Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Tiếp tục đẩy mạnh xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020

07/11/2013

     Trong thời gian qua, công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) đã có những chuyển biến tích cực, có sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, sự quan tâm chỉ đạo, theo dõi của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần quan trọng xóa bỏ các điểm nóng về ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trên phạm vi cả nước. Cho đến nay, đã có 378/439 cơ sở phải xử lý trong giai đoạn 1 của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg hoàn thành xử lý triệt để, chiếm 86,1%; 398 cơ sở trong tổng số 677 cơ sở được điều tra, bổ sung xử lý trong giai đoạn 2 hoàn thành xử lý triệt để, chiếm 58,79%. Đặc biệt, bước đầu đã hình thành một khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ cho việc xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT, từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai, người lao động đến các chế tài xử lý nghiêm minh, có tính chất răn đe đối với các cơ sở chây ỳ, chậm trễ xử lý ô nhiễm.

      Ngày 2/4/2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh việc rà soát, phát hiện, lập danh mục và kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT trong giai đoạn tới, bảo đảm phấn đấu đến năm 2020 trên phạm vi cả nước không còn cơ sở gây ÔNMTNT. Thực hiện chỉ đạo Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương khảo sát, đánh giá, rà soát, lập Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020 (Kế hoạch), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013. Quyết định số 1788/QĐ-TTg là sự kế thừa, bổ sung và phát triển của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg với nhiều nội dung, giải pháp mới có tính đồng bộ như quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm, cụ thể hóa các nguyên tắc xử lý, trong đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của cơ sở trong việc thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để, chỉ rõ nguồn lực thực hiện... Có thể nói, Quyết định số 1788/QĐ-TTg là sự cụ thể hóa kịp thời những hành động của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT mà Đại hội Đảng XI cũng như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI của Đảng đã đề ra.

     1. Nội dung chính của Kế hoạch

     Phạm vi và đối tượng

     Để đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo với các Kế hoạch khác đã được ban hành, Kế hoạch này không bao gồm các cơ sở gây ÔNMTNT như: Các điểm, khu vực tồn lưu đioxin do chiến tranh để lại đã được đưa vào Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Các điểm, khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đã được đưa vào Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ÔNMT do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước giai đoạn đến năm 2020 tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Các làng nghề gây ÔNMTNT đã được đưa vào Đề án BVMT làng nghề Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Các hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung đã được bố trí kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để thực hiện đầu tư công trình xử lý môi trường.

     Ngoài ra, các cơ sở gây ÔNMTNT đến mức phải tạm thời đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP. Đây chủ yếu là các cơ sở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thời hạn khắc phục vi phạm và xử lý ô nhiễm nhưng vẫn tiếp tục vi phạm và gây ÔNMTNT. Do vậy, các cơ sở này phải áp dụng các biện pháp tạm thời đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động ngay, không đưa vào Kế hoạch xử lý triệt để.

     Như vậy, theo Kế hoạch, các đối tượng gây ÔNMTNT bao gồm: Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trừ các làng nghề, làng có nghề; Bệnh viện; Bãi rác; Cơ sở giam giữ, cải tạo phạm nhân; trường, trung tâm giáo dưỡng; trung tâm huấn luyện nghiệp vụ thuộc lực lượng công an nhân dân; Cơ sở bảo trợ xã hội; trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội; Các đơn vị huấn luyện quân sự từ cấp quân khu trở lên; các cơ sở xử lý vũ khí, chế tài, trang thiết bị quân sự.

     Mục tiêu của Kế hoạch

     Kế hoạch đã xác định 3 mục tiêu cơ bản đó là: Rà soát, phát hiện và tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ÔNMTNT trên phạm vi cả nước; Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT; Phấn đấu đến năm 2020 không để phát sinh cơ sở gây ÔNMTNT.

     Nguyên tắc xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT

     Để bảo đảm được các mục tiêu đề ra, Kế hoạch xác định 3 nhóm nguyên tắc xử lý trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các nguyên tắc của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và bổ sung một số nguyên tắc mới phù hợp với điều kiện quản lý thực tiễn.

     Nguyên tắc bao trùm mang tính định hướng quan trọng của Kế hoạch đó là bên cạnh việc tập trung nguồn lực xử lý triệt để các cơ sở đã gây ÔNMTNT, cần thiết phải triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, không để phát sinh mới các cơ sở gây ÔNMTNT nhằm đảm bảo mục tiêu phấn đấu không còn cơ sở gây ÔNMTNT trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, Kế hoạch cũng xác định các cơ sở gây ÔNMTNT trong thời gian xử lý triệt để phải áp dụng ngay các biện pháp giảm thiểu ÔNMT và chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và của cộng đồng. Nguyên tắc này khắc phục quan điểm cho rằng, việc đưa cơ sở vào danh mục cơ sở gây ÔNMTNT là hình thức hợp thức hóa để các cơ sở này tiếp tục được gây ÔNMTNT.

