Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên gắn với phát triển bền vững

16/07/2024

    “Trái đất là Ngôi nhà chung của muôn loài”. Trong ngôi nhà chung đó, mỗi loài và tập hợp loài qua quá trình phát triển đã thích ứng với các đặc điểm địa chất, địa lý tự nhiên và hệ sinh vật khác nhau của từng khu vực, tạo nên những hệ sinh thái đặc thù. Ngôi nhà chung này chứa đựng các di sản thiên nhiên - là những thực thể vật chất phản ánh đặc tính tiêu biểu của môi trường thiên nhiên, lịch sử hình thành, tương tác và biến đổi của môi trường thiên nhiên. Nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên bao gồm tài nguyên di sản địa chất và tài nguyên sinh vật, chúng chứa đựng đầy đủ các giá trị về khoa học, thẩm mỹ và kinh tế. Do đó, BVMT di sản thiên nhiên đồng nghĩa với bảo vệ và cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, bảo vệ sự tồn vong của loài người và muôn loài đang chung sống trên Ngôi nhà chung Trái đất.

1. Bảo tồn di sản thiên nhiên trên thế giới

    Theo dòng lịch sử, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các ngành công nghiệp và quá trình đô thị hóa… làm cho nhu cầu khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên không ngừng tăng cao, cùng với sự phát triển ngày càng tăng của dân số thế giới đã dần dần làm mất cân bằng của môi trường tự nhiên cùng các hệ sinh thái của Trái đất, làm gia tăng mức độ và kèm theo đó là tác hại của các tai biến thiên nhiên, đe dọa môi trường sống của muôn loài. Thực tế đó đã làm cho con người càng ngày càng nhận thức sâu sắc về vai trò của môi trường thiên nhiên, di sản thiên nhiên vì đó chính là sinh cảnh không thể thay thế và phải được bảo vệ để đảm bảo cho sự sống của muôn loài, bảo tồn đa dạng sinh học, các nền văn hóa bản địa, trong đó có những bộ lạc đang bị đe doạ tuyệt chủng, các địa điểm tâm linh và di sản văn hóa, đồng thời duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo cho phát triển bền vững. Bảo tồn môi trường di sản thiên nhiên giúp giảm thiểu tác động tiêu cực trước mắt và lâu dài của biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp các lợi ích kinh tế nhờ gia tăng cơ hội nghề nghiệp, giúp xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển các hình thức du lịch địa chất, sinh thái, tâm linh…, gián tiếp làm giảm các căng thẳng, xung đột biên giới.

Năm 1872, Khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên trên thế giới là Công viên Quốc gia Yellowstone (Yellowstone National Park) được thành lập ở Mỹ, nhằm bảo vệ, bảo tồn và khai thác các giá trị di sản tự nhiên thông qua một bộ máy quản lý đặc thù với cơ chế thích hợp. Kể từ khi khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên trên thế giới được thành lập, đến nay đã hơn 150 năm, nhận thức về tầm quan trọng của BVMT di sản thiên nhiên không ngừng được nâng cao và đã lan rộng trên toàn thế giới, các mô hình/khu bảo tồn di sản thiên nhiên ở cấp độ khác nhau không ngừng phát triển mạnh mẽ, tổng diện tích khu vực được bảo tồn trên thế giới ngày càng tăng, nhất là ở các nước phát triển như Mỹ, Canađa, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.

    Năm 1945, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) được thành lập là một bước tiến mạnh mẽ thúc đẩy việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa trên toàn thế giới, hỗ trợ quốc gia thành viên thành lập và bảo vệ di sản thiên nhiên, văn hóa, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy và bảo vệ nền hòa bình thế giới. Tính đến tháng 2/2024, UNESCO có 195 quốc gia thành viên và 12 thành viên liên kết; 1.199 di sản thế giới, thuộc 168 quốc gia, trong đó có 933 di sản văn hóa, 227 di sản thiên nhiên và 48 di sản thế giới liên quốc gia; 748 khu dự trữ sinh quyển thuộc 134 quốc gia; 213 CVĐC Toàn cầu UNESCO thuộc 48 quốc gia; 730 yếu tố di sản văn hóa phi vật thể thuộc 145 quốc gia.

