Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Chia sẻ kết quả Nghiên cứu thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Lựa chọn chính sách

06/11/2024

    Ngày 6/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNRCO) và Ủy ban kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Lựa chọn chính sách”. Mục đích của Hội thảo nhằm cung cấp cho các đại biểu về tình hình, thách thức, cơ hội liên quan đến việc tài trợ cho những ưu tiên phát triển quốc gia cũng như các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở khu vực và tại Việt Nam; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất liên quan đến việc đẩy nhanh tài trợ cho SDGs ở khu vực và tại Việt Nam; đề xuất một số biện pháp chính sách khả thi, sáng kiến và thực tiễn có thể mở rộng quy mô tài trợ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi SDGs ở Việt Nam dựa trên những phát hiện, khuyến nghị từ Nghiên cứu. Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Pauline Tamesis, Điều phối viên UNRCO tại Việt Nam; TS. Vatcharin Sirimaneetham, Trưởng phòng Chính sách và phân tích kinh tế vĩ mô ESCAP cùng hơn 80 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Liên hợp quốc, đối tác phát triển, tổ chức tài chính quốc tế (IFI), tổ chức nghiên cứu và khu vực tư nhân.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và giúp hàng triệu hộ dân thoát nghèo. Dựa trên thành tựu đạt được, Việt Nam quyết tâm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện SDGs, tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện tất cả SDG để đảm bảo tiến độ đến năm 2030. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng như hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển, bao gồm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết rủi ro khí hậu. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển và vượt qua thách thức, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều gói chính sách khác nhau, đồng thời lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực phát triển quan trọng; hỗ trợ Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách phù hợp, đánh giá rõ tác động của các chương trình đầu tư thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và những ưu tiên quốc gia khác, chẳng hạn như đầu tư vào năng lượng tái tạo đối với hoạt động kinh tế và các chỉ số kinh tế, xã hội, môi trường như tỷ lệ hộ nghèo, lượng phát thải CO2... Trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNESCAP và UNRCO thực hiện Nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Các lựa chọn chính sách” với 3 nhóm kịch bản chính sách: (i) Hướng tới một nền kinh tế xanh hơn; (ii) Giảm nghèo, bất bình đẳng và an sinh xã hội; (iii) Tăng trưởng dựa trên đầu tư hạ tầng chuyển đổi số. Mục tiêu của Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của các kịch bản chính sách đã lựa chọn đến kết quả kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tính bền vững của nợ công, đồng thời tiếp tục lồng ghép khía cạnh phát triển bền vững vào mô hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Quá trình lựa chọn kịch bản mô hình được thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia trong nước, ưu tiên những gói chính sách phù hợp nhất với những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia và hiện thực hóa Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững nói chung.

Toàn cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã lắng nghe tham luận: Thông tin chuyên sâu khu vực về tài trợ cho SDGs từ phân tích tăng cường tính bền vững nợ công của ESCAP; các phát hiện và khuyến nghị từ Nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Lựa chọn chính sách”... Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Nghiên cứu đã đạt được nhiều kết quả khả quan, cụ thể:

    Về Kịch bản chính sách và kết quả mô phỏng: Kết quả lập mô hình cho thấy, đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải các-bon dioxide, cải thiện chất lượng không khí và tăng trưởng kinh tế. Nếu giả định Chính phủ sẽ tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, ước tính khoảng 13,5 tỷ USD/năm (từ năm 2021 – 2030) và 23 tỷ USD/năm (từ năm 2031 - 2050) theo Quyết định số 500/QĐ-TTg, tỷ trọng năng lượng tái tạo dự kiến tăng đáng kể. Đặc biệt, giai đoạn sau năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 60% cơ cấu năng lượng và phát thải các-bon dioxide sẽ giảm 53% so với mức cơ sở vào năm 2050. Bên cạnh đó, GDP sẽ tăng thêm 3 - 4% so với kịch bản cơ sở trong những năm đầu tư đầu tiên, sau đó giảm về mức tăng trưởng dương cao hơn khoảng 2% GDP so với mức cơ sở đến năm 2030. Sau năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tăng trở lại, trung bình khoảng 3,5% nhờ các khoản đầu tư mới, với quy mô lớn hơn trong giai đoạn từ năm 2030 - 2050. Tuy nhiên, nếu khoản đầu tư quy mô lớn này chủ yếu đến từ Chính phủ thì có thể khiến nợ công tăng đột biến.

