Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Vạn lý Trường thành xanh ở Trung Quốc

19/01/2016

   "Vạn lý Trường thành xanh” là Dự án trồng cây lớn nhất trên hành tinh của Trung Quốc với mục tiêu tạo ra trên 4.500 km vành đai xanh (với diện tích khoảng 4,1 triệu km2, chiếm hơn 1/10 diện tích của Trung Quốc) để ngăn chặn ảnh hưởng do bão cát từ sa mạc Gobi và giúp hấp thụ hàng triệu tấn các bon. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành trước năm 2050, giúp gia tăng diện tích bao phủ rừng từ 5% lên 15% trên toàn đất nước Trung Quốc. Ý tưởng này ban đầu bị chỉ trích, nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy các biện pháp này đang dần phát huy hiệu quả. Tiến sĩ Minghong Tan và các cộng sự tại Viện khoa học Trung Quốc cho biết, tỷ lệ cây xanh tại vùng triển khai Dự án đã gia tăng đáng kể, đồng thời, thảm cây xanh đang phát triển ra ngoài vùng Dự án. Vành đai xanh đã giúp giảm đáng kể cường độ của các trận bão cát.

 

Trung Quốc xây dựng Vạn lý Trường thành xanh nhằm cải thiện môi trường 

 

   Hàng năm, cứ vào mùa xuân, Trung Quốc lại bị tàn phá bởi bão cát từ sa mạc Gobi theo gió từ phương Bắc cuốn vào. Khi sa mạc mở rộng, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cuối những năm 1970, Chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm tiến hành những bước đầu tiên của Dự án Vạn lý Trường thành xanh với việc trồng hàng loạt các cánh rừng lớn để ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa phía Tây Bắc dọc theo vành đai rộng lớn của đất nước. Ngay sau đó, Cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc đã thông qua một Nghị quyết để huy động nguồn lực trồng rừng, yêu cầu, hàng năm, mọi công dân trên 11 tuổi phải trồng ít nhất 3 cây thuộc các giống bạch dương, khuynh diệp, thông rừng và một số các cây nhỏ thuộc các giống khác.

   Theo đánh giá gần đây nhất của Tổ chức Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong giai đoạn năm 2000 - 2010, đối lập với tình hình kinh tế phát triển vượt bậc, độ che phủ rừng của Trung Quốc ngày càng trở lên thu hẹp, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi độ che phủ rừng chỉ gần 30.000 km2 (bằng diện tích của tiểu bang Massachusetts, Mỹ), chủ yếu do người bản xứ trồng với 60 tỷ cây. Theo các chuyên gia, hàng năm, Trung Quốc mất diện tích lớn đồng cỏ và trang trại do sa mạc hóa, do đó, trồng rừng là một trận chiến đầy khó khăn. Việc xâm lấn của sa mạc Gobi đã nuốt chửng toàn bộ các ngôi làng, các thành phố nhỏ và tiếp tục gây ra nhiều vấn đề ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh và các nơi khác, đồng thời gây ra thiệt hại về kinh tế lên tới 50 tỷ mỗi năm. Hàng chục triệu người tị nạn liên quan tới các vấn đề về môi trường phải tìm kiếm nơi ở mới từ các vùng còn lại của Trung Quốc.

   Nhà hoạt động Sean Gallagher của Tổ chức Hòa bình xanh (Mỹ) cho biết, cuộc khủng hoảng môi trường do hiện tượng sa mạc hóa ở phía Bắc và phía Tây nước này trên thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều so với các số liệu của các báo cáo gần đây. Các tổ chức phi Chính phủ và các nhà khoa học đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống lại thảm họa này vì sự hiểu biết về nó còn nhiều hạn chế. Nhà hoạt động cũng nói thêm rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, việc chăn thả quá mức, thiếu quản lý nước, kỹ thuật nông nghiệp lạc hậu và gia tăng dân số cũng làm tăng thêm thách thức cho những người dân canh tác và sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng từ bão cát sa mạc. Tại Trung Quốc, khoảng 20% đất đang được xếp vào là đất sa mạc khô cằn, sa mạc hóa đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của hơn 400 triệu người dân.

   Chính phủ Trung Quốc đã quyết định sử dụng Vạn lý Trường thành xanh làm vũ khí để chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu và chứng minh với cả thế giới rằng, Trung Quốc đang có những bước tiến mạnh mẽ để giảm thiểu lượng phát thải các bon. Dự án đã bổ sung một nhiệm vụ quan trọng nữa là tạo “bể chứa các bon” để lưu trữ khí nhà kính, không cho thất thoát vào khí quyển, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhưng, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thật khó để xác định được lượng các bon mà Vạn lý Trường thành xanh có thể hấp thụ, việc trồng cây phi bản địa - nhanh phát triển trong Dự án không lưu trữ được nhiều các bon như khi trồng các cây bản địa, tự nhiên và nhiều chủng loại. Mặt khác, trong khi tình hình tổng thể dường như đang được cải thiện, nhưng một số vùng nhỏ vẫn không đạt được tiến triển nào. Một số nhà khoa học cảnh báo Dự án có thể mất hàng trăm năm để đẩy lùi tình trạng sa mạc hóa.

   Với việc hoàn thiện Dự án Vạn lý Trường thành xanh trong vòng 35 năm tới, thời gian sẽ chứng minh cho Trung Quốc và thế giới thấy được hiệu quả thực sự của Dự án trong vai trò là giải pháp cho một số vấn đề môi trường nghiêm trọng của Trung Quốc, cũng như của thế giới.

 

Lưu Trang
(Theo Earthtalk.org & Theplaidzebra.com)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 20115)

Ý kiến của bạn