    Riêng về lĩnh vực CVĐC, năm 2000, các nước châu Âu đã đi tiên phong trong việc thành lập Mạng lưới CVĐC châu Âu (EGN). Năm 2004, Mạng lưới CVĐC toàn cầu (GGN) được thành lập dưới sự bảo trợ của UNESCO, ban đầu với sự tham gia của 17 CVĐC thuộc EGN và 8 CVĐC Quốc gia của Trung Quốc. Năm 2015, GGN trở thành tổ chức chính thức của UNESCO với tên gọi Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO (UGGN). Tính hiệu quả của hoạt động bảo tồn và phát triển của các CVĐC chính là yếu tố thúc đẩy mô hình CVĐC phát triển mạnh mẽ và lan ra  khắp các châu lục trên toàn thế giới. Mạng lưới CVĐC châu Á – Thái Bình Dương (APGN) được khởi xướng thành lập tại Malaixia vào năm 2007 và chính thức trở thành Mạng lưới CVĐC khu vực của GGN vào năm 2013. Mạng lưới CVĐC Toàn cầu Mỹ La tinh và Caribe (GEOLAC) được thành lập năm 2017 và hiện có 13 CVĐC thành viên UGGN, đang được UNESCO xếp vào diện ưu tiên phát triển. Ngoài ra, Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO châu Phi (AUGGN) được thành lập năm 2019 và chỉ có 2 CVĐC thành viên UGGN, thuộc 2 quốc gia là Morocco và Tazania, hiện AUGGN cũng đang được UNESCO xếp vào diện được ưu tiên phát triển. Khu vực Bắc Mỹ, duy nhất chỉ có Mạng lưới CVĐC quốc gia của Canađa (CGN) với 5 CVĐC tham gia. Riêng Mỹ (USA), mặc dù triển khai công tác bảo tồn di sản thiên nhiên từ rất sớm (khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên trên thế giới là Công viên Quốc gia Yellowstone của Mỹ thành lập năm 1872), nhưng tới nay, Mỹ vẫn kiên định lập trường bảo tồn di sản theo mô hình Công viên quốc gia (National Park) và Di sản Thế giới (World Heritage), đứng ngoài khuôn khổ UGGN. Hiện nay, Mỹ có 11 di sản thiên nhiên thế giới; 1 di sản hỗn hợp và 63 Công viên quốc gia. Do vậy, Bắc Mỹ hiện chưa thể thành lập được mạng lưới CVĐC khu vực. Như vậy, mạng lưới CVĐC khu vực phát triển sớm và mạnh mẽ nhất là ở châu Âu: EGN hiện có 109 thành viên UGGN và khu vực tiếp theo là châu Á – Thái Bình Dương: APGN hiện có 84 thành viên UGGN.

    Tất cả các CVĐC thành viên của các mạng lưới CVĐC quốc gia, khu vực và quốc tế luôn hướng tới thực hiện ba mục tiêu: (1) Bảo tồn tổng thể các giá trị di sản; (2) Giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các khoa học Trái đất và bảo tồn di sản; (3) Phát triển bền vững kinh tế - xã hội thông qua phát triển du lịch địa chất dựa trên cơ sở khai thác hợp lý, bền vững, hiệu quả tổng thể các giá trị di sản của khu vực.

2. Công tác bảo tồn di sản thiên nhiên tại Việt Nam

    Trong số 195 quốc gia thành viên UNESCO, có 27 quốc gia không sở hữu di sản thế giới nào, trong khi đó Việt Nam vinh dự sở hữu 8 di sản thế giới (gồm 2 di sản thiên nhiên, 1 di sản hỗn hợp thiên nhiên - văn hóa và 3 CVĐC toàn cầu UNESCO). Các giá trị di sản ở khu di sản thế giới và CVĐC toàn cầu UNESCO của Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Đó chính là lợi thế lớn để xây dựng, phát triển các khu vực này trở thành những điểm đến tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Nguồn tài nguyên di sản phong phú, đa dạng và độc đáo chính là cơ sở/nền tảng để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch địa chất, sinh thái, văn hóa... Ngoài lượng khách nội địa thì lượng khách du lịch quốc tế đến các khu vực này ngày càng tăng, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm du lịch lớn của Châu Á, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế quốc dân. 