    Mô hình cũng cho thấy, thuế các-bon có thể là công cụ hiệu quả để khử các-bon, giảm phát thải và cải thiện dư địa tài khóa mà chỉ tạo ra ít tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Với giả định tăng thuế các-bon từ 25 USD/tCO2e vào năm 2023 lên 90 USD/tCO2e vào năm 2040, theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, đồng thời loại bỏ hoàn toàn trợ cấp các-bon từ năm 2023 trở đi, lượng phát thải các-bon dioxide dự kiến sẽ giảm đáng kể, khoảng 10% so với mức cơ sở vào năm 2030 và 20% vào năm 2050, từ đó giúp cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe, góp phần làm tăng trưởng năng suất tổng thể. Doanh thu từ thuế các-bon và khoản tiết kiệm nhờ loại bỏ cơ chế trợ cấp các-bon sẽ giúp tăng đáng kể dư địa tài khóa, giảm nợ chính phủ từ mức cơ sở là 60% GDP xuống 38,8% vào năm 2030, tỷ lệ nợ sẽ tiếp tục giảm trong dài hạn, tuy nhiên, chính sách có thể tác động tiêu cực đến GDP, vốn sẽ giảm nhẹ ở mức 1% trong dài hạn. Kết quả mô phỏng cho thấy, chính sách thuế các-bon có thể là công cụ quan trọng để giảm phát thải, cải thiện chất lượng không khí và dư địa tài khóa, tuy nhiên, vẫn cần xem xét tác động dù nhỏ nhưng tiêu cực đến nền kinh tế.

    Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, y tế, an sinh xã hội và giáo dục như trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia có thể mang lại tác động tích cực, đáng kể cho công tác giảm nghèo và sản lượng kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện Chương trình 2021 - 2025. Giả sử khoản đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia được giải ngân hiệu quả, sản lượng kinh tế có thể tăng thêm 2% so với kịch bản cơ sở trong giai đoạn thực hiện Chương trình 2021 - 2025. Từ năm 2025 trở đi, tác động tăng trưởng sẽ giảm, chỉ cao hơn khoảng 0,8% so với mức cơ sở. Do phần lớn đầu tư sẽ dành cho an sinh xã hội nên có thể giảm đáng kể tình trạng nghèo đói. Tác động đến dư địa tài khóa là không đáng kể, vì chỉ 15,22% tổng gói chi tiêu được tài trợ bởi ngân sách Nhà nước. Đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thông tin và truyền thông chiếm khoảng 2% GDP, có khả năng tạo ra tác động tích cực đến sản lượng kinh tế trong dài hạn. Dự kiến tác động tăng trưởng tích cực sẽ tăng dần từ mức cơ sở vào năm 2020 và đạt khoảng 0,7% so với mức cơ sở từ năm 2025 trở đi. Do quy mô của gói đầu tư dự kiến không quá lớn nên sẽ không có nhiều tác động đến các chỉ số xã hội và môi trường như nghèo đói, bất bình đẳng và lượng phát thải các-bon. Đáng chú ý, vì phần lớn gói đầu tư dự kiến đến từ khu vực tư nhân nên nợ công sẽ giảm xuống thấp hơn mức cơ sở.

    Tác động của chính sách: Khi xem xét các khoản đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và mục tiêu phát thải ròng bằng 0, kết quả mô phỏng chỉ ra một số tác động của chính sách đối với Việt Nam. Đầu tiên, kết quả lập mô hình nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài khóa toàn diện trong việc hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nội dung quan trọng nhất là duy trì chi tiêu công hợp lý cho ba lĩnh vực phát triển chính: Y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Việc cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng các dịch vụ công nói trên sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và những vùng thường xuyên bị thiên tai, từ đó thúc đẩy bình đẳng kinh tế - xã hội trong dài hạn.

