Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Ban hành Kế hoạch thực hiện các biện pháp chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp để bảo vệ môi trường không khí

03/06/2024

    Đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch tại đồng ruộng là hình ảnh khá quen thuộc từ xưa đến nay ở nhiều nơi khi thu hoạch mỗi vụ lúa, nhất là vụ Đông Xuân hàng năm. Theo quan niệm của bà con nông dân, việc đốt đồng sẽ có nhiều cái lợi, đó là không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau mỗi vụ lúa. Đồng thời, tiêu diệt được mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại có trên đồng ruộng. Ngoài ra còn tạo ra một lượng tro làm phân bón trả lại cho đất. Song, theo các nhà khoa học thì việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng đã gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại cho đồng ruộng. Việc đốt rơm rạ vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân, gây lãng phí nguồn tài nguyên, mà còn làm thoái hóa đất canh tác.

    Theo GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, việc đốt lượng phế thải nông nghiệp sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện. Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người ta ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở… Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày và những hạt khói bụi nhỏ, bụi nano phát sinh trong quá trình đốt rơm rạ này có khả năng chui sâu, ảnh hưởng đến cả nhân tế bào. Các nhà chuyên môn ước tính, hàng năm nước ta có khoảng 80 triệu tấn rơm rạ và vỏ trấu, nếu chỉ đốt khoảng 50% thì sẽ cho khoảng 8 triệu tấn CO2, trên 2,5 nghìn tấn khí CH4 và gần 100 ngàn tấn khí CO… Tất cả đều bay vào khí quyển, gây ô nhiễm môi trường, góp phần tạo ra hiệu ứng nhà kính trong không gian sống. Hơn nữa, thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính… khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, mà khi con người hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sẽ dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, gây co thắt phế quản và không loại trừ nguy cơ gây ung thư phổi. Từ ngày 25/8/2022, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân bị xử phạt nặng. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 41 của nghị định quy định phạt tiền từ 2.500.000 đồng - 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Ảnh minh họa

    Tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong nhiều năm qua, hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch và chất thải rắn sinh hoạt đang diễn ra phổ biến tại một số khu vực có hoạt động sản xuất nông nghiệp làm phát sinh các loại khí thải không những gây ô nhiễm môi trường không khí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Để đạt được mục tiêu từ ngày 1/1/2024, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thị xã, UBND thị xã Bỉm Sơn đã ban hành Kế hoạch số 2395/KH-UBND về việc thực hiện các biện pháp chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, xử lý thực bì sau mỗi vụ thu hoạch và chất thải khác không đúng quy định, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo đó, các ngành, UBND các phường, xã căn cứ Kế hoạch của UBND thị xã để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể triển khai, thực hiện tại địa phương, đơn vị theo lộ trình thực hiện như sau:

    Thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; Xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn; Tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy địnhhiện hành và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền thông báo đến nhân dân các khu phố, thôn về chủ trương của tỉnh, của thị xã trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo các quy định hiện hành; Đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.

    Thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trước ngày 31/12/2023.

    Từ ngày 1/1/2024, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường. Không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng; Giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thị xã nhằm kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương về tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng diễn ra trên địa bàn quản lý.

Đức Anh

Ý kiến của bạn