Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Bình Thuận: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý khoáng sản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

09/06/2022

    Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành tới cán bộ, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tỉnh Bình Thuận đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền Luật đi vào đời sống. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Thái - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận về việc triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

PV: Xin ông cho biết, để Luật BVMT năm 2020 đi vào thực tiễn cuộc sống, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã triển khai các hoạt động gì để phổ biến, tuyên truyền Luật tới cán bộ, người dân và doanh nghiệp?

Ông Đỗ Văn Thái: Thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành: Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 18/8/2021 triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020; Quyết định số 1166/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 ban hành Danh mục quyết định quy phạm pháp luật của UBND tỉnh quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 (gồm 17 Quyết định); Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 25/1/2022 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trên địa bản tỉnh; Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 9/5/2022 ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực BVMT. Hiện nay, Sở đã hoàn thành các quy trình, thụ tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đối với dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (đã được thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022 của HĐND tỉnh); Dự thảo Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh (HĐND tỉnh đưa vào kỳ họp tháng 7/2022). Ngoài ra, Sở đã ban hành Quyết định số 186/QĐ-STNMT ngày 23/5/2022 phê duyệt 13 quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường để sử dụng trong Hệ thống phần mềm một cửa điện tử.

    Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Công văn số 414/UBND-KT ngày 14/2/2022 triển khai thực hiện Hướng dẫn số 31-HD/BTGTU ngày 29/10/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền BVMT, góp phần phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai các thủ tục đề xuất bãi bỏ toàn bộ hoặc bãi bỏ 1 phần, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, đề xuất ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường tuân thủ nghiêm quy định tại Luật BVMT năm 2020. Hầu hết các nội dung, văn bản chỉ đạo đều thể hiện tinh thần khẩn trương và cấp thiết của ngành TN&MT đối với hoạt động quản lý nhà nước về BVMT.

    UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh triển khai phổ biến các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền Luật BVMT năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT đến cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; đồng thời, nội dung trên được đăng tải trên Trang Thông tin điện tử các Sở, ngành.

    Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở TN&MT đã tổ chức 3 lớp tập huấn Luật BVMT năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT cho hơn 100 cán bộ, công chức, viên chức các Sở, ngành và UBND cấp huyện; 240 Chủ tịch/Phó Chủ tịch và cán bộ địa chính cấp xã, phường, thị trấn; 300 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn tỉnh.

PV: Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có những quy định cụ thể đối với lĩnh vực hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Vậy Bình Thuận đã triển khai những giải pháp gì để xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, góp phần bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Thái: Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã ban hành có nhiều điểm mới mang tính đột phá về nội dung so với các văn bản pháp luật về BVMT trước đây. Trong đó quy định cụ thể về công tác BVMT đối với tất cả các lĩnh vực nói chung, riêng hoạt động khoáng sản đã quy định cụ thể một số nội dung: Cải tạo phục hồi môi trường; Khoảng cách an toàn tới khu dân cư; Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; Một số nội dung khác (như kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động khoáng sản…).

    Bình Thuận là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là cát, sỏi làm vật liệu xây dựng. Thực hiện Luật BVMT năm 2020, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, góp phần bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.

    Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP.

    Kết quả, năm 2021, Bình Thuận đã xử phạt nhiều vụ khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ Biển Lạc xã Gia An, huyện Tánh Linh; khai thác đất cát bồi nền trái phép khu vực núi Đất giáp ranh giữa xã Sơn Mỹ và xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân; khai thác vật liệu trái phép thi công cao tốc Bắc - Nam... Cùng với đó, tỉnh tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến nghe báo cáo kết quả thực hiện tình hình kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép; ban hành 3 Thông báo chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện. Tỉnh Bình Thuận cũng đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai ban hành Quy chế phối hợp nhằm ngăn chặn tình hình khai thác cát sông trái phép trên sông La Ngà (khu vực giáp ranh 2 tỉnh).

    Thời gian tới, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các Sở, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 17/1/2019 của UBND tỉnh Quy định quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh phối hợp với các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường làm cơ sở cấp phép; đẩy nhanh tiến độ đấu giá, giải quyết hồ sơ cấp phép phục vụ nhu cầu về vật liệu xây dựng.

    Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm là Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý có hiệu quả các điểm nóng, các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép; kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm đối với các khu vực, đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; đối với những trường hợp đủ điều kiện chuyển cơ quan Công an điều tra xử lý hình sự đúng theo quy định.

    Bên cạnh đó, để góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, huyện cũng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phát huy vai trò cơ sở, nhất là cấp xã trong quản lý khoáng sản; kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép. Nắm cụ thể các khu vực, các điểm nóng trên địa bàn, nhất là các vị trí tập kết khoáng sản trái phép; trên cơ sở đó, lập danh sách các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn và xây dựng kế hoạch cụ thể từng khu vực, từng xã để tuyên truyền, vận động, đấu tranh với các đối tượng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.

PV: Xin ông cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ triển khai những giải pháp gì để nâng cao công tác quản lý nhà nước về BVMT theo quy định của Luật BVMT năm 2020?

Ông Đỗ Văn Thái: Để nâng cao công tác quản lý nhà nước về BVMT theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở TN&MT tập trung vào một số giải pháp sau:

    Thứ nhất, tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến Luật BVMT năm 2020, các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết Luật thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

    Thứ hai, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường thuộc trách nhiệm của Sở TN&MT quy định tại Quyết định số 1166/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 ban hành Danh mục 17 Quyết định quy phạm pháp luật của UBND tỉnh quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10.

    Thứ ba, xây dựng và triển khai thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ phục vụ công tác BVMT trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn huyện Phú Quý, Tuy Phong, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận”; đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí và công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường tỉnh góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số đã được quy định tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.

    Thứ tư, tập trung kiểm tra, giám sát công tác BVMT có trọng tâm, trọng điểm theo chương trình, kế hoạch đề ra; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, UBND cấp huyện, các Sở, ngành liên quan thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra về BVMT theo thẩm quyền. Đặc biệt chú trọng đến các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời theo quy định của pháp luật.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

Ý kiến của bạn