Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tri thức bản địa trong công tác quản lý tài nguyên đất ngập nước khu vực hồ Ba Bể

06/08/2015

   Bên cạnh nguồn tri thức khoa học hiện đại, trong suốt quá trình tồn tại, sinh sống gắn bó lâu đời với nguồn tài nguyên đất ngập nước (ĐNN), người dân bản địa khu vực hồ Ba Bể đã tích lũy được một hệ thống tri thức và sinh kế rất phong phú, đa dạng và quý giá. Tri thức bản địa là những kinh nghiệm đã được thử thách, tôi luyện qua nhiều năm sử dụng.Những điểm yếu dần được cải thiện cùng với thời gian, những tinh túy được chắt lọc và cuối cùng là hoàn thiện và phổ cập.Tri thức bản địa là những kinh nghiệm, nhưng nó lại phải phù hợp với môi trường, văn hóa mỗi vùng, cộng đồng và từng tộc người.

 

   Tri thức bản địa trong Công ước Ramsars

   Theo Công ước Ramsars, tri thức bản địa trong công tác quản lý ĐNN là toàn bộ hệ thống kiến thức, kinh nghiệm về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên ĐNN của các cư dân bản địa, hoặc của một cộng đồng dân tộc tồn tại và phát triển trong từng hoàn cảnh cụ thể với sự đóng góp của mọi thành viên trong cộng đồng tại một khu Ramsars (ở một vùng địa lý nhất định).

   Cũng theo Công ước Ramsar, để thực hiện thành công việc quản lý ĐNN, cần có sự tham gia của cộng đồng cư dân bản địa, trên nguyên tắc những người sử dụng tài nguyên phải là người quản lý hợp pháp, có trách nhiệm đối với nguồn tài nguyên đó.

   Sự tham gia của cộng đồng địa phương và người dân bản địa trong quản lý nguồn tài nguyên ĐNN được hiểu là phương pháp hoặc cơ chế đồng quản lý bởi các bên liên quan với những lợi ích và trách nhiệm khác nhau, gồm: cộng đồng địa phương, người dân bản địa, các nhóm sở thích và cơ quan nhà nước. Khái niệm "người dân bản địa" có thể được hiểu rất khác nhau ở các quốc gia cũng như ở trong cùng một quốc gia, khái niệm "cộng đồng địa phương" có thể bao gồm các bên liên quan có thể sống cách xa khu Ramsa nhưng họ vẫn có những lợi ích mang tính lịch sử từ nguồn tài nguyên ĐNN (Hội nghị liên kết các bên lần thứ 7 về Công ước Ramsa, 1999).

   Sự hình thành tri thức bản địa khu vực hồ Ba Bể

   Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu về tri thức bản địa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở Việt Nam, các nghiên cứu về kiến thức bản địa cũng đã bắt đầu được quan tâm, trong đó có một số nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, vai trò quan trọng của người dân bản địa cùng với kiến thức của họ trong quản lý và bảo tồn thiên nhiên, trong đó có kiến thức bản địa trong quản lý ĐNN ngày càng được thừa nhận và quan tâm nhiều hơn.

   Trải dài theo lịch sử tồn tại và thay đổi của hồ Ba Bể, từ xa xưa tại khu vực hồ đã là nơi cư ngụ của cộng đồng một số dân tộc thiểu số, chủ yếu là người người Tày sau đó là người Dao và người H’Mông. Vì vậy, cùng với lịch sử tồn tại của hồ Ba Bể thì cũng là sự tồn tại văn hóa của các dân tộc định cư xung quanh hồ.Để tồn tại và phát triển, từ bao đời nay, những cư dân người dân tộc thiểu số ở đây đã có những tri thức, sinh kế trong việc khai thác và bảo tồn ĐNN khu vực hồ Ba Bể.

   Trong suốt quá trình tồn tại, sinh sống gắn bó lâu đời với nguồn tài nguyên ĐNN người dân bản địa khu vực hồ Ba Bể đã tích lũy được một hệ thống tri thức và sinh kế phong phú, đa dạng và quý giá. Hệ thống tri thức bản địa của người dân địa phương liên quan đến tài nguyên ĐNN rất đa dạng.Bên cạnh yếu tố lịch sử và văn hóa, tri thức bản địa là một nguồn tri thức quan trọng không thể thiếu trong việc khai thác và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực hồ Ba Bể.

   Tầm quan trọng của tri thức bản địa trong công tác quản lý tài nguyên ĐNN tại khu vực hồ Ba Bể

   Hệ thống tri thức bản địa của người dân địa phương liên quan đến tài nguyên ĐNN rất đa dạng, bên cạnh yếu tố lịch sử và văn hóa, tri thức bản địa là một nguồn tri thức quan trọng không thể thiếu trong việc khai thác, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên ĐNN tại khu vực hồ Ba Bể.

   Hiện nay, tri thức bản địa đã và đang đóng góp một phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương như: Nông nghiệp (kỹ thuật xen canh, chăn nuôi, quản lý sâu bệnh, đa dạng cây trồng, chăm sóc sức khoẻ vật nuôi, chọn giống cây trồng); Sinh học (thực vật học, kỹ thuật nuôi cá); Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng (bằng các phương thuốc truyền thống); Sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên, trong đó có công tác quản lý ĐNN và xóa đói giảm nghèo tại khu vực hồ Ba Bể.

   Kể từ khi Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể được thành lập (năm 1992), cùng với việc triển khai thực hiện các dự án phát triển do các tổ chức quốc tế tài trợ như: Dự án “Xây dựng các Khu bảo tồn nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở sinh thái cảnh quan” (PARC) do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ; Dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam‘ do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ; Dự án Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và xóa đói giảm nghèo do Helvetas tài trợ... Các kiến thức, phương pháp khoa học và công nghệ hiện đại đã được giới thiệu và bước đầu được áp dụng tại VQG Ba Bể trong sinh kế và quản lý tài nguyên thiên nhiên của người dân địa phương.

   Bên cạnh đó, người dân bản địa khu vực hồ Ba Bể và những nhà quản lý (Ban quản lý VQG Ba Bể, UBND xã Nam Mẫu, UBND huyện Ba Bể) đều kế thừa và duy trì việc áp dụng những tri thức bản địa vào tích hợp và sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên ĐNN tại khu vực hồ Ba Bể.

   Hiện nay, tại khu vực VQG Ba Bể, chủ yếu là các thôn khu vực vùng lõi của VGQ Ba Bể thuộc địa bàn xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể đang duy trì, kế thừa và áp dụng tri thức bản địa trong một số lĩnh vực sau:

STT

Hệ thống tri thức bản địa được áp dụng trong lĩnh vực, sinh kế

Ghi chú

1

Quản lý tài nguyên rừng

Chủ yếu là khai thác các sản phẩm phi lâm nghiệp.

2

Đánh bắt cá trong lòng hồ Ba Bể

Không có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên mặt hồ.

3

Canh tác nông nghiệp

Chủ yếu và lúa 1 vụ và hoa màu truyền thống

4

Bảo quản, chế biến sau thu hoạch

 

5

Chăn nuôi

Chủ yếu là trâu bò và gia cầm

 

   Theo người dân bản địa tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu cho biết, hiện nay bên cạnh những kiến thức, phương pháp, mô hình khoa học hiện đại được Ban quản lý VQG Ba Bể và UBND xã Nam Mẫu, hỗ trợ người dân áp dụng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tri thức bản địa đã giúp người dân bản địa, các nhà khoa học, nhà quản lý giải quyết, xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp, đòi hỏi cần có thời gian, sự hiểu biết sâu sắc và thích ứng, phù hợp với lịch sử, văn hóa và sinh kế truyền thống của địa phương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên trong đó có ĐNN.

   Trong kho tàng hệ thống tri thức bản địa khu vực hồ Ba Bể, những kiến thức, phương pháp về đánh bắt cá, khai thác và bảo quản các sản phẩm phi lâm sản, thuần hóa cây trồng, gây giống lúa và hoa màu của địa phương đã bổ sung vào kho tàng tri thức chung của cộng đồng và giúp các nhà khoa học, nhà quản lý nhận thức đúng đắn về nguyên tắc, thói quen, tập quán trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là công tác quản lý ĐNN.

   Từ đó, các nhà quản lý, nhà khoa học đã nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của hệ thống tri thức bản địa và ứng dụng linh hoạt trong việc quản lý và triển khai các dự án về hợp tác phát triển, xóa đói giảm nghèo, quản lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là công tác quản lý ĐNN khu vực hồ Ba Bể.

   Ông Nông Đình Khuê, nguyên Phó Giám đốc VQG Ba Bể) cho biết, hiện nay các tri thức bản địa về nông nghiệp, nông lâm kết hợp, cây trồng, quản lý sâu hại, đất đai và nhiều kiến thức khác về sau thu hoạch, bảo tồn các loài... vẫn được người dân duy trì, áp dụng để duy trì sinh kế của họ. Các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu kho tàng quý giá này...

   Một số đề xuất, kiến nghị đối với các bên liên quan

   Với những lợi ích mà tri thức bản địa mang lại, từ người dân bản địa dến các nhà nghiên cứu, Ban quản lý VQG Ba Bể và chính quyền địa phương đều nhận thức rõ giá trị và tầm quan trọng của tri thức bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quản lý ĐNN nói riêng, để bảo tồn và phát huy những giá trị, đóng góp tích cực của tri thức bản địa trong công tác quản lý ĐNN khu vực hồ Ba Bể, cần thực hiện một số giải pháp sau:

   Tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức, tuyên truyền rộng rãi tới người dân và các bên liên quan về việc bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực và hiệu quả của tri thức bản địa trong công tác quản lý ĐNN.

   Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực của hệ thống tri thức bản địa trong công tác quản lý ĐNN tại khu vực hồ Ba Bể.

   Xây dựng mối quan hệ phù hợp, hiệu quả và bền vững giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học, hiện đại trong công tác quản lý ĐNN tại khu vực hồ Ba Bể.

   Tiến hành nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học về hệ thống tri thức bản địa trong công tác quản lý ĐNN tại khu vực hồ Ba Bể, từ đó cung cấp những đề xuất kiến nghị khách quan và khả thi nhằm quản lý bền vững ĐNN khu vực hồ Ba Bể.

   Các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương và Ban quản lý VQG Ba Bể cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ cộng đồng cư dân bản địa đăng ký bản quyền sở hữu và sử dụng kho tàng tri thức bản địa của họ trong quản lý ĐNN khu vực hồ Ba Bể.

ThS. Ngân Ngọc Vỹ

Bộ TN &MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7 - 2015)

Ý kiến của bạn