Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Việt Nam tham gia TPP - Những vấn đề liên quan đến môi trường và sử dụng tài nguyên trong nông nghiệp

19/02/2016

   Tình hình phát triển nông nghiệp, hội nhập quốc tế và các vấn đề về môi trường

   Kể từ sau đổi mới năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tích cực hội nhập vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia ký kết các hiệp định thương mại song phương như Việt Nam – Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược với Nga, hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do và là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại đầu tư chính thức với khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

   Cùng với đà hội nhập, xuất khẩu của ngành nông nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) bình quân 3,7% mỗi năm trong giai đoạn 1986-2013. Giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) tăng trung bình 13,5% mỗi năm trong giai đoạn 1995-2013 từ 2,5 tỷ lên 24,5 tỷ USD. Nông nghiệp là lĩnh vực duy nhất duy trì được thặng dư xuất khẩu trong nhiều năm qua. Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới đối với nhiều sản phẩm như gạo, thủy sản, cà phê, tiêu, điều…

   Mặc dù mô hình phát triển nông nghiệp theo chiều rộng tập trung, nâng cao sản lượng và số lượng nhưng dựa trên khai thác triệt để tài nguyên tự nhiên đã dần bộc lộ những điểm yếu. Hầu hết, các nguồn tài nguyên tự nhiên của Việt Nam đang bị suy kiệt do việc thâm canh cao độ trong những năm vừa qua. Theo Bộ TN&MT, hiện cả nước có khoảng 2 triệu ha đất bị suy thoái nghiêm trọng và 9,3 triệu ha đất chiếm 20% tổng diện tích đất đai - nơi diễn ra các hoạt động sản xuất của khoảng 22 triệu người - đang bị thoái hóa.

   Nông nghiệp cũng là ngành chiếm tới 80% lượng nước ngọt (nước mặt và nước ngầm) phục vụ cho hoạt động tưới tiêu. Cùng với nhu cầu phát triển, lượng nước ngọt được sử dụng hàng năm của Việt Nam đã có xu hướng tăng đáng kể (từ 12,6% năm 1997 lên 22,8% năm 2011 tổng trữ lượng). Do đó, đảm bảo an ninh nguồn nước đang là một trong những thách thức lớn cho phát triển nông nghiệp trong tương lai trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các can thiệp dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Công. Tình hình chặt phá rừng, khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản nội địa và gần bờ cùng với việc chuyên canh một số cây trồng chủ lực cũng gây hậu quả tiêu cực đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái. 

   Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học đã ở mức báo động, cao hơn gấp nhiều lần so với trung bình thế giới. Điều này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và không khí tại các khu vực nông nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và đặc biệt là chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa gạo nói riêng đã và đang là nguồn thải lớn gây hiệu ứng nhà kính. Số liệu thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới cho thấy, trong giai đoạn 50 năm (từ năm 1961 đến năm 2011), một thửa đất nông nghiệp của Việt Nam phát thải khí nhà kính cao hơn so với hầu hết các quốc gia khác.

Gỗ nguyên liệu đầu vào của ngành lâm nghiệp phải đảm bảo tính hợp pháp, tính minh bạch về nguồn gốc

   Các cam kết TPP có liên quan đến môi trường và sử dụng tài nguyên trong nông nghiệp

   Từ năm 2010 đến nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và đưa lên một tầm cao mới với việc đàm phán thành công Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 10/2015. So với các hiệp định thương mại tự do trước đây tập trung nhiều vào thuế quan, thì TPP hướng đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao hơn, bao trùm gần như toàn bộ các khía cạnh của thương mại quốc tế.