 

 

 Hệ thống xử lý nước rác công suất 1.000 m3/ngày, đêm,

công nghệ tiên tiến xử lý triệt để nước rác

trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

 

     Nội dung của Kế hoạch

     Kế hoạch chia thành 2 giai đoạn thực hiện, giai đoạn đến năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn từ nay đến năm 2015, Kế hoạch tập trung thực hiện 5 nội dung chính:

      Một là, tiến hành xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở ÔNMTNT đã được phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý. Cụ thể, đối với 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ÔNMTNT nhưng chưa hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg phải hoàn thành trước ngày 30/6/2014; đối với 20 bãi rác, 10 bệnh viện gây ÔNMTNT chưa hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và 186 cơ sở gây ÔNMTNT đã được phê duyệt danh mục và tiến độ xử lý phải hoàn thành trước ngày 31/12/2015.

     Hai là, phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý triệt để đối với các cơ sở mới được rà soát, thống kê, trong đó có 27 cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

     Ba là, tiếp tục rà soát, thống kê, bổ sung hàng năm danh mục các cơ sở gây ÔNMTNT mới phát sinh phải xử lý triệt để. Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục rà soát, phát hiện các cơ sở gây ÔNMTNT, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc lập hồ sơ gửi Bộ TN&MT đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, phát hiện cơ sở gây ÔNMTNT thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và lập hồ sơ gửi Bộ TN&MT. Việc phê duyệt danh mục các cơ sở gây ÔNMTNT phát sinh hàng năm  thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt.

     Bốn là, tổ chức xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ÔNMTNT mới phát sinh hàng năm.

    Năm là, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phát sinh mới cơ sở gây ÔNMTNT thông qua các hoạt động như từ năm 2014, bổ sung chỉ tiêu giảm phát sinh mới cơ sở gây ÔNMTNT trong bộ chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tiến hành xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc để phát sinh mới cơ sở gây ÔNMTNT.

     Giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, nội dung Kế hoạch tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 222 cơ sở gây ÔNMTNT đã được phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý; đồng thời tiếp tục rà soát, thống kê, phê duyệt danh mục và tổ chức xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ÔNMTNT mới phát sinh hàng năm. Trong giai đoạn này còn tiến hành tổng hợp, đánh giá chỉ tiêu hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trong bộ chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; cũng như đẩy mạnh kiểm soát, chấm dứt tình trạng phát sinh mới cơ sở gây ÔNMTNT.

     Các giải pháp thực hiện Kế hoạch

     Có 4 nhóm giải pháp chính cần triển khai đồng bộ:

Nhóm giải pháp  về tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ cơ sở gây ÔNMTNT trong giai đoạn xử lý triệt để. Theo đó, các cơ sở gây ÔNMTNT đã được đưa vào danh mục buộc phải xử lý phải áp dụng các biện pháp tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở, báo cáo cơ quan chỉ đạo xử lý triệt để; niêm yết bản tóm tắt kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở và trụ sở UBND cấp xã nơi cơ sở hoạt động; định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch xử lý triệt để với cơ quan chỉ đạo xử lý. Cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

     Việc buộc các cơ sở gây ÔNMTNT có tên trong danh mục phải áp dụng các biện pháp tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm là một trong những giải pháp mới so với Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg. Tại các Phụ lục của Kế hoạch đã quy định cụ thể các biện pháp xử lý tạm thời trong thời hạn xử lý triệt để cho từng cơ sở bao gồm một hoặc nhiều biện pháp như giảm công suất cho phù hợp với công suất của hệ thống xử lý chất thải hiện có; tạm thời lưu chứa chất thải cho đến khi hoàn thành hệ thống xử lý chất thải; tạm thời ngừng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm; xử lý sơ bộ chất thải trước khi thải ra môi trường...

     Nhóm giải pháp về truyền thông, thực hiện công khai thông tin về cơ sở gây ÔNMTNT nhằm thu hút sự quan tâm, giám sát của cộng đồng, tạo sức ép buộc các cơ sở đầu tư xử lý triệt để theo đúng tiến độ. Đồng thời, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra việc xử lý triệt để của cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại UBND cấp xã nơi cơ sở hoạt động. Hàng năm, công khai thông tin về tiến độ, kết quả xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT của từng Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

     Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT và kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phát sinh mới các cơ sở gây ÔNMTNT, trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng, ban hành mới hoặc bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ cơ sở gây ÔNMTNT tiến hành xử lý ô nhiễm triệt để, đặc biệt là các cơ sở thuộc khu vực công ích; cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động khi cơ sở thực hiện xử lý ô nhiễm. Xây dựng cơ chế xác định và xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc để phát sinh mới cơ sở gây ÔNMTNT.

     Nhóm giải pháp về đa dạng hóa nguồn lực tài chính để thực hiện Kế hoạch: Đây là một trong những giải pháp quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện Kế hoạch. Theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm tự bố trí kinh phí thực hiện xử lý triệt để. Nhà nước hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách đặc thù. Ưu tiên xã hội hóa, huy động vốn ODA, vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước để xử lý triệt để các cơ sở thuộc khu vực công ích gây ÔNMTNT, phần thuộc trách nhiệm của Nhà nước.

     Tổ chức thực hiện Kế hoạch

     Kế hoạch quy định việc tăng cường, củng cố Ban chỉ đạo liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, bổ sung thêm 2 thành viên là đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; đồng thời quy định việc thành lập Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành đặt tại Bộ TN&MT (Tổng cục Môi trường).

     Theo Kế hoạch, Bộ TN&MT được giao giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch cũng như các nhiệm vụ khác theo chức năng; Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho công tác xử lý ô nhiễm triệt để; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các chỉ tiêu hoàn thành xử lý, chỉ tiêu giảm phát sinh mới các cơ sở gây ÔNMTNT và huy động, thu hút nguồn vốn ODA để thực hiện Kế hoạch. Các Bộ, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo chức năng quản lý.

     Như vậy, điểm mới của Kế hoạch là phân công cụ thể, rõ ràng từng nội dung, giải pháp cho các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả. Trong đó, trách nhiệm của các Bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan chỉ đạo xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn đã được phê duyệt. Đặc biệt, bổ sung vai trò của cơ quan chỉ đạo xử lý triệt để, trách nhiệm của cơ sở gây ÔNMTNT và sự tham gia của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong quá trình thực hiện xử lý triệt để.

     2. Một số hoạt động cần sớm triển khai thực hiện 

   Quyết định số 1788/QĐ-TTg đặt ra thời hạn và mục tiêu rất cụ thể, do đó, các nội dung của Quyết định số 1788/QĐ-TTg cần sớm được tổ chức triển khai thực hiện.

     Trước hết, Bộ TN&MT cần nhanh chóng hoàn thiện tổ chức bộ máy Ban chỉ đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Kế hoạch trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg để sớm đưa Ban Chỉ đạo và Văn phòng giúp việc vào hoạt động. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo liên ngành xây dựng chương trình hoạt động cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó hướng dẫn, chỉ đạo đối với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ đã được phân công.

     Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đến năm 2015 xử lý dứt điểm các cơ sở công ích gây ÔNMTNT còn tồn đọng trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, Bộ TN&MT cần chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ưu tiên bố trí hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch ngân sách năm 2014 để xử lý triệt để đối với 20 bãi rác, 10 bệnh viện gây ÔNMTNT chưa hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg cũng như các cơ sở gây ÔNMTNT thuộc khu vực công ích khác.

     Các Bộ, ngành và địa phương cần tiến hành việc tuyên truyền, phổ biến quán triệt nội dung của Quyết định tới từng cơ sở gây ÔNMTNT, cơ quan, tổ chức có liên quan; thực hiện công khai thông tin về cơ sở gây ÔNMTNT, nội dung của Kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương cũng như địa phương; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở gây ÔNMTNT đã được đưa vào danh mục xử lý xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp tạm thời giảm thiểu ô nhiễm; kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để của cơ sở bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đã được phê duyệt tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg.

     Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần sớm nghiên cứu, hướng dẫn, đề xuất biện pháp tăng cường huy động nguồn vốn xã hội hóa và cơ chế hợp tác công - tư, huy động vốn ODA, vốn từ các tổ chức, cá nhân để xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiên trọng thuộc khu vực công ích; trước mắt xây dựng dự án huy động vốn ODA cho việc xử lý các bãi rác gây ÔNMTNT.

     Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ở Việt Nam vẫn còn nhiều cơ sở gây ÔNMTNT, gây bức xúc trong đời sống nhân dân. Trên thực tế, nếu áp dụng ngay các biện pháp tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động đối với những cơ sở gây ÔNMTNT sẽ gây ra những xáo trộn và bất ổn lớn trong xã hội cũng như đối với nền kinh tế của đất nước như sự gia tăng tình trạng thất nghiệp, đói nghèo và tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, việc xây dựng một lộ trình hợp lý để các cơ sở tiến hành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để là giải pháp thích hợp, vừa bảo đảm các yêu cầu về BVMT, vừa bảo đảm sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Sự ban hành Kế hoạch khẳng định quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các cấp trong việc giảm dần tiến tới xóa bỏ các cơ sở gây ÔNMTNT, phấn đấu đến năm 2020 trên phạm vi cả nước sẽ không còn cơ sở gây ÔNMTNT.

 

PGS.TS. Bùi Cách Tuyến

Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

TS. Hoàng Văn Thức - ThS. Trương Thị Minh Hà

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí MT, số 10/2013

 

 

Ý kiến của bạn