Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Vườn Quốc gia Côn Đảo là Khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam

15/09/2015

     Ngày 1/11/2014, tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng công nhận Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế do Tổ chức công ước Ramsar trao tặng. Tham dự buổi Lễ có Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các Tổ chức Quốc tế, các nhà khoa học.          Đây là khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới, thứ 6 của Việt Nam, sau các khu Ramsar Giao Thủy (Nam Định), Bàu Sấu (VQG Cát Tiên - Đồng Nai), hồ Ba Bể - Bắc Cạn, VQG Tràm Chim - Đồng Tháp…. Việc công nhận Côn Đảo là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế là cơ hội để Côn Đảo phát triển bền vững, nâng cao giá trị VQG Côn Đảo theo quan điểm và định hướng của Chính phủ tại Quyết định số 364/2005/QĐ-TTg về phê duyện tổng thể Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020. Bên cạnh đó còn góp phần nâng cao vị thế và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Ramsar, thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và phù hợp với Kế hoạch hành động đa dạng sinh học (ĐDSH) của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.      Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, đây là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân huyện Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị đặc trưng của Khu Ramsar VQG Côn Đảo. Do đó, tỉnh cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; Xây dựng, củng cố bộ máy quản lý, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng; Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứ, điều tra về ĐDSH...      Theo đại diện Ban Thư ký Công ước Ramsar tại Việt Nam Nguyễn Đức Tú, trong đợt xét công nhận Khu Ramsar vừa qua, VQG Côn Đảo thỏa mãn 5 tiêu chí theo công ước Ramsar, gồm: Mẫu chuẩn về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên ở vùng biển phía Đông Nam Việt Nam và của khu vực; Nơi phân bố của các loài nguy cấp và các quần xã sinh thái đang bị đe dọa; Đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật có ý nghĩa trong việc duy trì ĐDSH quan trọng tại Việt Nam và của khu vực; Hỗ trợ cho các loài động, thực vật đang trong giai đoạn quyết định vòng đời và là nơi trú ẩn của các loài này khi chúng gặp nguy hiểm; Nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài động vật thủy sinh và nơi sinh sản, nuôi dưỡng cũng như đường di cư cho các loài động vật khu vực biển phía Đông Nam Việt Nam và khu vực.      Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; Xây dựng, củng cố bộ máy quản lý, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng; Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứ, điều tra về ĐDSH; Triển khai thực hiện các dự án đẩu tư cho VQG Côn Đảo… Phấn đấu trong tương lai gần, Côn Đảo nói riêng và Bà Rịa -Vũng Tàu nói chung sẽ là điểm tham quan, du lịch, nghĩ dưỡng lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Hồ Văn Niên cho biết.        VQG Côn Đảo nằm trên địa bàn huyện Côn Đảo, có diện tích gần 20 nghìn ha, trong đó diện tích hợp phần bảo tồn rừng chiếm gần 6 nghìn ha, diện tích hợp phần bảo tồn biển gần 14 nghìn ha. Ngoài ra, VQG còn có vùng đệm biển bao quanh các phân khu là 20.500 ha với các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới và là sinh cảnh của nhiều loài động, thực vật đặc hữu của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và Thế giới.      Theo Ban quản lý VQG: Hiện VQG đã ghi nhận trên 1.000 loài thực vật có mạch; 44 loài thực vật lần đầu tiên được mô tả tại các đảo; 29 loài thú, 85 loài chim và 46 loài bò sát, ếch nhái. Mặc dù số lượng loài không cao nhưng mật độ cá thể lại rất cao, một số loài và phân loài đặc hữu cho vùng như Sóc đen Côn Sơn. Riêng khu hệ chim Côn Đảo chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng nhiều nhà khoa học đã khẳng định, có nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác ở Việt Nam như loài Bồ câu nicoba, Chim nhiệt đới, Chim điên mặt xanh...      Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển VQG Côn Đảo có rừng ngập mặn, các rạn san hô và cỏ biển. Rừng ngập mặn có khoảng 31 ha với 46 loài thực vật phân bố xung quanh Hòn Ba, dọc bờ biển phía Tây Hòn Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía Nam, phía Bắc của đảo Côn Sơn. Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Ngoài ra, VQG Côn Đảo còn là nơi lý tưởng để tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo và các loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm.   Theo VEA
Ý kiến của bạn