Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

15/09/2015

     Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại cuộc họp về tình hình rà soát, sửa đổi, bổ sung mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia và Dự thảo lần 2 của Quy hoạch được tổ chức vào ngày 7/5/2015 tại Hà Nội.      Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, các hiện tượng thiên tai, bão lũ xảy ra ngày càng nhiều với cường độ tàn phá khốc liệt và khó dự báo. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế - xã hội phát triển dẫn đến nhu cầu của xã hội trong việc sử dụng thông tin, dữ liệu về TN&MT và công tác dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai ngày càng cao. Hiện nay, phần lớn nguồn thông tin, dữ liệu về TN&MT được thu thập thông qua hoạt động điều tra cơ bản, trong đó có hệ thống các mạng lưới quan trắc TN&MT, vì vậy, việc xây dựng và đưa vào vận hành mạng lưới quan trắc hợp lý, hoạt động ổn định sẽ đáp ứng kịp thời, chính xác và có hệ thống các dữ liệu thông tin cho các cấp, ngành, thành phần kinh tế, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.      Thời gian qua, hoạt động quan trắc TN&MT ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước về TN&MT, đặc biệt là từ khi thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia theo quy định tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, cả nước đã xây dựng và vận hành mạng lưới gồm khoảng 500 trạm và hàng nghìn điểm quan trắc; Thu thập được khối lượng lớn tư liệu của nhiều lĩnh vực, đảm bảo việc cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và biến động môi trường, phục vụ nhu cầu xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng được trên 3.000 quan trắc viên chuyên nghiệp... Tuy nhiên, Quy hoạch cũng bộc lộ một số bất cập như: Chưa tính đến xu thế phát triển và quá trình đô thị hóa dẫn tới việc các công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến tầm quan sát và chất lượng của số liệu quan trắc tại một số trạm quan trắc; Chưa quy hoạch việc quan trắc phục vụ cho mục đích ước lượng mưa, điều tiết hồ chứa, kiểm soát tài nguyên nước, nguồn nước xuyên biên giới... Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29/1/2007 là rất cần thiết.   Toàn cảnh cuộc họp        Mục tiêu tổng quát của Dự thảo Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng hệ thống quan trắc TN&MT hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu tại khu vực châu Á, đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và BVMT; Phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường. Dự thảo Quy hoạch gồm 3 phần: Hiện trạng và kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến năm 2015; Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Tổ chức thực hiện Quy hoạch. Công tác xây dựng và giải pháp thực hiện Quy hoạch đã được cân nhắc trên cơ sở khoa học chuyên ngành, khoa học quản lý và kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động của mạng lưới quan trắc những năm qua; Về điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển khoa học, công nghệ quan trắc TN&MT trên thế giới.       Theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Quy hoạch phải dựa trên nguyên tắc lồng ghép tối đa, trên cơ sở lấy hệ thống quan trắc của lĩnh vực khí tượng thủy văn làm nòng cốt; Kế thừa các công trình, điểm, trạm, mạng lưới quan trắc hiện có, nhằm tăng hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của hoạt động quan trắc... Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu đơn vị chủ trì tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên trong Ban chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch.              Theo Monre
Ý kiến của bạn