Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn

01/08/2022

    Nhật Bản được đánh giá là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xử lý các vấn đề về môi trường. Từ năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chính sách tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn (KTTH), cập nhật lần thứ 2 vào năm 2020. Năm 2000, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục ban hành đạo luật cơ bản về thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất và xây dựng kế hoạch cụ thể để thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất. Vì vậy, kinh nghiệm của Nhật Bản, đặc biệt là mô hình 3R (Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) rất quý báu đối với Việt Nam trong việc xây dựng lộ trình thực hiện KTTH. Ngày 6/7/2022, Bộ TN&MT phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tổng kết “Kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng lộ trình thực hiện KTTH tại Việt Nam”. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam về một số nội dung xoay quanh vấn đề này.

    PV: Ông có thể chia sẻ đôi nét về những kết quả nổi bật cũng như bài học kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển nền KTTH?

    Ông Murooka Naomichi:

    Ngay từ những ngày đầu bắt tay thực hiện, Nhật Bản đã xác định, để phát triển nền KTTH, việc cần làm là giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường, được thực hiện thông qua khâu quản lý rác thải. Do vậy, Nhật Bản đã nỗ lực thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả sử dụng sản phẩm và xử lý phù hợp các sản phẩm đã qua sử dụng - tái chế.

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam

    Điểm đầu tiên là giải pháp cho đầu vào của quá trình sản xuất, bao gồm 3 giải pháp chính: Tăng tỷ lệ sản phẩm tái chế được sử dụng trong các sản phẩm; Tăng hiệu suất năng lượng của chính sản phẩm; Cơ chế Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất. Ở Nhật Bản, cả ba giải pháp này đều được thể chế hóa. Điểm thứ hai là kết quả đạt được trong xử lý phù hợp - tái chế, Nhật Bản đã làm rõ chính sách cơ bản nhằm xây dựng một xã hội tuần hoàn vật chất dựa trên Luật cơ bản về thiết lập xã hội tuần hoàn vật chất. Hiện nay, Luật quy định rõ đối với từng danh mục hàng hóa phải được tái chế phù hợp, gồm 6 danh mục: bao bì đóng gói, đồ điện gia dụng, thực phẩm, rác thải xây dựng, phụ tùng ô tô và đồ gia dụng nhỏ.

    Bên cạnh đó, Nhật Bản không chỉ coi trọng “vật chất tuần hoàn” như đề cập ở trên mà còn rất coi trọng các biện pháp hành chính nhằm xử lý rác thải phù hợp, chúng tôi quy định rõ trong luật về “Hệ thống kê khai” nhằm giám sát quy trình xử lý rác thải, đồng thời, chúng tôi cũng có quy định về ngăn chặn việc xả rác và xử lý rác thải không đúng quy định. Ngoài ra, một vấn đề lớn hiện nay đang được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm là rác thải nhựa. Để giải quyết vấn nạn này, Nhật Bản đề ra các chính sách nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong giảm thiểu sử dụng đồ nhựa, một trong số đó là chính sách tính phí sử dụng túi ni lông tại các cửa hàng, siêu thị. Nếu người mua bị tính tiền trực tiếp cho chi phí này thì họ sẽ quan tâm và ý thức hơn trong việc giảm sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Như vậy, đặc điểm nổi bật trong phát triển xã hội tuần hoàn vật chất trong chuỗi “các quá trình sản xuất, sử dụng và xử lý” của Nhật Bản là việc thể chế hóa những việc có thể làm được và đưa thành luật, các quy định rõ ràng để áp dụng vào thực tế.

    Tuy nhiên, đằng sau những thành tựu đạt được, quá trình phát triển nền KTTH ở Nhật Bản cũng để lại những bài học thực tế. Ở Nhật Bản cũng có rất nhiều vấn đề phát sinh và từ đó buộc phải có các giải pháp để giải quyết từng vấn đề. Các chính sách thúc đẩy tái chế của Nhật Bản xuất phát từ thực tế thiếu bãi chôn lấp rác thải một cách nghiêm trọng. Từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Rio năm 1992, vấn đề môi trường đã được quan tâm nhiều hơn. Tôi nghĩ việc chia sẻ rộng rãi trên phạm vi cả nước những vấn đề, khó khăn, từ đó đưa đến nhu cầu cần xây dựng chính sách, là rất quan trọng.

    PV: Vậy theo ông, để phát triển nền KTTH, cần chú trọng vào yếu tố nào?

    ​Ông Murooka Naomichi: Khi thực hiện chính sách KTTH, Nhật Bản đã phải chuyển sang mô hình kinh doanh mang tính tuần hoàn cao, có sự đánh giá phù hợp từ thị trường và xã hội.

    Trước hết, các ngành kinh doanh có sử dụng và sản xuất nguyên liệu tái chế cần phải triển khai các hình thức liên kết với nhau trong quy trình từ thiết kế thông số kỹ thuật sản phẩm → sản xuất → sử dụng → thải bỏ → tái chế → tận dụng nguyên liệu tái chế. Do đó, ngành sản xuất được coi là các ngành công nghiệp chính cần phải chuyển đổi sang ngành sản xuất sản phẩm mang tính tuần hoàn từ khâu thiết kế đến tái chế, đồng thời, ngành tái chế được coi là ngành bổ trợ sẽ tiến hành thu mua các sản phẩm khác nhau đã qua sử dụng trên diện rộng, nhằm thúc đẩy tận dụng, sản xuất ra nguồn nguyên liệu tái chế chất lượng cao từ sản phẩm tái chế đã thu mua.

Hội thảo tổng kết kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng

lộ trình thực hiện KTTH tại Việt Nam, tổ chức ngày 6/7/2022 tại Hà Nội

    Ngoài ra, các nhà đầu tư cần đánh giá một cách phù hợp giá trị doanh nghiệp không có lợi nhuận ngắn hạn, đóng vai trò thúc đẩy phát triển tái chế lành mạnh cho nền KTTH thông qua đầu tư có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, người tiêu dùng, là một phần trong hệ thống KTTH, cần phải có những hành động cụ thể, thay đổi lối sống cũng như hành vi tiêu dùng như chủ động mua sản phẩm ít gây ảnh hưởng đến môi trường, giảm lượng rác thải… Do đó, các ngành kinh doanh và người tiêu dùng cần đối thoại với nhau để thực thi pháp luật, chính sách cần thiết cho phát triển KTTH.

    PV: Đối với Việt Nam, đâu là động lực để phát triển KTTH, cơ hội, thách thức cũng như giải pháp đề ra là gì, nhằm chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính sang KTTH và thiết lập một xã hội bền vững?

    Ông Murooka Naomichi: Phát triển KTTH sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, tránh lãng phí tài nguyên, vừa tối đa hóa giá trị cung cấp cho người sử dụng sản phẩm, vừa tăng cường tỷ suất sử dụng (tăng doanh thu bán hàng), đồng thời tái chế hiệu quả các sản phẩm đã qua sử dụng (giảm chi phí), Việt Nam có thể xây dựng một xã hội mà trong đó nguyên liệu đầu vào giảm và lợi nhuận gộp tăng.

    Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam hiện nay là phải xây dựng một hệ thống xã hội có thể tái sử dụng, tái chế hiệu quả các sản phẩm đã qua sử dụng đang bị thải bỏ. Chúng ta không thể chuyển đổi sang mô hình KTTH nếu Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng hành động riêng rẽ. Do vậy, đã đến lúc Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác để thiết lập nền tảng pháp lý để tất cả các bên có thể gặp gỡ, hợp tác, trao đổi thông tin, thông qua đó xây dựng cơ chế thực hiện hợp lý trong chuỗi quy trình từ thiết kế thông số kỹ thuật sản phẩm → sản xuất → sử dụng → thải bỏ → tái chế → tận dụng nguyên liệu tái chế. Việc xây dựng cơ chế này là không dễ dàng, vì vậy, Việt Nam cần thực hiện từng bước một để có thể phát triển nền KTTH. Đồng thời, định hướng chính sách vững chắc, nhằm triển khai hiệu quả các mô hình KTTH. Trong bối cảnh này, kết quả khảo sát của JICA về nền KTTH tại Việt Nam được thực hiện từ tháng 1/2022 không chỉ hỗ trợ Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) phát triển khung Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH mà còn cung cấp cái nhìn tổng thể về hệ thống lập pháp cũng như các hoạt động về KTTH đang diễn ra tại Việt Nam; giúp xác định những bất cập còn tồn đọng, từ đó xây dựng các dự án hợp tác kỹ thuật trong tương lai giữa JICA và Bộ TN&MT.

    PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

    Tại Nhật Bản, ý tưởng về hệ thống KTTH đã có từ năm 1999 để giải quyết những vấn đề thách thức của môi trường và tài nguyên đối với sự phát triển bền vững của Nhật Bản trong thế kỷ 21 như hạn chế các bãi chôn lấp, giảm nguy cơ cạn kiệt tài nguyên khoáng sản trong tương lai, các vấn đề môi trường toàn cầu, hóa chất độc hại... Nhật Bản đã tối đa hóa tài nguyên, hiệu quả năng lượng (giảm thiểu đầu vào của tài nguyên và phát thải chất thải), tăng cường quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và Chính phủ (tối đa hóa lợi ích cho toàn xã hội), thiết lập hệ thống công nghệ công nghiệp mới (hệ thống công nghệ định hướng tái chế), thúc đẩy các ngành liên quan đến môi trường (phát triển các loại hình công nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp).

      Tại Việt Nam, vấn đề KTTH đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Luật BVMT cũng đã thể chế hóa, đưa 1 điều riêng về KTTH và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định cụ thể về việc thực hiện nền KTTH, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH. 

Bùi Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2022)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn