quản lý, nhà báo, DN cùng chia sẻ thông tin, ý kiến và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường nói riêng và các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn ở các địa phương, DN, trong nhiều năm qua, Diễn đàn Nhà quản lý - Nhà báo - DN đã trở thành kênh thông tin uy tín, tin cậy, hội tụ sự tham gia của các bên liên quan bao gồm cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, địa phương và cộng đồng DN, cùng trao đổi, cập nhật và phản hồi thông tin về các vấn đề kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm của nhà sản xuất theo xu hướng quốc tế, chiến lược và chính sách của Việt Nam.

    Diễn đàn góp phần hỗ trợ các nhà báo trang bị thêm kiến thức, tư duy về lĩnh vực TN&MT trong quá trình tác nghiệp; giúp các DN chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến và là cầu nối giúp nhà quản lý hiểu hơn về thực tế triển khai chính sách về tài nguyên môi trường để có những điều chỉnh kịp thời, đồng thời đưa ra những kiến nghị trong việc xây dựng và ban hành chính sách để quản lý và phát triển ngành TN&MT ngày một hiệu quả và đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ DN phát triển theo hướng “xanh và bền vững”...

Thu Hằng

Ý kiến của bạn