Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Các khu công nghiệp tăng cường tái chế rác thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

25/09/2023

    Những năm gần đây, công tác BVMT tại các khu công nghiệp (KCN) trên phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thẩm định, thiết kế, xây dựng và quản lý, vận hành các KCN tuân thủ theo các quy định của Luật BVMT, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư. Trong thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải theo các quy định của Luật BVMT năm 2020, các KCN được đánh giá có nhiều lợi thế để đi tiên phong.

    Tại các KCN, rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại được yêu cầu bắt buộc phải thu gom, xử lý đặc biệt theo quy định, hướng dẫn quản lý cụ thể và hợp đồng với đơn vị chuyên môn xử lý. Trong công đoạn này, tỷ lệ rác thải được tái chế chiếm khoảng 65 - 70%, do có nhiệt trị cao, độ ẩm thấp nên nguồn rác này dễ dàng đáp ứng công nghệ đốt rác chuyển hóa thành năng lượng. Nhiều thành phần trong rác cũng có thể tái chế được như giấy, da, vải, bao bì... Lượng rác còn lại sẽ đưa vào bãi chôn lấp. Thực tế, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong KCN đơn giản hơn so với rác thải sinh hoạt tại đô thị. Các doanh nghiệp (DN) trong KCN phải ký hợp đồng với DN môi trường thu gom, xử lý rác thải. Dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, DN rất có ý thức giảm khối lượng rác thải không thể tái chế, tái sử dụng.

    Để điều chỉnh hoạt động của các DN thành viên nhằm tuân thủ quy định của Luật BVMT năm 2020, Hiệp hội Môi trường đô thị và Ban Quản lý các KCN đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị phổ biến nội dung của Luật và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật, đặc biệt là nội dung liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn tại khu đô thị, điểm dân cư đô thị, điểm dân cư nông thôn, KCN. Hiệp hội Môi trường đô thị cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động DN, các KCN tăng cường tái chế rác thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Bên cạnh đó, phối hợp với Hiệp hội tái chế rác thải nâng cao hiệu quả công tác tái chế, nhất là trong bối cảnh đến cuối năm 2024 sẽ thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Theo đó, công tác xử lý, tái chế rác sẽ phải thực hiện hoạt động rõ ràng, cụ thể, tức là thành phần rác thải có thể tái chế, tái sử dụng phải được các xí nghiệp công nghiệp hoặc DN vệ sinh môi trường tiếp nhận, xử lý, tái chế để đảm bảo hiệu quả cao.

    Theo đại diện Hiệp hội Môi trường đô thị, trong những nằm gần đây, nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp đang dần hội nhập vào ngành công nghiệp thế giới. Để hội nhập sâu rộng hơn nữa nhằm bắt kịp các nước đã phát triển thì các doanh nghiệp nước ta phải vượt qua được những quy định khắt khe của các hiệp định thương mại liên quan tới BVMT, chống biến đổi khí hậu, các tiêu chuẩn phát thải và tuần hoàn chất thải. Do vậy, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là bắt buộc.

    Mặc dù Luật BVMT 2020 đã có quy định rõ ràng về trách nhiệm của DN trong công tác tái chế rác thải phát sinh từ hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể về công nghệ tái chế, chi phí tái chế, chi phí liên quan tái chế, tái sử dụng... Mặt khác, rác thải được coi là một nguồn tài nguyên vô giá, do vậy, khi DN thực hiện tái chế thì ngoài những quy định về trách nhiệm mang tính bắt buộc, Nhà nước và Bộ TN&MT cần nghiên cứu, tư vấn Chính phủ ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng rác thải. Cùng với đó là chính sách ưu đãi về thuế, về xử lý các thành phần rác thải được tái chế để khuyến khích DN áp dụng kinh tế tuần hoàn, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người dân về trách nhiệm của họ đối với sản phẩm, về việc phân loại và tái chế rác thải, coi rác thải là nguồn nguyên liệu thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới…

An Bình

Ý kiến của bạn