Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Đẩy mạnh phối hợp quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo

07/08/2024

    Với trên 3.260 km đường bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo. Theo đó, vùng biển Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, bao gồm cả tài nguyên sinh vật, tài nguyên phi sinh vật và tài nguyên vị thế. Nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong xây dựng, thực hiện pháp luật về quản lý tài nguyên và BVMT biển, hải đảo, những năm qua, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam triển khai nhiều nội dung và đạt được những kết quả tích cực.

1. Một số kết quả nổi bật

    Trong năm 2023, hai Bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo; quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo. Trong đó, đã cử các cán bộ có chuyên môn, năng lực phù hợp tham gia Tổ soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng văn bản, góp ý Dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật như: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo; Dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh; góp ý Thông tư hướng dẫn điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do dầu tràn trong vùng biển Việt Nam...

    Đồng thời, hai bên đã phối hợp tổ chức các Đoàn công tác khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện quy định của pháp luật về kiểm soát tài nguyên, BVMT biển và ven bờ khu vực biển các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang. Kết quả kiểm tra, khảo sát và qua báo cáo của các đơn vị cho thấy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang đã thực hiện việc kiểm soát tốt, có phương án ngăn chặn, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật về TN&MT biển, hải đảo trên địa bàn, khu vực quản lý. Theo đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, thực thi pháp luật trên biển, trong đó có hoạt động phòng, chống tội phạm vi phạm môi trường biển. Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã đấu tranh bắt giữ 45 vụ việc/47 phương tiện có hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn vùng biển quản lý. Kết quả: Khởi tố 2 vụ/2 phương tiện bàn giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 43 vụ/ 45 phương tiện nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 4,3 tỷ đồng, tịch thu trên 5,4 triệu lít dầu DO, 3,06 triệu lít xăng A95... Từ tháng 1/2020 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng đã tiến hành điều tra, xử lý 2 vụ/4 phương tiện có hành vi khai thác cát trái phép. Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính trên 400 triệu đồng, tịch thu trên 700m3 cát nhiễm mặn, 4 phương tiện thủy nội địa, phát mại hàng hóa tịch thu sung công quỹ Nhà nước trên 3,8 tỷ đồng.

    Năm 2023 cũng đã xảy ra 31 vụ/43 tàu/218 ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 vụ/2 tàu vận chuyển 21 thiết bị giám sát hành trình tổng số tiền trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã theo dõi, giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm, nhất là hoạt động của tàu cá ta vi phạm Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); phối hợp với các Chi cục thủy sản, Đồn Biên phòng thông báo tình hình tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình; thông báo, cảnh báo các chủ phương tiện về các tàu tắt giám sát hành trình, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu có nguy cơ cao vi phạm và yêu cầu các tàu quay về vùng biển Việt Nam, mở thiết bị giám sát hành trình.

    Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 và 4 thường xuyên duy trì đài canh 24/24 với các tàu thuyền hoạt động trên biển và kết nối thông tin liên lạc với các Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, Cảng vụ hàng hải trong khu vực sẵn sàng hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các lưc lượng trên địa bàn để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra; Tiến hành phát tờ rơi tuyên truyền về công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai cho các tàu thuyền lưu thông trên biển. Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã tiếp nhận và xử lý kịp thời hàng nghìn thông tin tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn 55 vụ, 272 người, 35 phương tiện, vớt được 16 thi thể nạn nhân bị nạn.

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn và Thiếu tướng Lê Đình Cường, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ký kế hoạch phối hợp năm 2024 tại Hà Nội, ngày 2/5/2024

    Hàng tháng, công tác trao đổi thông tin giữa hai bên bằng văn bản được duy trì và thực hiện. Ngoài ra, hai bên thường xuyên liên lạc qua điện thoại, email để kịp thời trao đổi, cung cấp kịp thời các thông tin về các phương tiện, sự cố về tàu có nguy cơ tràn dầu, ảnh hưởng đến môi trường biển. Cụ thể, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cung cấp thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển, hải đảo; danh sách các tàu nghiên cứu khoa học của các tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp phép nghiên cứu và tọa độ các khu vực điều tra khảo sát trên các vùng biển Việt Nam; việc cấp phép cho hoạt động nhận chìm trên biển, giao khu vực biển và các hoạt động trong công tác phát hiện, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển, hải đảo. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp thông tin về tình hình thời sự trên biển, các hoạt động liên quan đến việc thực thi, chấp hành pháp luật trên biển, các hoạt động khai thác thuỷ hải sản trái phép của các tàu cá nước ngoài, hoạt động thăm dò nghiên cứu khoa học của các tàu nước ngoài trên vùng biển Việt Nam; công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên và BVMT trên các vùng biển Việt Nam.

    Bên cạnh đó, hai bên đã tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo, hội thao diễn tập trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ và giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong quá trình thực hiện năm 2023, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng ghi nhận một số kiến nghị của các đơn vị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và 4, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và đã được các Đoàn công tác tiếp thu, báo cáo Lãnh đạo cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện. Hàng năm, Bộ Tư lệnh các Vùng đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày Môi trường Thế giới”, “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”, “Ngày Đại dương Thế giới” như: Tuyên truyền trên hệ thống pano, áp phích, in ấn tờ rơi, qua phát thanh nội bộ. Thực hiện hiệu quả hoạt động “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” “Ngày Vì môi trường Phú Quốc” ra quân xây dựng cảnh quan, môi trường đơn vị “Xanh - Sạch - Đẹp”; phối hợp với các cơ quan đoàn thể trên địa bàn đóng quân tổ chức chương trình “Chung tay làm sạch biển” ra quân thu gom rác thải, thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, nâng cao ý thức BVMT; tích cực tham các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu...

2. Đề xuất nội dung phối hợp hiệu quả trong thời gian tới

    Để thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo trong những năm tiếp theo, hai bên cần chú trọng thực hiện một số nội dung:

    Thứ nhất, Quy chế 8403/QC-BQP-BTNMT được Lãnh đạo Bộ TN&MT và Bộ Quốc phòng ký từ năm 2017, đến nay đã có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nhiều nhiệm vụ mới phát sinh cần bổ sung vào Quy chế. Do đó, cần xem xét, sửa đổi, bổ sung Quy chế 8403/QC-BQP-BTNMT với tình hình mới hiện nay.

    Thứ hai, tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp các tài liệu tuyên truyền liên quan lĩnh vực biển, hải đảo đến lực lượng Cảnh sát biển để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho ngư dân, các thuyền trưởng, chủ phương tiện tham gia hoạt động trên biển về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực kiểm soát tài nguyên và BVMT biển, hải đảo; các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm do các hoạt động của con người gây ra, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo trong cộng đồng ngư dân.

    Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất bổ sung cho các lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển các phương tiện, thiết bị để có thể xác định hành vi vi phạm về kiểm soát tài nguyên, BVMT phù hợp với đặc thù khi thực hiện các nhiệm vụ trên các vùng biển, từ đó phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh của 2 cơ quan.

    Thứ tư, đẩy mạnh tăng cường nghiên cứu khoa học, công nghệ để có đầy đủ cơ sở khoa học về phương pháp, phương tiện, thiết bị chuyên dùng cần thiết để xác định hành vi, mức độ vi phạm của các hành vi phạm các tổ chức, cá nhân trên biển để đảm bảo việc thực thi pháp luật về tài nguyên, môi trường biển được nghiêm minh.

    Thứ năm, bố trí đủ kinh phí cho các đơn vị liên quan đến hoạt động phối hợp giữa hai lực lượng để thực hiện tốt công tác phối hợp, đặc biệt là trong các hoạt động tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ngăn các hành vi vi phạm pháp luật về TN&MT biển, hải đảo.

Lại Đức Ngân

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2024)

Ý kiến của bạn