23/04/2025
Ngày 14/4/2025, tại Hà Nội, VietCycle tổ chức buổi Lễ tổng kết Dự án “Tiếp sức Chiến binh xanh”. Dự án được thực hiện với sự đồng hành của Chương trình Hành động toàn cầu về Nhựa (GPAP) với mục đích nâng cao kỹ năng làm việc, sự tự tin về nghề cho khối lao động phi chính thức - những Chiến binh xanh. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc VietCycle về kết quả Dự án mang lại cho cộng đồng và kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc VietCycle phát biểu tổng kết Dự án
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả Dự án mang lại đối với các chiến binh xanh?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Dự án “Tiếp sức Chiến binh xanh” do VietCycle với sự đồng hành của Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP) là một Dự án hết sức ý nghĩa. Bởi lẽ, những người thu gom phi chính thức - hay những Chiến binh xanh họ gần như không có cơ hội được tập huấn về những kỹ năng cần thiết, đặc biệt là phòng cháy, chữa cháy. Đối với họ, những kỹ năng về an toàn lao động, quản lý tài chính và phân loại rác thải nhựa là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, với đặc điểm phi chính thức, họ không được quan tâm và đào tạo. Do đó, Dự án này là cơ hội hiếm có để giúp họ nâng cao năng lực và cải thiện chất lượng công việc cũng như cuộc sống.
Toàn thể các biểu khách mời tham dự Tổng kết Dự án“Tiếp Sức Chiến Binh Xanh”
Qua Dự án này, chúng tôi đã tập huấn cho hơn 200 Chiến binh xanh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về các chủ đề: An toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, bình đẳng giới, kỹ năng phân loại nhựa và quản lý tài chính. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức một cuộc thi kết hợp Triển lãm tại Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội mang tên “Đồng nát ve chai và tương lai rác nhựa”. Cuộc thi đã thu hút hang chục sinh viên Việt Nam và du học sinh nước ngoài đóng góp những tác phẩm hội họa sáng tạo.
Trong thời gian thực hiện Dự án, chúng tôi thấy được nhiều sự thay đổi tích cực ở những Chiến binh xanh. Thứ nhất, họ đã có thêm kiến thức, kỹ năng và áp dụng được những gì mình được học vào công việc. Không chỉ thế, họ còn chia sẻ kiến thức đã học cho những người thu gom không có cơ hội tham gia, đây là một hiệu ứng tuyệt vời mà Dự án mang lại. Thứ hai, chúng tôi ghi nhận ngày càng nhiều Chiến binh xanh sẵn sàng lên tiếng và tự tin nói về nghề của mình. Có rất nhiều người nói với chúng tôi rằng, ngày xưa họ không dám nói mình làm ve chai đồng nát, họ sợ bị người ta kỳ thị, định kiến nhưng bây giờ họ đã tự tin nói rằng, mình thu gom rác thải, mình là một Chiến binh xanh!
PV: Hiện nay, Chính phủ đã ban hành và dự thảo nhiều chính sách nhằm gắn quyền lợi và trách nhiệm của nhà sản xuất với môi trường, trong đó có chia sẻ trách nhiệm với đội ngũ thu gom phi chính thức. Ông kỳ vọng gì khi các chính sách đi vào cuộc sống? người lao động trong lĩnh vực thu gom, tái chế sẽ hưởng những lợi ích gì từ chính sách này của nhà nước?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Chúng tôi rất hy vọng có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho đội ngũ thu gom chi phính thức. Nếu có những chính sách hỗ trợ hợp lý, họ sẽ có thêm rất nhiều động lực làm nghề. Cụ thể, như là những hỗ trợ về tài chính, bởi lẽ họ vẫn đang trang trải dựa trên những thu nhập ít ỏi từ mua bán phế liệu. Tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho họ. Qua đó họ cũng sẽ thu gom được nhiều hơn và thu gom được những loại nhựa chất lượng hơn để tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, khi được Nhà nước quan tâm và có những chính sách hỗ trợ riêng như thế thì họ cũng sẽ cảm thấy bản thân có vị trí trong xã hội. Đặc biệt, họ hiểu hơn giá trị mà mình đang mang lại cho môi trường, cho nền kinh tế tuần hoàn. Từ đó họ cũng nỗ lực hơn để thu gom được nhiều hơn, chất lượng hơn.
Tọa đàm - Triển lãm Sáng tạo “Đồng nát Ve chai và tương lai rác nhựa” tại Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội
PV: Sau khi Dự án kết thúc, thời gian tới ông có kế hoạch gì để tiếp nối hoạt động đối với đội ngũ các chiến binh xanh?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Sau thành công của Dự án, VietCycle sẽ tiếp tục với sứ mệnh Vì Việt Nam văn minh với rác của chúng tôi. Với đội ngũ Chiến binh xanh, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ bảo hộ lao động và quà tặng. Hàng tháng, chúng tôi duy trì tặng cho họ những nhu yếu phẩm cơ bản, những sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc nhà cửa. Hiện tại chúng tôi cũng đang triển khai Dự án hỗ trợ bảo hiểm y tế và xe đạp cho các Chiến binh xanh có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cho rằng, bảo hiểm y tế là rất quan trọng đối với họ. Đa số những người thu gom là phụ nữ, người lớn tuổi và thường xuyên phải ra vào viện khám chữa bệnh.
PV: Nhân dịp này, ông có kiến nghị với các cơ quan chức năng để hoạt động của lực lượng lao động phi chính thức có việc làm ổn định, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế tuần hoàn?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Với VietCycle, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có sự ghi nhận đúng đắn với vai trò của những người thu gom tự do. Qua đó, có thêm hỗ trợ và tạo điều kiện cho công việc hằng ngày của họ. Bên cạnh đó, cũng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu gom, tái chế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhận được các khoản đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn. Đó cũng là những động lực để chúng tôi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các Chiến binh xanh.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn và đang có định hướng xây dựng Hợp tác xã cho những người thu gom phi chính thức. Đây sẽ là tiền đề để những người lao động phi chính thức từng bước chuyên nghiệp hơn, trở thành lực lượng chính thức với những quyền lợi phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.
Phạm Đình (Thực hiện)