Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cho các huyện đảo

19/09/2023

    Ngày 14/9/2023, tại tại TP. Đà Nẵng, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cho các huyện đảo”.

Quang cảnh Hội thảo

    Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cho các huyện đảo” là một hoạt động nhằm triển khai Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được Bộ TN&MT giao cho Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì thực hiện. Dự án được thực hiện với mục tiêu góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua các hợp phần quan trọng liên quan đến chính sách, truyền thông, mô hình đô thị giảm nhựa và bảo tồn các khu vực đảo và huyện đảo. Dự án đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng tại 3 huyện đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm. Qua hơn 2 năm thực hiện, bước đầu ghi nhận một số kết quả tích cực tại các địa bàn.

    Tại Hội thảo, đại diện 3 khu bảo tồn biển đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý để có thể hạn chế rác thải nhựa trên đảo, xung quanh đảo; trong đó ý kiến thống nhất là cần phải có quyết tâm chính trị, sự đồng thuận của người dân và có nguồn lực cần thiết để xử lý rác thải, chất thải. Đồng thời, các huyện đảo cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp cơ bản về chính sách, nguồn lực, cách thức truyền thông và các biện pháp xử lý rác thải nhựa nói riêng và chất thải rắn nói chung tại các huyện đảo.

    Đến với Hội thảo lần này, có một huyện đảo không trong Dự án nhưng cũng đã thực hiện triển khai huyện đảo không rác thải nhựa, đó là huyện đảo Cô Tô. Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quang Ngạn chia sẻ, Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, lấy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị làm nòng cốt trong tuyên truyền để nhân dân biết tác hại của rác thải nhựa, gắn với lợi ích của người dân với du lịch (nghề cho họ thu nhập), từng bước thay đổi hành vi, thói quen trong việc xả thải rác nhựa ra môi trường; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Qua việc thực hiện các giải pháp để Cô Tô không rác thải nhựa, ông Đặng Quang Ngạn cũng kêu gọi các huyện đảo hãy cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, cùng có tiếng nói chung đề xuất với nhà nước quan tâm hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ môi trường biển, đảo, bảo tồn biển và phát triển đi lên từ biển, đồng thời thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương để cùng nhau áp dụng.

Vũ Hồng

 

Ý kiến của bạn