   Có thể nói, việc tham gia TPP đem lại lợi ích lớn cho Việt Nam trong việc cải thiện môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững. Các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch (SPS), tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT) của TPP chặt chẽ hơn so với các quy định của WTO. Các thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản đều có những quy định SPS và TBT rất chặt chẽ. Việc đáp ứng các yêu cầu khác về môi trường như truy xuất nguồn gốc, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen, các rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ… là cơ hội tạo ra sản phẩm chất lượng và đảm bảo bền vững môi trường. Đối với thị trường trong nước, Chính phủ Việt Nam đã từng bước đồng bộ hóa các tiêu chuẩn SPS và TBT của quốc tế để thực hiện đúng cam kết TPP cũng như bảo vệ các doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam trước sự cạnh tranh của các sản phẩm nhập khẩu từ các nước có nền nông nghiệp trình độ cao. Các quy định về tính minh bạch và cơ chế phân tích rủi ro dựa trên bằng chứng khoa học của TPP cũng rất chặt chẽ. Do đó, để có thể tồn tại thì các nhà sản xuất Việt Nam cũng phải tự nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

   Đối với tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng là một cơ chế góp phần phát triển nông nghiệp bền vững như các quy định về nguồn gốc của gỗ nguyên liệu đầu vào để chế biến các sản phẩm xuất khẩu của ngành lâm nghiệp phải đảm bảo tính hợp pháp, tính minh bạch về nguồn gốc. Nếu không đáp ứng điều này, Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu sang thị trường TPP. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn việc chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép.

   Trong Chương Môi trường của TPP nhấn mạnh việc các quốc gia sẽ hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện để đảm bảo sự công bằng giữa các bên tham gia. TPP nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 3 điều ước quốc tế về môi trường đó là: Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (Công ước Marpol) và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (Công ước CITES). Chương này cũng yêu cầu các quốc gia TPP phải xóa bỏ trợ cấp cho hoạt động đánh bắt được xác định là gây ra tác động xấu tới nguồn lợi hải sản đã trong tình trạng bị đánh bắt quá mức. Các cam kết ở mức cao và mang tính ràng buộc của Chương Môi trường sẽ là cơ sở cho Việt Nam trong việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường, góp phần vào nỗ lực chung trong các hoạt động BVMT và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nước thành viên trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện phương thức sản xuất, thúc đẩy BVMT và công bằng xã hội.

   Đề xuất giải pháp về chính sách

   Việc tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam cải thiện vấn đề môi trường và sử dụng tài nguyên tự nhiên trong nông nghiệp với nhiều quy định chặt chẽ về SPS, TBT, nguồn gốc xuất xứ và các cam kết về môi trường. Mặc dù vậy, việc hiện thực hóa những lợi ích này là một thách thức lớn đối với nông nghiệp Việt Nam vốn đang dựa trên mô hình phát triển theo chiều rộng với quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tập trung, khai thác triệt để các nguồn tài nguyên và đánh đổi chất lượng môi trường lấy tăng trưởng. Dưới đây là một số gợi ý chính sách nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của các cam kết TPP liên quan đến môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững.

   Cần phổ biến các thông tin và các kiến thức về các cam kết SPS, TBT, nguồn gốc xuất xứ, các cam kết về môi trường đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân. Đây là những chủ thể chính trong quá trình phát triển nông nghiệp Việt Nam. Sự hiểu biết về các cam kết sẽ giúp cho các đối tượng này có vị thế chủ động trong việc đối phó với những thách thức và tận dụng cơ hội do TPP mang lại trong ngành nông nghiệp.

   Từng bước tiến hành chuẩn hóa các tiêu chuẩn SPS và TBT của Việt Nam theo các quy định của quốc tế. Ưu tiên rà soát và lựa chọn những ngành hàng nông sản xuất khẩu có tác động nghiêm trọng đối với môi trường và tài nguyên tự nhiên, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

   Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Đề án Tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo tinh thần Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng. Việc thực hiện tốt Đề án này sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các nông sản Việt Nam và đảm bảo tính bền vững về môi trường sinh thái. Vì vậy, cần phải có những cơ chế, cách thức để lồng ghép các cam kết của TPP nói chung và TPP đối với môi trường và sử dụng tài nguyên nói riêng vào việc triển khai Đề án này.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng

Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD)

TS. Đặng Kim Khôi Giám đốc

Trung tâm Tư vấn chính sách (CAP) - IPSARD

ThS. Kim Văn Chinh Cán bộ nghiên cứu CAP

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn