Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Việt Nam hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu tê tê

29/06/2015

     Ngày 24/6/2015, tại TP. Đà Nẵng, Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Cục Cá và các loài hoang dã Hoa Kỳ (US Fish and Wildlife Service) tổ chức Hội nghị các nước có tê tê phân bố lần thứ I. 

     Hơn 100 đại biểu đại diện cho gần 30 nước thuộc khu vực châu Phi, châu Á và Mỹ có loài tê tê phân bố và các chuyên gia trong nước, quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn các động, thực vật hoang dã đã tham dự hội nghị. 

     Hội nghị nhằm đánh giá tình trạng buôn bán tê tê trên toàn cầu; đồng thời hướng tới việc kiểm soát buôn bán, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với quần thể các loài tê tê trên thế giới, xây dựng kế hoạch hành động của từng quốc gia, khu vực, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các loài tê tê đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. 

    Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế và bảo tồn động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Thứ trưởng tin tưởng rằng, hội nghị sẽ là cơ hội để các quốc gia có tê tê phân bố thống nhất được nhận thức và tầm nhìn chung, từ đó, đưa ra được các khuyến nghị về chiến lược, chính sách cấp quốc tế, quốc gia và cam kết mạnh mẽ hơn về kiểm soát buôn bán trái pháp luật các loài tê tê để bảo tồn loài bền vững. 

 

Tê tê được trả về với thiên nhiên tại Vườn quốc gia Phước Bình, Ninh Thuận

 

     Theo các chuyên gia, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng loài tê tê đang sinh sống trên thế giới nhưng hiện chỉ còn 8 loài tê tê đang sinh sống. Cụ thể là có 4 loài tê tê châu Á gồm tê tê Trung Quốc, tê tê Ấn Độ, tê tê Phi-líp-pin và tê tê Java; 4 loài tê tê châu Phi: Tê tê sống trên cây, tê tê khổng lồ, tê tê đuôi dài và tê tê đất. Chúng sống chủ yếu ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, các loài tê tê này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn và buôn bán trái phép qua biên giới các mẫu vật sống, cũng như đông lạnh và vẩy của chúng để làm thực phẩm và chế phẩm thuốc của một số nước châu Á. Theo ước tính, 10 năm trở lại đây đã có hơn 1 triệu cá thể tê tê bị săn bắn, buôn bán trái pháp luật trên thế giới. 

     Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam cho biết, tuyên truyền một cách rộng rãi thông điệp về giảm nhu cầu sử dụng các mẫu vật tê tê có vai trò quan trọng để bảo vệ loài tê tê. Đây là một vấn đề cấp thiết mà cộng đồng toàn cầu cần phải giải quyết. 

     Bà Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận loài hoang dã, tổ chức nhân đạo quốc tế (Humane Society Internatinonal) đánh giá cao sự tham gia hội nghị của tất cả các nước có tê tê phân bố để tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép tê tê. Đây là một bước đi quan trọng trong việc ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài vật đang bị khai thác quá mức này. 

      Hội nghị là minh chứng cho sự hợp tác song phương bền chặt không chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ và Việt Nam, mà còn cho cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực để cùng chung tay đối phó với các vấn nạn có tính xuyên quốc gia. 

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn