Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Về Đăk Lăk thăm Bản Đôn

25/02/2016

 

     Thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, cách trung tâm Buôn Ma Thuật 40km về hướng tây, Bản Đôn không chỉ nổi tiếng là nơi thuần dưỡng và săn voi rừng mà còn được biết đến như một khu du lịch sinh thái hoang dã, nhiều tiềm năng.

     Đi qua những ngôi làng nhỏ nhắn của người Ê Đê, qua đồi chè, vườn cà phê , xa xa, Bản Đôn hiện ra trong một không gian núi rừng xanh ngát, con đường trải dài dưới hàng cây cổ thụ.

 

 

     Buôn Đôn là tên huyện mới, được tách ra từ huyện Ea Súp và một phần từ thành phố Buôn Ma Thuật trên cơ sở địa danh Bản Đôn trước đây. Từ xưa, Bản Đôn đã nổi danh khắp nơi là xứ sở voi Việt Nam, được nhiều du khách quốc tế biết đến như là một nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của các ông vua voi. Bản Đôn là tên gọi cũ theo tiếng Lào ngày. Hiện tại, Bản Đôn chính là cách gọi chung để chỉ hệ thống cụm du lịch của huyện Buôn Đôn, gồm các khu du lịch: Thác Bảy Nhánh, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Khu Du lịch Cầu treo, Hồ Đăk Min, Vườn cảnh Trohbư… Khu Du lịch Cầu treo Buôn Đôn, ngoài những dịch vụ vui chơi, giải trí còn có dịch vụ lưu trú với những ngôi nhà sàn có công trình phụ khép kín, vệ sinh, an ninh, và rất gần gũi thiên nhiên.

 

 

     Đến Bản Đôn cưỡi những chú voi thuần, bạn đừng quên ghé qua mộ phần của Khun Yu Nốb, người được mệnh danh là vua voi của Bản Đôn với 400 con voi săn bắt được. Nằm trong quần thể du lịch Bản Đôn, mộ vua voi có kiến trúc M'nông và Lào do chính vua Bảo Đại cho người sưu tầm kiểu dáng và xây dựng để cảm tạ về con voi trắng mà vua voi tặng cho ông và công xây dựng đội tượng binh.

 

Mộ vua voi Khun Yu Nốb

 

     Về với Bản Đôn du khách còn có thể dừng chân ghé thăm bất kỳ ngôi nhà sàn nào - nơi cuộc sống của đồng bào đang diễn ra chầm chậm, mộc mạc, bình dị. Hầu hết cánh cửa nhà sàn đều mở như luôn sẵn sàng đón bạn vào thăm. Nếu gặp duyên, bạn còn được chứng kiến cảnh sinh hoạt truyền thống với không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào nơi đây. Khi màn sương đêm vừa giăng xuống núi rừng Tây Nguyên, bà con đã đến chật nhà dài, tiếng cồng chiêng vang lên dưới ánh lửa bập bùng. Trời về khuya, đêm Tây Nguyên càng thêm lạnh, nhưng mùi thơm nồng của cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông… cùng với men rượu cần khiến khách phương xa nghe lòng mình ấm lại.

 

 

     Ta cũng không thể bỏ qua những cây cầu treo với rễ cây rừng, những dây leo vòng quanh trên đầu, trước mặt. Cầu treo được làm bằng vật liệu tre nứa, mây có gia cố thêm móc sắt. Cầu được bắc trên cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc bên bờ sông Sêrêpôk. Bản Đôn đẹp một phần nhờ có cầu treo và dòng Sêrêpôk chảy qua, tựa như dải lụa vắt ngang, có đoạn gặp phải ghềnh đá lại bắn tung tóe tạo thành những con suối nhỏ róc rách vui tai…

 

 

     Năm 1983, trong chuyến đi thực tế tại Đăk Lăk, trước tình cảm yêu mến với đàn voi con của Bản Đôn, Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn", được rất nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích. Hiện Bản Đôn là địa điểm du lịch thu hút đông đảo khách gần xa tới tham quan và trải nghiệm.

 

Phương Hạnh

 

 

Ý kiến của bạn