    Riêng công tác bảo tồn di sản địa chất ở Việt Nam bắt đầu được khởi động từ những năm 2000. Ngày 11/3/2009, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã thành lập đầu mối quốc gia về CVĐC đặt tại Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (VIGMR), thuộc Bộ TN&MT (MONRE). Ngày 16/6/2016, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam ký Quyết định số 82/QĐ UBQG-UNESCO thành lập Tiểu ban Chuyên môn về CVĐC toàn cầu (UNESCO) của Việt Nam, trực thuộc Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Ngày 9/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1590/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý CVĐC ở Việt Nam”, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 25 – 30 CVĐC quốc gia hoặc toàn cầu. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2024, Mạng lưới CVĐC Việt Nam (VGN) chỉ có 3 CVĐC Toàn cầu UNESCO, gồm: CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang, được công nhận năm 2010); CVĐC Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng (được công nhận năm 2018) và CVĐC Toàn cầu UNESCO Đắk Nông (được công nhận năm 2020). Ngoài ra, một điểm sáng mới của VGN là CVĐC Lạng Sơn đã trình hồ sơ cho UNESCO cuối năm 2023, đang trong giai đoạn thẩm định và kỳ vọng sẽ được nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu vào năm 2025. Ngoài ra, một số địa phương khác ở Việt Nam cũng chứa đựng nguồn tài nguyên di sản phong phú, độc đáo và có giá trị (Gia Lai, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Bắc Kạn, Nghệ An...), cũng đang trong quá trình xúc tiến thành lập CVĐC theo cách tiếp cận từ dưới lên (“bottom - up approach”) mà UNESCO khuyến nghị với mục tiêu cuối cùng là bảo tồn di sản, phát triển bền vững kinh tế - xã hội theo mô hình xây dựng và phát triển CVĐC.

    Trong số 3 mục tiêu phát triển CVĐC, mục tiêu “Bảo tồn di sản” được ưu tiên hàng đầu, vì khi bảo tồn được di sản thì mới duy trì được nguồn tài nguyên thiên nhiên cho khai thác du lịch và đáp ứng mục tiêu thứ ba là “phát triển bền vững kinh tế - xã hội”. Tuy nhiên, để bảo tồn hiệu quả và phát huy tối đa nguồn tài nguyên đa dạng, CVĐC luôn có chiến lược bảo tồn tổng thể các di sản thiên nhiên (di sản địa chất và tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học) và di sản văn hóa trong mối gắn kết tự nhiên, hỗ trợ cùng tồn tại, phát huy giá trị.

    CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là CVĐC Toàn cầu đầu tiên của Việt Nam với các đặc trưng tiêu biểu của một vùng núi đá vôi ở cực Bắc của Tổ quốc, có địa hình hiểm trở, khan hiếm nước mặt, đời sống vật chất của đồng bào khó khăn. Đó chính là điểm xuất phát để cơ quan tư vấn là Viện Nghiên cứu địa chất khoáng sản và lãnh đạo tỉnh Hà Giang quyết tâm lựa chọn mô hình CVĐC để xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Việc bảo tồn và khai thác tổng thể các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa đúng hướng theo mô hình CVĐC đã mang lại cho vùng đất này kết quả tích cực, với số lượng khách du lịch tăng theo thời gian: Năm 2010 đón 2.000 lượt khách du lịch; năm 2022: 2,2 triệu lượt khách và năm 2023: Hơn 3 triệu lượt khách, đưa Hà Giang đã trở thành một điểm đến hấp dẫn mang tầm khu vực và quốc tế.

    Năm 2018, CVĐC Non Nước Cao Bằng đã vinh dự trở thành CVĐC Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng và là CVĐC thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO. Cả hai CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và CVĐC Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng đều thuộc vùng núi đá vôi Đông Bắc bộ Việt Nam. CVĐC Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng nằm ở phía Đông của CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhận danh hiệu thành viên của UGGN năm 2018, trải qua tái thẩm định lần thứ nhất năm 2022, vào tháng 9/2024, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng sẽ vinh dự được đăng cai Hội nghị CVĐC châu Á - Thái Bình Dương đã chứng tỏ vị thế của CVĐC này trên trường quốc tế. Đây cũng chính là cơ hội tốt để quảng bá cho du lịch Việt Nam.

