Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2024

10/09/2024

    Ngày 10/9/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam (VBCSD) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) năm 2024 với chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - Kiến tạo chuyển đổi”.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết: Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan, tác động nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài người. Vừa qua, các tỉnh phía Bắc Việt Nam đã chịu những thiệt hại nặng nề từ cơn bão Yagi, đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sự nóng lên của trái đất. Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững, làm chậm quá trình nóng lên của trái đất là mục tiêu quan trọng hàng đầu, đồng thời là mục tiêu chiến lược đối với tất cả doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

    Tại COP 26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ phấn đấu đạt Net Zero 2050. Theo đó, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải. Đồng thời, Đảng, Nhà nước đã cập nhật các chiến lược quốc gia theo hướng tới tăng trưởng xanh, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, bộ ngành, cơ quan từ cấp Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng và ban hành hệ thống các quy định, nghị định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến cắt giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon, phân loại xanh. Giải quyết được bài toán môi trường, biến đổi khí hậu, đảm bảo tương lai bền vững đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Minh Giám đốc điều hành sản xuất - Trưởng dự án Net Zero tại Vinamilk phát biểu tại Hội thảo chuyên đề

    Tại Hội thảo chuyên đề 1, các diễn giả tập trung vào chủ đề “Doanh nghiệp hành động chuyển đổi xanh cho mục tiêu Net Zero”. Theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất. Đại diện Vinamilk, ông Lê Hoàng Minh Giám đốc điều hành sản xuất - Trưởng dự án Net Zero tại Vinamilk cho rằng, để thực hiện mục tiêu trên, kiểm kê khí nhà kính là một trong những hoạt động quan trọng, phác hoạ đầy đủ và rõ ràng nhất bức tranh chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Đồng qua điểm, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững tại Heineken Việt Nam nhấn mạnh, đo đạc - kiểm kê - báo cáo (phát thải khí nhà kính) cần được thực hiện thường xuyên và liên tục, nhằm xác định nguồn gốc của các loại khí nhà kính và phát triển các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

    Tuy nhiên để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh trong sản xuất đòi hỏi nguồn tài chính lớn, cùng với đó là những thách thức về mặt công nghệ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo… khả năng phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp từ khâu sản xuất, bao bì, phân phối và đặc biệt là yêu cầu quản trị nhân lực. Tại Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy quản trị bền vững và tạo tác động xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp”, các tác giả đều đưa ra quan điểm, lợi nhuận về mặt kinh tế không còn là mục tiêu tối thượng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp còn đặc biệt chú trọng tới giá trị xã hội, thực hiện trách nhiệm đối với môi trường.

Các diễn giả chia sẻ về chủ đề “Tối ưu hóa xây dựng chiến lược và thực hành ESG tích hợp trong doanh nghiệp: Góc nhìn từ nguồn vốn con người”

    Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Chiến lược nguồn nhân lực AEON Việt Nam, bên cạnh nguồn vốn, con người đóng vai trò tiên quyết trong việc thực hiện chiến lược phát triển doanh nghiệp. Trong suốt quá trình phát triển của mình, AEON Việt Nam luôn quan tâm đến việc tổ chức các khoá đào tạo cung cấp các kiến thức, kỹ năng cung cấp dịch vụ thực tế; tận dụng và hỗ trợ các nguồn lực để tạo cơ hội cho tất cả nhân viên, phòng ban trong công ty tham gia các khoá đào tạo, nắm bắt kiến thức, tập huấn… Từ đó, nâng cao năng lực trình độ của cán bộ nhân viên, đem tới trải nghiệm mua sắm, sử dụng dịch vụ tối ưu nhất cho khách hàng.

    Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Trà My, CEO tập đoàn PAN cho rằng, chìa khoá thực hiện thành công phát triển bền vững là ý chí và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp. Tại PAN, khi thực hiện chiến lược phát triển bền vững cũng gặp nhiều thách thức như: có rất nhiều công ty thành viên với các quy mô sản xuất khác nhau, chênh lệch về doanh thu và về tuổi đời lãnh đạo. Do đó, để thống nhất hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tập đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, chia sẻ, truyền thông nội bộ từ đó xây dựng văn hoá doanh nghiệp kiên định với các mục tiêu đề ra.

    Quản trị nhân lực không những đem lại những lợi ích thiết thực về mặt kinh tế cho doanh nghiệp mà theo bà Phạm Thị Thuý Vân, Giám đốc nhân sự toàn quốc DKSH Việt Nam, quản trị nhân lực xanh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của tổ chức và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách về môi trường. Tại DKSH Việt Nam, người lao động được “thấm nhuần” về phát triển bền vững từ đó lan toả văn hoá xanh tới gia đình, người thân và tiếp cận, thuyết phục chính khách hàng của mình ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xanh, góp phần BVMT.

Quang cảnh Diễn đàn

    Hướng tới Net Zero, doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu và thực hành áp dụng kết quả vào các hoạt động sản xuất kinh doanh giảm phát thải, BVMT, quan tâm đến quản trị bền vững, tăng cường sự cam kết của các bên tham gia trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp cũng như đầu tư phát triển nguồn vốn con người trong doanh nghiệp, cộng đồng xã hội.

    Tại diễn đàn, các đại biểu đã được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp về các vấn đề cấp thiết cho việc phát triển bền vững như: Chuyển đổi xanh cho ngành sữa Việt Nam; Giảm thiểu dấu chân các-bon từ trong vận hành đến toàn chuỗi giá trị ra ngoài môi trường; Thúc đẩy tái tạo tài nguyên, duy trì giá trị vật chất trong sản xuất; Cập nhật các quy định, chính sách quan trọng về giảm phát thải khí nhà kính trong nước và thế giới nhằm thích ứng biến đổi khí hậu; Xây dựng ngành nông nghiệp phát thải thấp hướng tới mục tiêu Net Zero 2050; giải quyết điểm nghẽn của quá trình chuyển đổi xanh; để mạnh yếu tố đa dạng, bao trùm và tăng cường sự tham gia của mỗi lãnh đạo doanh nghiệp trên hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero…

Phùng Quyên - Nam Việt

Ý kiến của bạn