Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Công ty Cổ phần Môi trường Miền Đông phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng

31/10/2023

    Là một trong những đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải uy tín nhất tại Bình Phước, Công ty Cổ phần Môi trường Miền Đông (địa chỉ tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), đã đóng góp công sức không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển kinh tế tại địa phương. Với công nghệ xử lý chất thải hiện đại, hiệu suất cao, Công ty đang là đối tác của rất nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh.

 

    Hiện nay, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển nhanh chóng, kéo theo lượng chất thải rắn công nghiệp từ các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Phước ngày càng tăng và thành phần cũng thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng các chất thải rắn khó phân hủy. Theo thống kê lượng chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) và chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh từ các KCN khoảng 56 tấn/ngày. Dự kiến khi các KCN trên địa bàn tỉnh được lấp đầy, lượng CTRCN phát sinh khoảng trên 1.000 tấn/ngày. Trước thực trạng đó, Công ty đầu tư xây dựng Dự án xử lý CTRCN và CTNH là việc làm cần thiết, cấp bách nhằm giảm thiểu các tác động có hại của chất thải tới đời sống của người dân, làm tiền đề cho việc giải quyết triệt để và toàn diện vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh lân cận.

    Dự án Khu xử lý CTRCN và CTNH được xây dựng trên nền diện tích 175.600 m2 với tổng công suất xử lý tối đa của Dự án là 234,65 tấn/ngày. Trong đó, xử lý CTRCN với công suất là 110 tấn/ngày và xử lý CTNH với công suất là 124,65 tấn/ngày.

    Để vận hành và xử lý được khối lượng lớn rác thải, Dự án đầu tư hệ thống 2 lò đốt CTCN, công suất mỗi lò 3.000 kg/h; công suất xử lý 41 tấn/ngày, 2 lò phản xạ công suất mỗi lò 2.000 kg/h tái chế kim loại đồng 32 tấn/ngày và 2 lò đứng công suất mỗi lò 3.000kg/h tái chế kim loại chì 24 tấn/ngày và kim loại kẽm 24 tấn/ngày, 2 lò nung công suất mỗi lò 1000 kg/h; công suất xử lý 28 tấn/ngày. Hệ thống tái chế dầu thải, hệ thống tái chế dung môi thải, hệ thống tái chế nhựa, hệ thống súc rửa thùng phuy, can, bồn; hầm đóng kén CTNH xử lý bóng đèn chứa thủy ngân công suất 200 bóng/h…

    Tuy nhiên, trong thời gian này công ty đang gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào, xử lý CTNH từ ắc quy chì. Với mặt hàng này, tỷ lệ xử lý chất thải bắt buộc là 12%, 88% còn lại trôi nổi trên thị trường và công ty đang phải mua lại theo dạng phế liệu. Đối với chất thải có giá trị thu hồi cao thì công ty cũng trả tiền để mua về tái chế tận thu làm nguyên liệu đầu vào với mức giá cạnh tranh cao. Công ty mong muốn được tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí xử lý và biện pháp để loại bỏ tình trạng các cơ sở tư nhân thu gom, tái chế không có giấy phép đang cạnh tranh giá thu mua làm ảnh hưởng giá nguyên vật liệu tận thu.

    Đại diện UBND xã Lộc Thịnh đã đánh giá rất cao những nỗ lực phát triển vì cộng đồng của Công ty. “Xây dựng Khu xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại” là một Dự án mới, khả thi và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cũng như chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. UBND xã thống nhất với các biện pháp giảm thiểu các tác động môi trường do chủ dự án đề ra và cần phải được chú trọng nhiều hơn đảm bảo nồng độ đầu ra của các chất ô nhiễm đạt các tiểu chuẩn và quy chuẩn do Bộ TN&MT ban hành. Chủ Dự án cần phải thực hiện đúng, đầy đủ và nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường cũng như các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ môi trường đã đề ra trong suốt quá trình thực hiện Dự án.

    Nhận được công văn số 1032/LĐTM-PC của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam về việc góp ý Dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, Công ty Cổ phần Môi trường Miền Đông đã có những tham luận, góp ý như sau: Công ty mong muốn Quỹ Bảo vệ môi trường hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp xử lý khối lượng rác thải nhựa và ắc quy và chủ nguồn thải sẽ phải đóng phí xử lý vào quỹ bảo vệ môi trường để trích chi phí xử lý này cho đơn vị có chức năng xử lý tái chế căn cứ trên số liệu báo cáo với Bộ TN&MT. Hơn nữa, tỉ lệ tái chế chất thải còn lại (nằm ngoài tỉ lệ tái chế bắt buộc) chiếm tỉ lệ lớn và đa phần các chất thải này có giá trị sau tái chế cao nên chủ xử lý còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giá với các đơn vị tái chế không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

 Sơn Tùng

Ý kiến của bạn