    Là CVĐC Toàn cầu UNESCO thứ ba trong Mạng lưới CVĐC TC UNESCO Việt Nam, CVĐC Toàn cầu UNESCO Đắk Nông được nhận danh hiệu năm 2020, được tái công nhận sau tái thẩm định lần thứ nhất năm 2022. Tính đến thời điểm năm 2024, đây là CVĐC núi lửa đầu tiên của Việt Nam, chứa đựng các di sản có giá trị di sản ngoại hạng, với hệ thống hang động núi lửa có quy mô và tính độc đáo nhất Đông Nam Á và Trung Quốc. Năm 2017, lần đầu tiên trên thế giới, các di tích khảo cổ tiền sử, bao gồm di tích cư trú, di tích bếp, di tích mộ táng và di tích xưởng chế tác công cụ đá đã được phát hiện trong hang động núi lửa khu vực Krông Nô với niên đại 3.000 - 6.000 năm. Đây chính là cơ hội để quảng bá các giá trị di sản của CVĐC núi lửa đầu tiên của Việt Nam, tiếp tục tạo ra hiệu ứng hiệu quả trong thị trường du lịch khu vực và quốc tế, đóng góp quan trọng cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

    Tóm lại, BVMT di sản thiên nhiên mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, đảm bảo phát triển bền vững vì bảo vệ được nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên cho phát triển du lịch địa chất, du lịch sinh thái…, qua đó thực hiện được các mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đúng Luật BVMT năm 2020 và góp phần tích cực thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 mà Liên hợp quốc thông qua năm 2015 nhằm chấm dứt đói nghèo; bảo vệ hành tinh Trái đất; đảm bảo hòa bình và phát triển thịnh vượng cho tất cả mọi người.

    Tuy nhiên, công tác bảo tồn di sản thiên nhiên hiện nay ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có các bất cập liên quan đến Luật Đất đai, cơ chế tổ chức quản lý, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý di sản, bất cập liên quan với quy hoạch tổng thể và quy hoạch bảo tồn di sản, liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tiềm ẩn nguy cơ vượt ngưỡng chịu tải của di sản, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên (hạn hán, lũ lụt, động đất…) đến du lịch... đòi hỏi phải có chiến lược phát triển tổng thể, dài hạn nhưng linh hoạt cho từng địa phương.

3. Một số khuyến nghị liên quan đến bảo tồn di sản thiên nhiên   

    Thứ nhất, công tác bảo tồn môi trường di sản thiên nhiên cần gắn liền với BVMT di sản văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa trong chiến lược bảo tồn và khai thác tổng thể các giá trị di sản của CVĐC. Xác lập và khai thác các giá trị di sản địa văn hoá tạo ra một sản phẩm du lịch mới, độc đáo để cuốn hút khách du lịch và tối ưu hóa việc phát huy giá trị tổng thể của các điểm di sản.

    Thứ hai, đối với các di sản có giá trị tiêu biểu nhưng chưa nhận được danh hiệu của quốc tế, khu vực, quốc gia hoặc địa phương thì các cơ quan chức năng ở địa phương cần khẩn trương chủ động đề xuất nghiên cứu, xác lập tính pháp lý cho di sản trong khuôn khổ Luật BVMT và Luật Di sản, đồng thời, lên kế hoạch bảo vệ, bảo tồn và khai thác di sản, đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kịp thời bảo vệ, bảo tồn các di sản độc lập có giá trị, tránh các tác động tự nhiên và xã hội làm hủy hoại những di sản quý giá mà địa phương đã được thiên nhiên ban tặng. Bởi vì công tác bảo tồn môi trường di sản thiên nhiên cần được triển khai trên toàn lãnh thổ, mà không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ các di sản thiên nhiên thế giới, CVĐC hoặc khu bảo tồn di sản. Trong khi đó, để nhận được một danh hiệu di sản cấp quốc tế, khu vực, thậm chí cấp quốc gia là rất khó khăn, lâu dài và tốn kém, trong khi nhu cầu về bảo tồn di sản lại vô cùng cấp thiết.

    Thứ ba, cần ban hành và nghiêm túc thực hiện các chế tài để bảo vệ, bảo tồn di sản; khuyến khích cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn môi trường di sản thiên nhiên, sống tối giản để dành nguồn tài nguyên không tái tạo quý giá này cho các thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai.

Lương Thị Tuất

Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản ứng dụng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi tường số 6/2024)

Tài liệu tham khảo

1. https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.029929.

2. http://dongvangeopark.com/.

3. http://caobanggeopark.com/.

4. https://daknonggeopark.com/.

Ý kiến của bạn