Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững

11/01/2023

    Ngày 10/1/2023, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo tham vấn nghiên cứu “Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện tại Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế với những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tạo việc làm, thu nhập… Trên thực tế, ở Việt Nam, quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân gắn liền với tư duy phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và quá trình cải cách thể chế kinh tế. Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đánh dấu mốc quan trọng trong nhận thức và chỉ đạo về vấn đề sở hữu và các thành phần kinh tế, ghi nhận sự tồn tại khách quan của các hình thức, khu vực kinh tế, bao gồm khu vực kinh tế tư nhân. Trải qua hơn 35 năm đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết ghi nhận và khẳng định vai trò và vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Trong đó, xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, loại bỏ những định kiến đối với kinh tế tư nhân... Trên cơ sở đó, nhiều chủ thể kinh tế tư nhân, đặc biệt các tập đoàn kinh tế tư nhân đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân lớn về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường. Hơn nữa, trước những bất định mang tính toàn cầu, khả năng thích ứng linh hoạt của nhiều chủ thể kinh tế tư nhân cũng khá hạn chế. Vì vậy, Hội thảo chính là cơ hội để Viện có thể trình bày những nghiên cứu ban đầu và mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ những chuyên gia, nhà nghiên cứu để hoàn thiện nghiên cứu.  

    Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Luyến - Phó Trưởng ban, Ban nghiên cứu cải cách phát triển doanh nghiệp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã báo cáo một số kết quả nghiên cứu đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững, Qua đó, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững được thể hiện ở nhiều khía cạnh như kinh tế phát triển về số lượng chủ thể kinh tế tư nhân, quy mô khu vực kinh tế tư nhân được cải thiện đáng kể, chiếm vị thế áp đảo trong danh sách doanh nghiệp đạt vốn hóa tỷ USD. Trong đó, hiệu quả hoạt động doanh thu thuần tăng với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 14,51%, cao hơn mức chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp (13,84%), giúp đóng góp lớn cho nền kinh tế về GDP, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thu nội địa, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đến thực hiện kế hoạch giảm phát thải, thị trường tài chính suy thoái, việc huy động vốn qua các kênh khó khăn khi xu hướng ứng dụng các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... còn vướng mắc nhiều tồn tại, hạn chế. Do đó, để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy các chủ thể kinh tế tư nhân hình thành và phát triển, TS. Nguyễn Thị Luyến nhấn mạnh vào giải pháp cần phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực đặc biệt là đất đai, đầu tư vốn, nâng cao nhận thức về các cơ hội, thách thức và yêu cầu liên quan nhằm phát triển nhanh và hiệu quả kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là các khía cạnh về “kinh tế" trong mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến phục hồi/ tái tạo tài nguyên thiên nhiên thay vì cắt giảm khí thải, rác thải, tiêu hao nhiên liệu...

    Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra rằng, thể chế phát triển doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như việc cải cách thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại, chưa có sự đột phá mạnh về cơ chế quản lý kinh doanh có điều kiện, vẫn nặng cơ chế tiền kiểm, ít liên thông thủ tục hành chính, ít thủ tục thực hiện chất ở cấp độ 4; việc chuyển đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm chưa thực sự mạnh mẽ, áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mới chỉ được thực hiện mức độ nhất định trong lĩnh vực thuế và hải quan, chưa mở rộng ra các lĩnh vực khác. Cùng với đó, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại dù có nhiều cải thiện nhưng chưa đạt được kỳ vọng của doanh nghiệp, công tác thi hành án dân sự chưa đạt được hiệu quả cao. Do đó, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất tiếp tục tiến hành chương trình cắt giảm các quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh một cách thực chất; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển mạnh quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở hầu hết các lĩnh vực…

    Hội thảo cũng được nghe nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu… về các vấn đề như: Những điểm nhấn cải cách thể chế; cải cách cơ chế thực thi và bộ máy quản lý nhà nước; cải các thể chế tạo nguồn nhân lực tài chính; tháo gỡ điểm nghẽn thể chế; những yêu cầu và kiến nghị cải cách thể chế; kinh nghiệm thực tiễn từ quốc tế và ở các địa phương trong cải cách thể chế nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững trong bối cảnh mới…

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn