Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

An ninh và mất an ninh nguồn nước - tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học

15/09/2023

    Từ ngày 11 - 13/9/2023, tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), 60 nhà khoa học và nghị sĩ trẻ ở 18 quốc gia trên thế giới đã tham gia Hội thảo quốc tế với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước - tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học". Đây là sự kiện ngoại giao khoa học do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của Biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với trên 100 văn bản pháp luật có liên quan đến nước. Tại Kỳ họp thứ Sáu vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để điều chỉnh tổng thể về nước. Quốc hội cũng đang yêu cầu các cơ quan rà soát các Luật liên quan để bảo đảm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an ninh nguồn nước.

    Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp khác như: công tác quy hoạch, điều tiết nước, chuyển nước lưu vực sông; đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng bảo đảm an ninh nguồn nước; giải pháp về khoa học và công nghệ trong dự báo, xây dựng vận hành các công trình tích nước, trữ nước, chuyển nước; tuần hoàn nước, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; bổ cập nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý an ninh nguồn nước.

    Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Quốc Hải, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất các hoạt động và tham gia các sáng kiến toàn cầu của IPU. Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực và sáng kiến của IPU với vai trò là một cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu, đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để phát huy vai trò của hợp tác nghị viện nhằm chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu. Trong khuôn khổ Hội thảo này, với mong muốn hợp tác cùng cộng đồng khu vực và quốc tế bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, giảm bất đồng về khai thác và sử dụng bền vững nước, xây dựng hòa bình thông qua hợp tác khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cùng chia sẻ những thách thức đang gặp phải và trao đổi các giải pháp tháo gỡ, các bài học và kinh nghiệm trong thực hiện mục tiêu này.

    Tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, đây là sự kiện đầu tiên đánh dấu việc thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa IPU và Trung tâm ICISE. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” đang đối mặt với những thách thức lớn. Tại sự kiện này, các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh nghị viện thế giới nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới.

    Tại Hội thảo đã diễn ra 9 phiên thảo luận với các chuyên đề chuyên sâu được diễn ra như: Khoa học và chính trị; Các chương trình quan sát Trái đất để giám sát nguồn nước; Thực hành lập pháp điển hình; Ngoại giao đa phương, trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới; Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; Đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; Thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; Mạng lưới Liên minh Nghị viện về nguồn nước; Ngoại giao khoa học và Khoa học dự đoán.

Châu Loan

Ý kiến của bạn