Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Bảo tồn, phát triển loài trai lý, đỉnh tùng và trà hoa trái mỏng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

18/07/2024

    Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông nằm trên địa phận 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước (Thanh Hóa), được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, 4.343 ha phân khu phục hồi tái sinh. Pù Luông được đánh giá là KBTTN có giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH) và phát triển du lịch sinh thái (DLST), đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã.

    KBTTN Pù Luông là sự kết hợp giữa hệ sinh thái (HST) núi đá vôi với HST núi đất và HST rừng, bao gồm 5 kiểu rừng chính: rừng lá rộng đất thấp trên núi đá vôi (phân bố ở độ cao 60 - 700 m); lá rộng đất thấp trên các phiến thạch, sa thạch và đất sét (60 - 1.000 m); lá rộng chân núi đá vôi (700 - 950 m); lá kim chân núi đá vôi (700 - 850 m) và rừng lá rộng chân núi bazan (1.000 - 1.650 m). Pù Luông là nơi giao thoa của 2 dãy núi Hoàng Liên và Bắc Trường Sơn nên có hệ thực vật đa dạng với hơn 1.540 loài, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: Thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, ngù hương… Đặc biệt, KBTTN còn có 590 loài cây dược liệu, thuộc 445 chi, 161 họ của 7 ngành thực vật bậc cao có mạch và nhóm nấm. Về hệ động vật, KBTTN có 598 loài, thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 9 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát)..., tiêu biểu như báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương…. Ngoài ra, KBTTN còn có hệ côn trùng phong phú với 158 loài bướm, 96 loài thân mềm trên cạn và là nơi cư trú của loài linh trưởng voọc quần đùi trắng, với số lượng lên đến hàng trăm cá thể.

    Nhằm đánh giá hiện trạng phân bố, xác định mối đe dọa và xây dựng kế hoạch bảo tồn nguồn gen các loài thực vật quý hiếm, Ban quản lý KBTTN Pù Luông đã triển khai thực hiện Dự án “Điều tra đánh giá hiện trạng phân bố và xây dựng kế hoạch bảo tồn 3 loài thực vật quý, hiếm, gồm: Trai lý, đỉnh tùng và trà hoa trái mỏng tại KBTTN Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2024. Kết quả, đã phát hiện 130 cây trai lý, 25 cây đỉnh tùng và 120 cây trà hoa trái mỏng tại các khu rừng trong Khu bảo tồn, từ đó, lên phương án cũng như kế hoạch bảo tồn, phát triển các loài cây quý này.

Cây đỉnh tùng tại KBTTN Pù Luông (Ảnh: TTXVN)

    Theo ông Lê Đình Phương, Giám đốc KBTTN Pù Luông, đơn vị đã tiến hành điều tra sự phân bố, nguy cơ đe dọa loài tại 47 tuyến điều tra, với tổng chiều dài 217 km. Đồng thời, nghiên cứu đầy đủ đặc điểm sinh học, sinh thái học của 3 loài cây này, từ đó, xây dựng được 12 tuyến giám sát và 30 ô tiêu chuẩn giám sát 3 loài trai lý, đỉnh tùng, trà hoa trái mỏng tại vùng đệm, vùng lõi khu bảo tồn. Bên cạnh đó, cán bộ kiểm lâm cấp phát 1.500 tờ rơi tuyên truyền cho người dân, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức của giáo viên các Trường Trung học cơ sở và Tiểu học thuộc các xã vùng đệm khu bảo tồn về bảo tồn, giữ gìn đa dạng sinh học; tổ chức lớp tập huấn cho 20 cán bộ Khu bảo tồn kỹ năng nhận dạng, điều tra, giám sát các loài trai lý, đỉnh tùng, trà hoa trái mỏng cũng như xây dựng kế hoạch bảo tồn chi tiết 3 loài cây quý này.

    Hiện Ban quản lý KBTTN Pù Lông xác định được đặc điểm sinh thái học của 3 loài, cụ thể: Loài trai lý phân bố ở độ cao từ 465 - 1.041 m so với mặt nước biển, với 130 cây trưởng thành; loài đỉnh tùng phát hiện ở khu vực núi đá với độ cao từ 741 - 1.234 m so với mặt nước biển với 25 cá thể trưởng thành; loài trà hoa trái mỏng xác định được 120 cây trà hoa trái mỏng trưởng thành, phân bố ở độ cao từ 184 - 1.009 m. Ngay sau khi có kết quả điều tra, kiểm lâm viên đã nhân giống, trồng bổ sung 200 cây trai lý, 150 cây đỉnh tùng và 200 cây trà hoa trái mỏng trong rừng đặc dụng của Khu bảo tồn với diện tích 0,83 ha. Dự án này giúp Ban Quản lý KBTTN Pù Luông bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, chất lượng môi trường được cải thiện; đưa ra giải pháp bảo tồn, phát triển quần thể các loài cây quý hiếm tại các khu rừng Pù Luông.

    Theo Ban quản lý KBTTN Lù Luông, loài trai lý (Garcinia fagraeoides A. Chev.) là cây cao 35 m, thân tròn và tương đối thẳng, lá dài 17cm, quả trai lý hình trái xoan thuôn, chiều dài quả từ 2 - 3,5 cm, khi chín vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhạt. Đây là cây gỗ quý, thường dùng trong xây dựng đóng tàu thuyền và chạm khắc, cây có hoa đẹp nên có thể trồng ở công viên, đường phố hay biệt thự làm cảnh. Trên thế giới, cây thường mọc tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây hay mọc tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An và Thanh Hóa. Loài đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii Hook. f.) có chiều cao từ 2 - 20 m, thân cây dạng trụ, hạt cây có vỏ bao quanh phủ kín hạt, mùa ra nón của loài vào tháng 1 tới tháng 3, hạt chín tháng 9 đến tháng 12 năm sau. Đây là cây thân gỗ, gỗ cây được dùng trong xây dựng và nhất là để đóng đồ gỗ cao cấp, trên thế giới cây mọc tại các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan. Tại Việt Nam, cây thường mọc tại các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng… Loài trà hoa trái mỏng (Camellia pleurocarpa (Gagnep.) là cây gỗ nhỏ, thân cây không tròn đều, lá đơn mọc cách, quả nang màu vàng nhạt, cây ra hoa gần như quanh năm nhưng rộ nhất vào tháng 12 và tháng 1 dương lịch, quả chín nhiều vào tháng 7 - 8, khi quả chín ngả sang màu vàng nhạt. Đây là nguồn gen cây dược liệu quý hiếm, cành và lá cây có thể dùng làm thuốc chữa phong thấp, thường dùng cho phụ nữ uống bồi dưỡng sau khi sinh đẻ. Trên thế giới, cây đã mọc tại Thái Lan, ở Việt Nam cây được phát hiện trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Gia Lai.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn