Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Chương trình “Sống khỏe góp xanh” trồng cây bản địa tại Vườn Quốc gia Núi Chúa

06/04/2023

    Nằm trên địa bàn huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), Vườn Quốc gia Núi Chúa là nơi hội tụ đủ các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình hình thành nên hệ sinh thái khô hạn đặc trưng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả vùng Đông Nam Á.

    Được vinh dự nhận danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 14.4.2022, Vườn Quốc gia Núi Chú có tổng diện tích hơn 106.000 ha, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây là nơi sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm. Khu dự trữ sinh quyển này là “ngôi nhà chung” của hơn 1.511 loài thực vật, trong đó 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN); 765 loài động vật, trong đó 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.

    Về hệ san hô trù phú với khoảng 350 loài, trong đó có tới 46 loài san hô là phân loài mới nhất ở Việt Nam và 307 loài san hô cứng tạo rạn. Hệ rong biển có tới 188 loài, với số lượng rất đa dạng là Rong đỏ. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi có rùa biển lên đất liền sinh sản như Rùa xanh, Vích, đồi mồi, Rùa đầu to, Rùa da.

    Về hệ động vật, Núi Chúa đã được ghi nhận 330 loài có xương sống trên cạn, 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát lưỡng cư, trong có 64 loài quý hiếm được cảnh báo bảo tồn. Bao gồm 2 loài đặc hữu Đông Dương là Chà và chân đen và Gà tiền mặt đỏ, 1 loại đặc hữu Việt Nam là ếch cây Trung bộ, cùng một số loài được bảo tồn như: Gấu ngựa, Gấu chó, Beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, Sơn dương, nai…

    Về hệ thực vật, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã được ghi nhận 1.532 loài vật có bậc cao có mạch, thuộc 5 ngành. Trong đó, có 1.237 loài Ngọc lan chiếm 96.64% trên tổng số, tiếp theo đó đến loại Dương xỉ với 25 loài, ngành Thông với 12 loài và có rất nhiều loài thực vật khác bao gồm 62 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới.

    Nhằm tái tạo và bảo tồn hệ sinh thái địa phương, đồng thời đóng góp vào nỗ lực phòng ngừa biến đổi khí hậu toàn cầu, Công ty Panasonic Việt Nam và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa tổ chức trồng 12.000 cây Thanh Thất trong khuôn khổ Chương trình “Sống khỏe, góp xanh” của Panasonic.

    Cây Thanh thất là loài cây bản địa, có đặc tính ưa sáng, sinh trưởng nhanh, chịu hạn tốt. Ở Việt Nam, cây Thanh thất mọc rải rác trong rừng thứ sinh ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, phân bố ở độ cao từ 60-1.500 m so với mực nước biển. Phù hợp lượng mưa trung bình năm 1.920 mm. Thích hợp với đất pha cát, thoát nước tốt. Đây là loài cây gỗ lớn, cao 30 m, đường kính khoảng 1,2 m, thân tròn thẳng, phân cành cao, vỏ xám nâu, có mùi hắc, lá rụng có màu đỏ. Quả kín có cánh, dài 5,5 cm, rụng lá vào mùa khô.

    Đối với khu vực trồng rừng tại Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với thời tiết nóng, khô hạn quanh năm, đất nghèo chất dinh dưỡng, xói mòn mạnh, tầng đất mặt mỏng, tỷ lệ đá lẫn cao thì việc trồng cây thanh thất sẽ góp phần tăng độ che phủ rừng,tạo mạch nước ngầm, cải thiện khí hậu, đồng thời tạo điều kiện cho người dân có thể chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, mở ra hướng mới trong việc lựa chọn loài cây triển vọng cho việc phục hồi rừng tại các vùng đồi núi ven biển.

    Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” được Panasonic Việt Nam và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp triển khai thực hiện trong năm 2022- 2023. Chương trình hướng đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc trồng hàng trăm nghìn cây xanh trên quy mô toàn quốc, tập trung vào các Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với các loại cây được lựa chọn với tiêu chí tối ưu hóa hấp thụ lượng CO2, góp phần phủ xanh các khu vực đồi núi trọc, bảo tồn hệ sinh thái địa phương. Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh khỏe mạnh”, chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng và lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 cùng với việc tham gia nhiều sáng kiến, thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hương Mai

Ý kiến của bạn