    Thứ hai, nghiên cứu chứng minh những lợi ích về môi trường khi đầu tư vào các lĩnh vực chuyển đổi quan trọng, chẳng hạn như năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, đồng thời nêu rõ tác động tăng trưởng kinh tế của việc cải thiện sức khỏe người dân và tăng năng suất lao động.

    Thứ ba, các kết quả mô phỏng xác định rõ sự đánh đổi trong các lựa chọn chính sách và minh họa những tác động khác nhau theo quy mô, thành phần và tốc độ đầu tư. Ví dụ, xét cùng một khoản đầu tư, so với đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội thì đầu tư vào giáo dục sẽ tạo ra những lợi ích lâu dài về việc làm, vốn đầu tư và giảm nghèo, nhưng lại tạo ra ít yếu tố kích thích ngắn hạn đối với tiêu dùng hộ gia đình. Tuy nhiên, đầu tư vào an sinh xã hội lại dẫn đến lượng phát thải các-bon cao hơn so với đầu tư vào cơ sở hạ tầng nâng cao hiệu quả năng lượng, do sản lượng kinh tế tăng mà lượng phát thải trên mỗi đơn vị sản xuất không đổi. Hơn nữa, áp dụng thuế các-bon sẽ mang lại lợi ích cho môi trường nhưng lại tạo ra áp lực lạm phát ngắn hạn, gây ảnh hưởng đặc biệt đến ngườinghèo và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực, Chính phủ phải sử dụng hiệu quả nguồn thu bổ sung từ thuế các-bon để bù đắp một số chi phí ngắn hạn cho người dân.

    Thứ tư, cần đảm bảo hiệu quả trong chi tiêu công. Như đã nhấn mạnh trong báo cáo, các lợi ích minh họa về kinh tế xã hội và môi trường đều dựa trên giả định giải ngân ngân sách kịp thời và thực hiện dự án hiệu quả. Để đạt được điều này, Chính phủ Việt Nam có thể ứng dụng các công nghệ số để cải thiện công tác quản lý, giám sát và đánh giá dự án.

    Thứ năm, ngoài chính sách về nguồn thu và chi tiêu tài khóa, cần cân bằng giữa quản lý hiệu quả nợ công và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn. Phương thức đầu tư cho những chính sách ưu tiên sẽ tác động trực tiếp đến nợ Chính phủ. Kịch bản 1.1.1 và 1.1.2 so sánh tác động của cùng một khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo đối với quỹ đạo nợ công khi được Chính phủ tài trợ hoàn toàn và khi được khu vực tư nhân tài trợ một phần. Trường hợp đầu tư tư nhân chiếm 30% tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo, tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ tăng 28,8%, tỷ lệ này khi không có đầu tư tư nhân là 43,8%.

    Về khuyến nghị chính sách và lộ trình tiếp theo, để đáp ứng nhu cầu tài khóa, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh sử dụng các nguồn tài chính công chưa được khai thác, giảm chi phí vay và huy động vốn tư nhân, trong đó, có thể thực hiện một số chiến lược để tăng nguồn thu thuế một cách hiệu quả. Khi áp dụng thuế các-bon, cần lập kế hoạch kỹ lưỡng, xem xét những tác động tiêu cực tiềm ẩn và thực hiện các biện pháp giảm thiểu hiệu quả. Bên cạnh đó, khai thác các cơ chế tài chính phi truyền thống từ trái phiếu Chính phủ, đặc biệt là trái phiếu bền vững, để bổ trợ cho các khoản vay tài khóa truyền thống và thu hẹp khoảng trống về nguồn tài chính nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua phát hành trái phiếu bền vững, Chính phủ có thể thu hút nhóm nhà đầu tư mới ưu tiên các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để tăng nguồn tài trợ. Đồng thời, giảm chi phí vay của Chính phủ bằng cách tập trung phát triển thị trường vốn và chuyển tiết kiệm trong nước thành trái phiếu Chính phủ thông qua một số biện pháp chiến lược; tăng cường quản lý nợ công để giảm gánh nặng nợ, tăng đầu tư vào các ưu tiên phát triển dài hạn...

Gia Linh

Ý kiến của bạn